Tăng trưởng kinh tế TP.HCM chưa thực sự bền vững
Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm của TP.HCM không thể bù đắp nổi các vấn đề phát sinh như môi trường, giáo dục, nhà ở, hạ tầng giao thông...
Tiến sỹ Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng sau 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ VIII, hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều có thể đạt được.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 2 năm đầu (2006 - 2007) cao hơn tốc độ tăng trưởng đề ra. Tuy nhiên dự báo năm 2008 chỉ có thể đạt được từ 10,5 - 11% và năm 2009 sẽ thấp hơn. Như vậy, xét về tốc độ thì tăng trưởng của TP.HCM đã là khá tốt. Với quy mô lớn, chiếm 21% cơ cấu GDP của cả nước mà tăng trưởng 11 - 12% là tốt.
Các chỉ tiêu khác như giảm nghèo thành phố cũng đã thực hiện khá tốt, nâng mức chuẩn nghèo lên 12 triệu đồng/người/năm, cao hơn chỉ tiêu bình quân của các nước Đông Nam Á (1,35 USD/ngày, trong khi đó TP.HCM là 2 USD/ngày). Đó là sự dũng cảm, tích cực của lãnh đạo thành phố để giải bài toán thu ngắn khoảng cách giàu nghèo. Các chỉ tiêu khác như giáo dục, giải quyết việc làm... thành phố cũng đều đạt được.
Tăng trưởng: Đạt về lượng nhưng chưa đạt về chất
Với những thông tin trên mà ông nêu ra, theo ông, chất lượng tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong thời gian qua liệu có thật sự bền vững?
- Tăng trưởng tuy đạt được chỉ tiêu tốc độ nhưng chất lượng tăng trưởng lại thấp, chỉ mới đạt về lượng nhưng chưa đạt về chất. Tăng trưởng kinh tế của TP.HCM chưa thực sự bền vững. Chưa kể việc tăng trưởng hiện nay lại kéo theo hệ quả đang gây ô nhiễm môi trường. Tăng trưởng bằng đầu tư lao động thủ công có giá trị gia tăng thấp. Chất lượng gia tăng không có, chưa biến đổi. Tỉ lệ tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm không thể bù đắp nổi các vấn đề phát sinh như vấn đề môi trường, giáo dục, nhà ở, hạ tầng giao thông... TP.HCM đang phải đương đầu trước những thách thức lớn.
Thưa ông, đó là những thách thức gì?
- Thứ nhất, cơ cấu kinh tế chồng chéo. Hiện công nghiệp thành phố chủ yếu vẫn là công nghiệp gia công, các ngành công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao như ngành cơ khí, điện tử - viễn thông, hóa dược... còn chiếm tỉ lệ thấp. Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao như khu y tế kỹ thuật cao Bình Chánh, khu nông nghiệp kỹ thuật cao huyện Củ Chi… triển khai chậm.
Thứ hai, hạ tầng giao thông thành phố hiện nay là trở lực cho sự phát triển nếu không giải quyết đồng bộ. Tuy nhiên việc giải quyết giao thông thành phố phải tính việc nối kết toàn vùng chứ không thể chỉ phát triển riêng biệt. Cho đến nay, giao thông nối kết nối vùng, nhất là mạng lưới giao thông nối kết giữa các cụm cảng biển với các khu công nghiệp và khu dân cư trên địa bàn vừa yếu kém, vừa thiếu đồng bộ. Việc đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông trên địa bàn này chưa được chú ý tương ứng với yêu cầu tăng trưởng kinh tế và vị trí vai trò của vùng.
Vấn đề thứ ba là việc giải quyết ô nhiễm môi trường, xử lý nước và chống ngập trên toàn vùng, trên các lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ.
Và vấn đề thứ tư là sự bất cập trong việc tổ chức, quản lý đô thị. Nếu phát triển đúng quy hoạch, đúng tốc độ thì đến năm 2025 quy mô của đô thị TP.HCM bằng gấp 3 lần hiện nay, do vậy công tác quản lý cũng phải thay đổi theo mô hình siêu đô thị chứ không thể quản lý manh mún như hiện nay.
Lương không chỉ là thu nhập...
Vậy vấn đề quản lý đô thị hiện đang gặp phải những vấn đề gì, thưa ông?
- Việc tổ chức mô hình thành phố theo quận huyện, phường xã và phân cấp như hiện nay không nối kết được các dịch vụ đô thị. Các dịch vụ đô thị không phát triển được, không có được sự đồng bộ. Lẽ ra phải tổ chức nhiều đô thị trong một đô thị lớn ví như phía Đông, Nam của thành phố phải phát triển thành những đô thị với kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh chứ không thể chia nhiều quận rồi mỗi ông mỗi miếng mạnh ai nấy làm. Để quản lý tốt cần phải xây dựng mô hình chính quyền đô thị, nhưng hiện nay thì chưa hình thành.
