Thứ Sáu, 12/09/2008 09:58

Cổ phần hóa chậm như rùa – Vì sao?

Tám tháng đầu năm 2008 mới cổ phần hóa được 43 DNNN trong khi chỉ tiêu kế hoạch đề ra là phải CPH xong các DN thành viên các TCTNN một thành viên. Xem ra mục tiêu CPH 1500 DN đến năm 2010 là điều không thể thực hiện được.

Ngày 29/8 vừa qua Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN về công tác 8 tháng đầu năm và chương trình 4 tháng cuối năm. Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó Ban chỉ đạo ĐM&PTDN thì 8 tháng qua mới sắp xếp được thêm có 80 DN, đạt 15% kế hoạch cả năm, trong đó CPH được 43 DNNN. Trong khi đó, năm 2007 cả nước cũng chỉ mới tiến hành CPH 116 DNNN.

Vì sao tiến trình CPH lại diễn ra quá chậm chạp như vậy? Đâu là nguyên nhân cản trở quá trình này?

Quá trình cổ phần hóa

Tại Hội nghị về sắp xếp và đổi mới DNNN 7/10/2006 dưới sự chủ trì của thủ tướng Chính phủ có đề ra mục tiêu phấn đấu đến 2010 sẽ CPH xong DNNN. Với tư duy chỉ đạo là kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế đất nước nên việc hình thành các Tổng công ty Nhà nước (TCTNN) rồi thành lập thí điểm các Tập đoàn kinh tế NN và xây dựng một đội ngũ các DNNN hùng hậu trong thời gian qua đã chứng tỏ sức mạnh to lớn của khu vực kinh tế Nhà nước này. Tuy nhiên, DNNN mới đóng góp 40% vào GDP và gần 50% thu ngân sách, trong khi họ nắm giữ tới gần 60% tổng vốn đầu tư xã hội của đất nước. Sự kém hiệu quả và thiếu năng động của các DNNN đã được thừa nhận tại nhiều diễn đàn công khai, kể cả trong các kỳ họp Quốc hội và phần đông ý kiến đều cho rằng cần phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các DNNN.

Ngay tại phiên họp của UBTVQH 21/8/2008 vừa qua đa số ý kiến đều thống nhất về mục tiêu CPH là tạo ra loại hình DN có nhiều chủ sở hữu, trong đó có đông đảo người lao động và các nhà đầu tư ngoài xã hội tham gia, nhằm tạo động lực cho phát triển và làm ăn có hiệu quả của các DN.

Tính đến nay cả nước còn có 2.176 DN 100% vốn NN với tổng số vốn khoảng 260.000 tỷ VND, trong đó 1.546 DN hoạt động sản xuất kinh doanh, 355 DN quốc phòng an ninh và sản xuất cung ứng các sản phẩm và dịch vụ công ích và 295 nông, lâm trường quốc doanh. Mục tiêu kế hoạch đề ra là đến năm 2010 phải CPH xong 1500 DN và khi đó cả nước chỉ còn lại 554 DN 100% vốn NN, trong đó có 26 Tập đoàn và Tổng công ty lớn, 178 DN an ninh quốc phòng, 200 nông, lâm trường, 150 DN thành viên các tập đoàn và TCT NN.

Với đà CPH có tốc độ rùa bò trong năm 2007 và 8 tháng đầu năm 2008 thì rõ ràng mục tiêu “to lớn” của Chính phủ đề ra sẽ không thực hiện được.

Lúng túng trong nhận thức và quản lý

Có thể nói vướng mắc trước tiên là chúng ta còn lúng túng trong tư duy kinh tế. Một mặt Chính phủ chủ trương đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các DNNN nhưng mặt khác Chính phủ lại vẫn muốn duy trì tỷ lệ sở hữu Nhà nước lớn ở mỗi công ty sau cổ phần hóa vì muốn nắm vai trò quyết định trong vấn đề bổ nhiệm ban lãnh đạo công ty hoặc chí ít có vai trò tác động lớn đến vấn đề nhân sự trong HĐQT công ty. Cần nói thẳng ra rằng Chính phủ không muốn biến DN CPH thành DN tư nhân và chính vì vậy luôn duy trì phần vốn đóng góp ở mức độ có thể thao túng được công ty cổ phần đó. Không dừng ở đó, để kiểm soát vai trò hoạt động của DNCP ta vẫn duy trì cơ chế cơ quan chủ quản là các ngành, các bộ, địa phương để buộc các công ty cổ phần (DNCP) phải lệ thuộc vào những chỉ đạo duy ý chí của các cơ quan quản lý. Điều này đi ngược với mong muốn các công ty sau khi cổ phần hóa sẽ năng động, tự chủ hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh vì các DN này vô hình chung đã bị chói chặt vào sự quản lý của các cơ quan chủ quản. Điều đó đương nhiên ảnh hưởng tới những chủ trương, chính sách ban hành cho các DN. Cơ chế quản lý kiểu “xin-cho” vì thế vẫn tồn tại trên thực tế.

