EU muốn có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam
Trước bối cảnh đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu (EU) đang trong tình thế chậm trễ, EU đã tính tới kế hoạch đàm phán FTA với riêng một số nước ASEAN sẵn sàng mở cửa thị trường, trong đó đặc biệt lưu tâm Việt Nam. Ông Philippe Meyer, trưởng đoàn đàm phán FTA của EU đã tiết lộ điều này với báo giới ngày 14/10.
Sau nhiều trì hoãn, ngày 14/10 tại Hà Nội, EU và ASEAN đã mở vòng đàm phán lần 6 về Hiệp định FTA giữa hai khu vực, trong đó Việt Nam là nước giữ vai trò điều phối cho ASEAN.
Bắt đầu đàm phán cách đây 2 năm, song đến nay EU và ASEAN vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Sự chậm trễ khiến EU “sốt ruột” và lo ngại quá trình đàm phán sẽ kết thúc với kết quả không hứa hẹn, trong khi một số nước trong ASEAN bày tỏ sự sẵn sàng tham gia đàm phán sâu với EU riêng.
Ông Philippe Meyer nói EU đã chuẩn bị một kịch bản khác trong tình huống đàm phán bế tắc đó là thúc đẩy FTA với một số nước trong ASEAN sẵn sàng mở cửa thị trường dù “cùng lúc EU sẽ không bỏ rơi những nước khác”.
Không thế có gì trong ví, nếu mở cửa chậm
Ông có thể cho biết cuộc đàm phán giữa EU và ASEAN tại Hà Nội lần này?
- Dường như nội bộ ASEAN chưa hài hòa hóa được những quan điểm về mở cửa thị trường. Vì vậy quy trình đàm phán đã diễn ra chậm hơn so với dự tính.
Chúng tôi đã hy vọng rằng có thể kết thúc đàm phán FTA với ASEAN trong vòng 2 năm, kể từ khi chính thức khởi động cuộc đàm phán này vào năm 2006. Cuộc đàm phán đã kéo dài hai năm, nếu phải mất thêm 4 hay 5 năm nữa thì quá phí phạm thời gian.
Dường như không có gì trong ví của mọi người nếu 10 nước ASEAN chọn cách mở cửa thị trường chậm như vậy. Giờ đây chúng tôi có kế hoạch khác là khai thác khả năng thúc đẩy hơn nữa quá trình đàm phán, đó là làm việc với một số nước trong ASEAN đã sẵn sàng mở cửa thị trường, ngỏ ý đàm phán sâu với EU.
Với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, câu trả lời tốt là chúng ta phải mở cửa thị trường. Bằng cách đó, các bạn có thêm nhiều cơ hội vì mức độ cạnh tranh tăng lên và giá cả giảm đi. Các công ty sẽ phải kiểm soát giá cả hợp lý hơn để có lợi cho người tiêu dùng.
Có FTA với EU, Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn và kiểm soát giá cả tốt hơn. EU không phải là mối đe dọa thương mại cho Việt Nam.
Trong khi đàm phán FTA giữa hai khu vực bị chậm trễ, ông nói một số nước ngỏ ý muốn đàm phán sâu riêng với EU. Việt Nam có nằm trong nhóm này và gửi thông điệp hay tín hiệu tới EU không?
- Việt Nam có năng lực tham gia nhóm những nước đàm phán nhanh với EU. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tuyên bố ý định vì Việt Nam đang là nước điều phối cho ASEAN trong việc đàm phán FTA với EU.
Chúng tôi hiểu đó là việc khó khăn cho Việt Nam khi đồng thời vừa đi trong nhóm nước đàm phán nhanh, đồng thời lại đại diện cho một cộng đồng 10 nước để đàm phán đầy đủ theo phương thức tiếp cận khu vực với khu vực.
Nhưng bản thân Việt Nam cũng từng thực hiện đàm phán một hiệp định FTA song phương với Nhật Bản. Thái Lan cũng có đàm phán tương tự với đối tác khác. Tôi không thấy có sự xung đột nào về quyền lợi vì luôn có thể tồn tại cách tiếp cận khu vực và song phương.
Thị trường Việt Nam còn xa đích mở cửa hoàn toàn
Thực tế, Việt Nam đã mở cửa thị trường rộng rãi khi gia nhập WTO, ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Mỹ, và gia nhập AFTA. Nếu đàm phán FTA với EU thì Việt Nam sẽ mở rộng cửa thị trường hơn nữa như thế nào?
- Có sự khác biệt giữa mở của thị trường theo WTO và các hiệp định tự do thương mại song phương. Cam kết trong WTO tạo ra lộ trình rõ ràng để mở cửa một cách từ từ. Trong khi hiệp định thương mại song phương sẽ chỉ mở cửa ít hơn 7 năm và khi mở cửa là mở hoàn toàn, loại bỏ không chỉ hàng rào thuế quan mà cả những hàng rào phi thuế quan (như kiểm tra kiểm định).
Hiện tại, thị trường Việt Nam còn xa mới được coi là mở cửa hoàn toàn. Tôi thấy khó có thể nói sẽ có tác động tiêu cực nào với Việt Nam. Mở cửa thị trường rộng rãi sẽ giúp chúng ta kiểm soát giá cả tốt hơn.
Nhưng sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đang phải chịu thâm hụt thương mại khá lớn, lên tới gần 20 tỷ USD. Liệu việc mở cửa thị trường ngay lập tức cho EU có thể làm thâm hụt thương mại tăng cao hơn nữa?
- Thâm hụt thương mại của Việt Nam là với các đối tác khác, chứ không phải với EU. Chúng tôi không phải đối tác để Việt Nam phải quan ngại về điều đó. Khi có FTA với chúng tôi thì Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn và giúp Việt Nam kiểm soát giá cả tốt hơn. Vì vậy, EU không phải là mối đe dọa thương mại cho Việt Nam.
Hãy nghĩ đến các cơ hội. Hiện tại thuế xuất khẩu giầy sang EU của Việt Nam khoảng 7%, Nhưng nếu có FTA, thuế chỉ còn 0%. Hay một cái áo sơ mi của Việt Nam xuất khẩu vào EU đang chịu thuế 13%, nhưng khi có FTA, mức thuế chỉ 0% thôi.
vnn
|