Chuyển dịch cơ cấu lao động chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch kinh tế. Hiện tượng hàng loạt công chức bỏ việc (gần 7.000 người) trong thời gian vừa qua nói lên điều gì, phải chăng là do công tác bố trí, sắp xếp nguồn lực có vấn đề?
- Vấn đề này hiện hơi nghịch lý. TP.HCM hiện chiếm 30% lực lượng khoa học kỹ thuật của cả nước (Hà Nội là 38%), nhưng lại thiếu nghiêm trọng đội ngũ quản lý, kỹ thuật cho những ngành kinh tế mũi nhọn, thừa lao động không được đào tạo, không có tay nghề.
Hệ thống đào tạo trên địa bàn thành phố chủ yếu là của trung ương mà không gắn kết gì với TP.HCM; giữa cung và cầu không gặp nhau. Hiện vấn đề đào tạo nguồn nhân lực rất tự phát, không ai đứng ra tổ chức liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho cả vùng kinh tế. Trong tương lai gần, không gian kinh tế, vùng kinh tế sẽ xóa đi ranh giới hành chính, và như vậy lao động sẽ không bị bó hẹp theo địa giới hành chính. Thế nhưng, dự báo diễn biến là như vậy nhưng công tác quản lý vẫn cứ bó hẹp trong phạm vi hành chính, thành ra bất cập.
Hiện tượng công chức bỏ việc, tôi cho rằng nhiều người ra đi là do chính sách tiền lương. Thạc sĩ ra trường mà lương chỉ hơn một triệu đồng thì làm sao giữ cán bộ được. Theo tôi, TP.HCM phải được tự chủ trong chính sách tiền lương chứ việc khoán kinh phí như hiện nay vẫn chưa thể cải thiện được tình hình. Dẫu có những người ra đi không phải vì lương bổng nhưng cái gốc vẫn là tiền lưong còn môi trường làm việc chỉ là cá biệt. Lương không chỉ là thu nhập mà còn là thang giá trị xã hội, là thước đo năng lực lao động mà nếu quên chuyện này sẽ không giải quyết được bài toán giữ chân cán bộ.
Yếu tố thời gian đang bị lãng quên
Theo ông, Thành phố nên ưu tiên tập trung giải quyết vấn đề gì để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội... đã đề ra?
- Tôi cho rằng mọi thứ. Trở lực lớn hiện nay cần tập trung là vấn đề giao thông. Dự án nào cũng dây dưa kéo dài. Phải làm thật nhanh, để không lãng phí theo kiểu cầu làm xong chờ đường trong khi đường vẫn chưa khởi công. Tôi đã đề nghị từ lâu thành phố nên đề ra một chỉ tiêu quan trọng trong đấu thầu các công trình xây dựng là phải làm 3 ca. Tiêu chí thời gian mới là quan trọng chứ không phải tiêu chí về tiền. Chúng ta đấu thầu hiện nay là đấu vì tiền mà quên mất yếu tố thời gian. Tại sao chúng ta chỉ tính làm 8 tiếng mà bỏ phí mất 16 tiếng còn lại? Sao không làm hết 24 tiếng để công trình 3 năm chỉ làm trong 1 năm là xong. Hiện thành phố như một đại công trường chỗ nào cũng thấy vậy nhưng làm không hiệu quả. Làm như vậy là lãng phí nguồn vốn ghê gớm, tiền ra mà không thấy hiệu quả. Nếu không làm nhanh và đồng bộ thì giao thông của thành phố trong thời gian tới là bế tắc.
Thưa ông, liệu trong tương lai TP.HCM có còn giữ được vai trò là ngọn cờ đầu của cả nước, là đầu tàu của khu vực?
- Đến nay và trong nhiều năm nữa TP.HCM vẫn là đầu tàu xét trên nhiều khía cạnh. Thứ nhất, quy mô kinh tế TP.HCM so với cả nước ngày càng tăng. Nếu tốc độ tăng trưởng của TP.HCM bằng 1,4 - 1,5 lần tốc độ của cả nước thì từ nay đến năm 2020, quy mô kinh tế thành phố bằng 30% của cả nước chứ không phải là 21% như hiện nay.
Thứ hai, TP.HCM là nơi chuyển tải toàn bộ thị trường tài chính, nguồn vốn của cả nước, cả khu vực. Thứ ba là nơi chuyển tải và tạo nguồn năng lực cho cả khu vực, chưa kể trong nhiều năm nữa thành phố vẫn là đầu mối giao lưu quốc tế. Một doanh nghiệp có thể đặt nhà máy ở miền Trung nhưng các công đoạn xuất nhập khẩu, tiếp thị, trưng bày sản phẩm... đều diễn ra ở TP.HCM. Mặc khác, thu hút đầu tư nước ngoài của Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... đều phải dựa vào hậu cần của TP.HCM. Vai trò đầu tàu là tốc độ chạy nhanh hơn và chuyển tải toàn bộ yếu tố sản xuất cho nơi khác, giải quyết cả đầu vào - đầu ra.
vnn
|