Rõ ràng ở nước ta các DNCP không chỉ chịu sự quy định của Luật DN mà còn chịu sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan chủ quản, một “bộ luật thứ hai”, tạo ra sự thiếu minh bạch trong kê khai tài chính, tạo ra sự rối rắm trong quản lý và rất khó quy kết trách nhiệm cá nhân…và kết quả là hạn chế hiệu quả hoạt động của DN.

Trên thực tế đến nay chúng ta rất thiếu thông tin về tỷ lệ phần vốn Nhà nước trong các DN đã CPH. Được biết theo quy định, cổ phần tối thiểu của Nhà nước tại các ngân hàng TMCP là 20%, nhưng thực tế thì lớn hơn nhiều. Theo luật DN 2003 quy định thì các DN có tỷ lệ vốn Nhà nước trên 51% thì DN đó được coi là DNNN. Như vậy rõ ràng các NHTMCP cũng như các DNCP đều là các DNNN hoặc DN “dân doanh”. Chính điều này làm rối thêm các quy định của Luật DN đối với các DN ở nước ta.

Thực vậy, chức Chủ tịch HĐQT hay GĐ các NHTMCP ở nước ta đều do các cơ quan chủ quản Nhà nước bổ nhiệm. Lãnh đạo DN không có quyền quyết định tiến hành việc CPH mà phải xin ý kiến các cơ quan chủ quản cấp trên. Đối với việc CPH các công ty thành viên thuộc một TCT thì tình hình tài chính rất không rõ ràng. Qua các đời giám đốc rất khó xác minh được những khoản nợ phải thu, phải trả. Có những khoản nợ tồn đọng khá lâu, thậm chí hàng chục năm thì hồ sơ không còn nữa… Vấn đề tài chính của các DN này thường do các cơ quan chủ quản quản lý và đây chính là cái khó cho việc kiểm toán, kiểm tra – một lỗ hổng tài chính cực kỳ to lớn?

Những bất cập trong quá trình CPH

Quá trình CPH một DNNN thường bắt đầu bằng việc xác định giá trị DN, sau đó tổ chức bán đấu giá cổ phần ra công chúng với mức giá khởi điểm do một tổ chức tư vấn phát hành đề nghị. Theo ông Dominic Scriven - GĐ Quỹ đầu tư Dragon Capital thì cách CPH DNNN như VN đang làm rất ít nước trên thế giới áp dụng. Ông cho biết, ở nước ngoài khi một công ty muốn chuyển đổi sang hình thức cổ phần bằng cách chào bán chứng khoán rộng rãi ra bên ngoài, công ty đó sẽ đi tìm một tổ chức tư vấn hay bảo lãnh phát hành. Tổ chức này sẽ có trách nhiệm nghiên cứu về tình hình hoạt động cũng như tiềm năng của công ty định CPH để tư vấn cho công ty đó nên bán bao nhiêu cổ phần ra thị trường và giá bán nên ở mức nào. Trong khi ở Việt Nam thì làm ngược lại. Các tổ chức phát hành đưa một lượng cổ phần ra chào bán rộng rãi trên thị trường theo hình thức đấu giá. Nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức tham gia vào bỏ giá sẽ giành mua cho được cổ phần của công ty đó và như vậy đẩy giá cổ phần đó lên cao. Sau đó tổ chức phát hành lại lấy giá bình quân trúng thầu làm căn cứ bán cho cổ đông chiến lược. Từ đây dễ nảy sinh các tiêu cực trong việc bỏ thầu. Những chuyện “đi đêm”, “bắt tay”, “móc ngoặc” giữa DN và các chủ thầu thường xuyên xảy ra khó bề kiểm soát. Thiết nghĩ chừng nào các DN vẫn còn phụ thuộc vào các cơ quan chủ quản là cấp trên chừng đó những tiêu cực nói trên là điều khó tránh. Hãy để cho các DN hoạt động theo đúng luật DN và Nhà nước chỉ tập trung vào thu thuế và định ra những mốc, giới hạn hay những hỗ trợ cần thiết cho các DN mà thôi.

Khó khăn lớn nhất vẫn là việc định giá DN. Ở đây tài sản DN có 2 loại: hữu hình và vô hình. Xác định tài sản hữu hình của DN nói chung không quá khó vì mọi tài sản đã có khung quy định khấu hao mà trước đây tỷ lệ khấu hao của Nhà nước quy định khá thấp nên giá trị còn lại của tài sản còn khá cao.

