Thứ Sáu, 12/09/2008 09:16

Cổ phần hóa: Định giá đúng sẽ triệt tiêu tiêu cực!

Xử lý đất đai và bán cổ phần ưu đãi cho người lao động tại doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa là trọng tâm cuộc giám sát trên quy mô toàn quốc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thất thoát vốn chủ yếu từ khâu định giá đất

Một mặt nhận định rằng cơ chế cổ phần hóa (CPH) nói chung đang ngày càng hoàn thiện hơn, song báo cáo của Đoàn giám sát của UBTVQH thẳng thắn chỉ ra rằng, việc xử lý đất đai trong quá trình CPH theo các nghị định của Chính phủ còn thiếu đồng bộ và chưa nhất quán.

Đơn cử, Nghị định 181/2004 ban hành ngày 29/10/2004 khẳng định đất cho thuê cũng được xác định giá trị quyền sử dụng đất, tính vào giá trị của doanh nghiệp. Cũng năm này, chưa đầy 1 tháng sau, Nghị định 187/2004 lại quy định trường hợp doanh nghiệp CPH lựa chọn hình thức thuê đất thì không tính giá trị vào giá trị của doanh nghiệp. Tiếp đó, năm 2007, Nghị định 109 của Chính phủ tiếp tục tạo ra một sự khác biệt lớn trong định giá doanh nghiệp CPH. Chẳng hạn, Công ty TNHH một thành viên Bến xe miền Đông (TPHCM) được xác định giá trị doanh nghiệp và lợi thế kinh doanh lần lượt là 60 tỷ đồng và 9 tỷ đồng theo Nghị định 187/2004; song theo Nghị định 109/2007 lại là 1.121 tỷ đồng và 1.052 tỷ đồng, chênh nhau tới 31,4 lần!

Kể từ năm 2008 trở đi, doanh nghiệp nằm ở vị trí đắc địa trong các khu đô thị còn phải xác định thêm giá trị lợi thế do vị trí địa lý vào giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, do giá đất mà UBND cấp tỉnh ban hành thường không kịp thời và đảm bảo nguyên tắc sát với “giá thị trường trong điều kiện bình thường” nên việc này có thể dẫn đến sự “thiệt thòi” rất lớn cho nhà nước. Công ty cổ phần du lịch Ngọc Lan (Lâm Đồng) kinh doanh khách sạn ở vị trí đắc địa với diện tích đất thuê gần 2.300m2 khi định giá để CPH chỉ có 3,5 tỷ đồng; theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản thì rẻ hơn giá trị trên thị trường tới 5-7 lần. Tương tự như vậy là Khách sạn Phú Gia và một số nhà hàng, khách sạn khác tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM...

Ông Đặng Như Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, một thành viên đoàn giám sát không ngần ngại nói thẳng: “Chắc chắn có sự thất thoát vốn nhà nước, mà mầm mống là thiếu sự quản lý chặt chẽ từ vốn liếng đến đất đai ngay trước khi CPH”.

Thương hiệu giá bao tiền

Vốn là một lợi thế quan trọng trong kinh doanh, nhưng trong quá trình CPH vừa qua, nhiều thương hiệu nổi tiếng đã được định giá quá dễ dàng và... không theo một quy tắc nào cả! Thương hiệu Vinaconex được Bộ Xây dựng “áp giá” 100 tỷ đồng khi CPH toàn bộ tổng công ty này. “Vinacafe” của Công ty Cà phê Biên Hòa được tính có 5 tỷ đồng; còn “Vinashin” của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy lại được tính bằng 30% vốn điều lệ của bất kỳ công ty thành viên hay đơn vị liên kết nào của Tập đoàn. Đáng ngạc nhiên hơn, các thương hiệu “Sông Đà” (của TCT Sông Đà); Satra của TCT Thương mại Sài Gòn, Vissan, Cầu Tre... không được tính đồng nào dù là những thương hiệu nổi tiếng được xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước.

Tư nhân hóa: Chưa đáng ngại

Trong khi thống nhất nhận định CPH “như luồng gió mới, làm lành mạnh hơn tình hình tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp (doanh số tăng 43%, lợi nhuận tăng 243%; thu nhập người lao động tăng 54%, trong đó riêng thu nhập từ cổ tức tăng trên 15%)”, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lưu ý rằng, tỷ lệ vốn đã CPH còn thấp; trong khi phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã CPH lại vẫn ở mức cao; phương thức quản trị doanh nghiệp sau CPH chưa có bước đột phá rõ rệt.

Bên cạnh đó, ông Hiển cho hay, mặc dù tỷ lệ người lao động có tên trong danh sách mua cổ phần ưu đãi tại thời điểm doanh nghiệp CPH đạt tới 85%, song một bộ phận không nhỏ người lao động đã sớm bán lại cổ phần của mình sau khi CPH. Do đó, mục tiêu bán cổ phần cho người lao động để họ gắn bó hơn với doanh nghiệp và có cơ hội tham gia quản lý doanh nghiệp còn rất hạn chế. “Không phải hoàn toàn không có cơ sở khi có ý kiến e ngại việc thâu tóm cổ phần vào một hoặc một nhóm cá nhân, dù đây không phải trường hợp quá phổ biến” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bình luận.

Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội phân tích: “Với việc Nhà nước vẫn còn nắm giữ tỷ lệ cổ phần chung tới hơn 50% ở các doanh nghiệp đã CPH thì không có lý do để e ngại việc tư nhân hóa trong quá trình này. Vấn đề là xác định đúng giá trị doanh nghiệp. Định giá đúng sẽ triệt tiêu được tiêu cực”.

Vấn đề đáng quan tâm hơn ở đây, theo ông,  là tình trạng người lao động “bán lúa non” và vì thế, không được hưởng lợi ích mà nhà nước chủ trương dành cho họ. Ông đề nghị: “Nếu đặt ra mục tiêu khuyến khích người lao động gắn bó với doanh nghiệp, tiến đến có quyền làm chủ doanh nghiệp thì cần quy định không cho chuyển nhượng cổ phần ưu đãi, trừ phi người lao động về hưu hay không làm việc ở doanh nghiệp nữa và phải bán cổ phần ưu đãi cho cả người lao động làm việc cho doanh nghiệp sau khi CPH. Nhưng phải xem lại cách tính toán giá cổ phiếu để nó thực sự là “ưu đãi”.

doanh nhân

Các tin tức khác

>   PVFC được đăng ký niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (11/09/2008)

>   Ý kiến của UBCKNN về việc phát hành riêng lẻ cổ phiếu của CTCP Sông Đà 2 (11/09/2008)

>   Ý kiến của UBCKNN về việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu của CTCP Vận tải biển và hợp tác lao động quốc tế (11/09/2008)

>   Giá giảm, giao dịch sôi động hơn (11/09/2008)

>   CTCP ĐT & PT Điện Miền Trung: Trả cổ tức 6 tháng đầu năm 2008 (11/09/2008)

>   SOWATCO: Bán đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài (11/09/2008)

>   Nhiều công ty đại chúng bị xử phạt (11/09/2008)

>   Maybank sẽ mua 15% cổ phần của Ngân hàng An Bình (10/09/2008)

>   Công bố thông tin xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng (10/09/2008)

>   Ý kiến của UBCKNN về việc phát hành cổ phiếu thưởng của CTCP Mía đường Cần Thơ (10/09/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật