Nhu cầu về thị trường mặt bằng bán lẻ hiện đại vẫn rất lớn
Phó Giám đốc phụ trách nguyên cứu thị trường và tư vấn đầu tư của CBRE Việt Nam Renato Shordon cho rằng hiện tại, Việt Nam đang thiếu các nguồn cung mặt bằng bán lẻ hiện đại.
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố báo cáo cập nhật về tình hình bất động sản tại Hà Nội chiều 23/10, Renato Shordon - Phó Giám đốc phụ trách nguyên cứu thị trường và tư vấn đầu tư Renato Shordon (Công ty Tư vấn và Quản lý Bất động sản CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE Việt Nam) cho rằng, thị trường mặt bằng bán lẻ Việt Nam vẫn tỏ ra rất hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động.
Ông Shordon còn trích kết quả khảo sát về “Niềm tin, những quan ngại, thói quen mua sắm và ứng xử của người tiêu dùng trước khủng hoảng” do Công ty nghiên cứu thị trường Nielson thực hiện mới đây, cho rằng người dân Việt Nam thuộc nhóm người tiêu dùng “lạc quan nhất” trên toàn cầu, xếp thứ 9 về chỉ số lạc quan sau Na Uy, Thuỵ Điển...
Theo ông Shordon, nguồn cung tại Hà Nội hiện mới chỉ đạt 100.000 m2 tại 13 trung tâm thương mại và mua sắm, nơi hiệu suất cho thuê luôn đạt khoảng 90%. Giá thuê cao nhất trong khu vực trung tâm thậm chí lên đến 130 USD/m2/tháng.
Diễn biến của thị trường bất động sản trong quý vừa qua nhìn chung chững lại đối với các dự án lớn nhưng lại tương đối sôi động với các công trình cải tạo tại các khu vực trung tâm như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa.v.v… và các khu vực xung quanh thành phố như Tây Hồ và Long Biên.
Quá trình cải tạo lại các cửa hàng mặt phố và nhà ở tư nhân đang diễn ra không ngừng vì người dân vẫn tiếp tục nâng cấp nhà và cửa hàng mặt phố của họ để cho thuê khi thị trường đang có nhu cầu và giá thuê đang cao.
Tiến độ xây dựng của các dự án lớn bị chậm lại chủ yếu do chính sách thắt chặt tín dụng của các ngân hàng Việt Nam và sự e ngại về cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu.
Nhìn vào tổng quan cung-cầu, thị trường bất động sản của Hà Nội vẫn bị hạn chế bởi nguồn cung còn thiếu. Khách thuê tại các mảng thị trường văn phòng, khu thương mại/mặt bằng bán lẻ, và khách mua căn hộ đang có những phản ứng đối với giá thuê được cho là quá cao của thị trường. Các hợp đồng thuê chủ yếu là ngắn hạn, và thời hạn thuê rút ngắn do khách thuê đang nhắm đến nguồn cung mới sẽ được đưa vào thị trường trong vài năm tới.
Còn đối với thị trường nhà ở Hà Nội, theo khảo sát của CBRE thì trong quý 3, giá của tất cả các mảng thị trường nhà ở đều ở dưới mức cao nhất đạt được tại thời điểm trước Tết. Mặc dù trong quý 3 có nhiều giao dịch mua bán hơn, nhưng nhìn chung số lượng các giao dịch thành công không nhiều do có các kỳ vọng khác nhau từ cả hai phía người mua và người. Tuy giá chào bán của nhiều dự án tiếp tục giảm dần, thị trường vẫn chưa ổn định vì đa số người bán vẫn rất miễn cưỡng không muốn bán với giá thấp trừ phi họ đang chịu áp lực của khoản vay ngân hàng đến kỳ đáo hạn trong khi người mua lại có xu hướng chờ đợi với hi vọng giá sẽ giảm tiếp.
vov
|