Thế giới khó khăn, thuỷ sản Việt Nam có khó xuất ngoại?
Từ nhiều năm nay, ngành thuỷ sản luôn nằm trong Top 5 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất Việt Nam. Con cá, con tôm Việt Nam đã đi đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có những thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nga, Nhật Bản… Trong điều kiện nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm xuống, DN ngành thuỷ sản Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào? Đại diện một số DN thuỷ sản đang niêm yết trên TTCK đã trả lời câu hỏi này.
Ông Nguyễn Văn Lực, Tổng giám đốc CTCP Thủy sản số 4 (TS4)
Sản phẩm của Công ty chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Úc… Nhìn chung, những biến động kinh tế thế giới cũng tác động đến việc kinh doanh của chúng tôi, nhưng không nhiều. Bởi sản phẩm của TS4 chủ yếu là các sản phẩm từ đánh bắt, chứ không phải nuôi trồng với yêu cầu đảm bảo chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi nguồn hải sản ngày càng trở nên khan hiếm, đòi hỏi kỹ năng đánh bắt, khai thác tốt khiến cho các sản phẩm của chúng tôi cũng có lợi thế riêng. Tôi cho rằng, các lĩnh vực sản xuất của TS4 sẽ ít bị tác động. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu nhằm giảm thiểu rủi ro.
Hết tháng 9/2008, TS4 đạt doanh thu xuất khẩu 8,5 triệu USD (kế hoạch năm là 12 triệu USD), lợi nhuận trước thuế đạt 9 tỷ đồng (kế hoạch năm 13 tỷ đồng). Do đặc thù của ngành thủy sản, doanh thu và lợi nhuận thường tập trung vào quý III và IV, nay với mức độ hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu trong 9 tháng, chúng tôi tin rằng TS4 sẽ hoàn thành và vượt kế hoạch năm.
Ông Bùi Sĩ Tuấn, Giám đốc tài chính, CTCP Thuỷ hải sản Minh Phú
Kinh tế thế giới khó khăn cũng có tác động tới DN thủy sản; tuy nhiên, Minh Phú có mối quan hệ khá tốt với ngân hàng nên không gặp nhiều khó khăn về vốn lưu động, do vậy có điều kiện thuận lợi để tổ chức thu mua nguyên liệu ở quy mô lớn. Vừa qua, giá nguyên liệu đầu vào giảm khoảng 30%, giá bán thành phẩm của DN giảm khoảng 10%, do vậy chênh lệch đầu ra - đầu vào vẫn khá lớn. Thị trường Mỹ hiện chiếm khoảng 50% thị phần xuất khẩu của Minh Phú, tôm xuất sang Mỹ phục vụ chủ yếu cho các nhà hàng cao cấp nhưng nhu cầu tiêu thụ rất cao. Đơn cử như tôm thẻ chân trắng, giá rẻ hơn 3 USD/kg nhưng vẫn không được ưa chuộng bằng tôm sú mười mấy USD/kg. Minh Phú hiện không dám ký nhiều hợp đồng vì không đủ hàng để giao, nhu cầu tăng rất lớn tại thị trường Bắc Mỹ…
Đặc thù của ngành thủy sản là doanh thu tăng mạnh vào quý IV; với Minh Phú, quý cuối năm luôn chiếm khoảng 40% doanh thu cả năm, nên khả năng đạt kế hoạch lợi nhuận năm vẫn hoàn toàn khả thi. Phần đầu tư tài chính, chúng tôi đã trích lập dự phòng đầy đủ. Ở thời điểm này, các NĐT tổ chức, trong đó có 2 đối tác lớn là Temasek và Vietnam Partner vẫn cam kết nắm giữ cổ phiếu của Minh Phú, mới đây Quỹ I của Vietnam Partner còn ngỏ ý mua thêm cổ phiếu của Minh Phú để tăng tỷ lệ sở hữu.
Ông Võ Phước Hưng, Trợ lý Tổng giám đốc CTCP Agifish
Sản phẩm chủ yếu của Agifish là cá da trơn xuất khẩu sang các thị trường Nga, Đông Âu (chiếm tới 70% sản lượng của Công ty), thị trường Mỹ do thuế cao nên lượng hàng xuất qua Mỹ chiếm tỷ lệ rất thấp. Hàng của Agifish phục vụ chủ yếu khách hàng bình dân nên nhu cầu từ các thị trường vẫn rất lớn. Quý III, giá trị xuất khẩu của Công ty tăng 150% so với cùng kỳ, sản lượng đạt 30.000 tấn, vượt kế hoạch năm. Tính hết quý III, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt 96% kế hoạch năm. Trong quý IV, tình hình kinh tế thế giới khó khăn có thể tác động đến nhu cầu của khách hàng; tuy nhiên cuối năm là mùa vụ chính của xuất khẩu thủy sản nên chắc chắn sức tiêu thụ vẫn rất mạnh. Cái khó hiện nay của DN xuất khẩu thủy sản như chúng tôi là chi phí đầu vào quá cao. Chính sách thắt chặt tín dụng gây khó khăn về vốn và lãi suất quá cao đối với DN. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, tình hình cắt điện thường xuyên khiến giá thành mỗi kg sản phẩm tăng thêm khoảng 1.000 đồng. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu hàng tại cảng nhiều khi bị ách tắc… Vừa rồi, các DN trong Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản đã có công văn gửi tới Văn phòng Chính phủ đề nghị tháo gỡ bớt những khó khăn cho DN xuất khẩu.
Ông Đăng Kiết Tường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Bến Tre (ABT)
Bất chấp những khó khăn chung của ngành xuất khẩu thủy sản, ABT vẫn kinh doanh khả quan và đạt lợi nhuận cao. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2008, ABT đạt doanh thu 368 tỷ đồng, tăng 26,32% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 34,575 tỷ đồng, tăng 14,39% so với cùng kỳ năm trước và bằng 87,31% kế hoạch năm; trong đó, chỉ riêng quý III, lợi nhuận sau thuế của ABT đạt xấp xỉ 12 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận sau khi đã được Công ty trích lập dự phòng đầu tư tài chính (32,583 tỷ đồng).
Tình hình kinh doanh của ABT trong quý còn lại của năm 2008 tiếp tục khả quan do các hợp đồng xuất khẩu nghêu và cá của Công ty luôn được duy trì ổn định. Hiện tại, ABT triển khai 50 héc-ta nuôi cá và đã thu hoạch nhằm ổn định nguyên liệu đầu vào cho Công ty trong những tháng kế tiếp.
đtck
|