Vận động xúc tiến đầu tư:
Đón đầu các xu hướng phát triển và sự dịch chuyển các nguồn vốn
Trên 220 đại biểu đại diện cho 30 tỉnh thành phía Bắc và các bộ ngành liên quan đã tham dự Hội nghị tổng kết công tác xúc tiến đầu tư khu vực phía Bắc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tổ chức, ngày 24/10, tại Vĩnh Phúc .
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ : Đây là thời điểm phù hợp và cần thiết để đánh giá những thành quả đã đạt được trong công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) trong thời gian qua tại khu vực phía Bắc và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả XTĐT trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đối diện với nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam trong thời gian tới sẽ ngày càng khó khăn, công tác vận động XTĐT phải đón đầu các xu hướng phát triển và sự dịch chuyển của các nguồn vốn giữa các nền kinh tế trong thời gian tới.
Theo báo cáo đánh giá tại hội nghị, trong những năm gần đây, bức tranh ĐTNN vẫn tương đối khả quan với trên 142 tỷ USD. Riêng năm 2008, vốn ĐTNN đăng ký (đến hết tháng 9) đã đạt mức kỷ lục: 57 tỷ USD. Đối với khu vực phía Bắc, hiện đã có 2.827 dự án được cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 44 tỷ. So với cả nước, khu vực phía Bắc là địa bàn thu hút được tỷ trọng vốn đầu tư lớn nhờ thể hiện được lợi thế và sự hấp dẫn đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ, bất động sản, sản xuất điện tử và các sản phẩm công nghệ cao . Các địa phương tiêu biểu đi đầu trong thu hút ĐTNN hiện nay tại khu vực này là: Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh với hàng ngàn dự án đang triển khai; trong đó có nhiều dự án lớn của các tập đoàn có tên tuổi trên thế giới với mức đầu tư lên tới hàng tỷ USD. Thành quả đạt được này nhờ nhiều yếu tố nhưng một trong những yếu tố quan trọng là công tác vận động XTĐT.
Công tác XTĐT đã đi tiên phong trong việc định vị nhu cầu, đón đầu cơ hội , giảm thiểu các hàng rào thông tin và chi phí giao dịch cho nhà đầu tư. Từ năm 2006 đến nay, kinh phí XTĐT (của Bộ KHĐT) được bố trí độc lập bên cạnh nguồn kinh phí hành chính thông thường và tăng dần qua các năm căn cứ theo nhu cầu cụ thể. Đặc biệt từ năm 2007, trước yêu cầu mới của công tác XTĐT, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận việc xây dựng và cấp kinh phí từ ngân sách cho việc thực hiện Chương trình XTĐT Quốc gia hàng năm. Ở cấp địa phương, ngân sách cho hoạt động XTĐT cũng được cân đối từ ngân sách địa phương, tại một số địa phương có điều kiện thuận lợi như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, có thể đạt mức trung bình từ 2 đến 4 tỷ đồng/năm.
Nhiều tham luận cho thấy: Tuy khá đủ các điều kiện cần để thực hiện công tác XTĐT cả ở qui mô quốc gia hay địa phương một cách chuyên nghiệp, tầm cỡ và hiệu quả; nhưng vấn đề tổ chức hoạt động XTĐT đến nay vẫn còn manh mún, trùng lắp, thiếu sự phối hợp, hiệu quả thấp.... Vấn đề được đặt ra tại hội nghị là tính chủ động và chuyên nghiệp trong hoạt động XTĐT và các giải pháp trong thời gian tới. Hội nghị đã tập trung vào việc tăng cường hơn nữa sự gắn kết giữa công tác XTĐT với xúc tiến thương mại, du lịch và với hoạt động ngoại giao; sự gắn kết giữa các cơ quan trung ương và địa phương trong xây dựng và thực hiện chiến lược XTĐT quốc gia; từ đó tạo nên một sức mạnh thu hút hiệu quả nguồn vốn ĐTNN vào Việt Nam cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Từ những bài học kinh nghiệm trong thực tế thực hiện XTĐT thời gian qua, các địa biểu thống nhất: Cần tăng cường công tác quy hoạch ngành, vùng, địa phương, xây dựng chiến lược và các Danh mục dự án khuyến khích đầu tư làm căn cứ để hoạt động XTĐT đảm bảo chủ động tiếp cận và lựa chọn được đúng đối tượng nhà đầu tư phù hợp và dự án hiệu quả; tránh tình trạng trùng lặp, chồng chéo gây lãng phí ngân sách, bảo đảm tính chất liên vùng, quốc tế trong hoạt động XTĐT, nhất là khi XTĐT tại nước ngoài và hợp tác với nước ngoài về XTĐT. Công tác tiếp cận cung cấp thông tin cho nhà đầu tư cũng phải đổi mới, chuyển từ cách thức giới thiệu chung chung như trước kia sang tập trung phân tích sâu vào thông tin về ngành, vùng, địa phương, dự án cụ thể cho từng đối tường nhà đầu tư cụ thể. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn chỉnh pháp luật, chính sách về công tác XTĐT, cần thúc đẩy nhanh quá trình kiện toàn hệ thống tổ chức XTĐT cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp.
Hội nghị coi công nghệ thông tin là một khâu đột phá quan trọng trong công tác XTĐT và trong thời gian tới cần đầu tư hơn nữa cho trang thông tin điện tử về ĐTNN, tài liệu xúc tiến đầu tư; xây dựng cơ sở dữ liệu không gian đàu tư; phát huy và ứng dụng lợi thế của công nghệ thông tin vào quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư cũng như giới thiệu các dự án khả thi và tiếp cận với các nhà đầu tư tiềm năng. Ông Lương Tất Thắng, Phó trưởng Ban Tiếp thị bán hàng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông cam kết sẽ hợp tác và hỗ trợ công nghệ thông tin cho các trung tâm XTĐT vùng và địa phương.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Nền kinh tế VN đã ở một vị thế khác, cao hơn với nhiều cơ hội và vận hội cho phát triển; do vậy chúng ta cần có cách nhìn, cách làm phù hợp để nâng cao chất lượng thu hút đầu tư. Tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay sẽ không khỏi ảnh hưởng tới VN với nhiều khó khăn và thách thức; do vậy, công tác XTĐT phải chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, hài hòa phát triển địa phương với xu thế quốc gia, đặt lợi ích địa phương trong lợi ích quốc gia; để từ đó có chiến lược thu hút phù hợp với khả năng hấp thu, giải ngân nguồn vốn, thực hiện dự án cũng như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nhất là nguồn đất đai; tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường.
Ông khắng định: Cần đổi mới tư duy và phương pháp XTĐT theo hướng chủ động và chuyên nghiệp để mang lại hiệu quả lâu dài.
ttxvn
|