Giá trị tài sản vô hình chủ yếu là quyền sử dụng đất đai và thương hiệu công ty. Việc xác định các tài sản vô hình này thường gặp rất nhiều khó khăn và lúng túng. Việc xác định này thường do các công ty kiểm toán Nhà nước đưa ra nên nhiều khi là cảm tính và chủ quan. Khi tính toán giá trị sử dụng đất thì Chính phủ lại có 2 Nghị định chỉ đạo khác nhau. Nghị định 181 thì quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều luật đất đai, quy định giá trị quyền sử dụng đất phải được tính vào giá trị DN khi CPH. Trong khi đó, Nghị định 187 ban hành sau đó lại loại trừ giá trị quyền sử dụng đất ra khỏi CPH. Như vậy vô hình chung đã tạọ ra khe hở lớn cho các DN áp dụng khi tiến hành CPH và gây thất thoát lớn cho Nhà nước.

Một khó khăn khác hay xảy ra trong việc CPH DNNN là việc đảm bảo quyền lợi đối với người lao động (NLĐ) đã và đang gắn bó với DN. Về việc này mục đích đề ra thường là tốt đẹp xong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều vấn đề không hay và khó kiểm soát. Chẳng hạn, ta đã có các Nghị định khác nhau trong việc bán cổ phần ưu đãi cho người lao động. Theo Nghị định 64 thì NLĐ được mua cổ phần ưu đãi bằng 70% giá trị mệnh giá, trong khi Nghị định 187 lại cho phép NLĐ được mua cổ phần ưu đãi bằng 80% giá trị cổ phần khi có kết quả đấu giá lần đầu (IPO lần đầu). Việc quy định khác nhau này dẫn đến vận dụng khác nhau tại các DNNN khi thực hiện CPH. Cũng theo quy định, cổ phần bán cho NLĐ được tính theo số năm công tác, mỗi năm không quá 100 CP với mệnh giá 10.000VND/CP. Điều đó có nghĩa là trên thực tế NLĐ được mua CP quá ít so với tổng số vốn điều lệ. Thu nhập từ cổ tức đem lại trên mỗi một CP quá thấp nên NLĐ không mặn mà với việc mua bán CP đó. Do vậy, các lãnh đạo của DN và một số người khác có điều kiện tìm cách mua gom hết số CP của NLĐ trong công ty, dẫn đến việc có một ít người có chức có quyền hoặc có điều kiện tiếp cận với thông tin nội bộ đã gom vào trong tay một lượng lớn CP. Nhiều NLĐ đã phải bán “lúa non” số CP được ưu đãi của mình, đưa đến tình trạng DN sau khi CPH chỉ do một nhóm người có vai trò lãnh đạo trong công ty thao túng. Số đông NLĐ vẫn đừng ngoài cuộc chơi và họ không có tiếng nói gì hết trong việc phát triển DN. Điều này cũng dễ hiểu là sau khi các DN được CPH thì các lãnh đạo của DN đó đã giàu lên nhanh chóng bằng việc lợi dụng chính sự sơ hở của chính sách đãi ngộ của Nhà nước đối với NLĐ.

Những sai phạm và kiến nghị

Ngày 29/8/2008 ông Nguyễn Văn Sản, Phó Tổng thanh tra CP tại một cuộc họp báo cho biết, qua thanh tra việc CPH cho thấy có 5 nội dung đáng quan tâm là: Các sai phạm trong xử lý tài chính trước khi CPH; Việc bán CP ưu đãi cho NLĐ; Việc định giá tài sản; Việc nộp tiền về Quỹ hỗ trợ, sắp xếp CPH và Sai phạm trong quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ, sắp xếp và CPH DN.

Tổng hợp báo cáo từ 14 Bộ, ngành và 43 tỉnh, thành trong tháng 8/2008 đã kết thúc 406 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm trên 93,4 tỷ đồng, 24.788 m2. Theo ông Nguyễn Văn Sảnh, các DNNN đều có vấn đề khi xử lý tài chính trước khi CPH như việc kiểm kê, phân loại tài sản đều không đúng. “Nhiều trường hợp khi phân loại trước CPH thì đều xếp vào loại tài sản không cần dùng. CPH xong lại mang ra định giá”. Ông Sản cho biết thêm, Quỹ hỗ trợ DN sau khi CPH đến nay vẫn chưa mở tài khoản riêng và không lập kế hoạch thu chi hàng năm. Trong khi đó “Quỹ này thường được sử dụng cho các đơn vị thành viên vay với lãi suất ưu đãi, trái với quy định”.

Vấn đề vốn của các DNNN hiện đang do các cơ quan chủ quản quản lý nên quá trình kiểm kê tài sản và định giá tài sản thường rất khó khăn và cản trở tiến độ. Chúng ta đã có Tổng công ty đầu tư và phát triển vốn (SCIC) cho nên trước khi tiến hành CPH nên chuyển hết vốn về SCIC nắm giữ và sau đó SCIC sẽ thực hiện CPH số vốn đó và chuyển về DN phần vốn của Nhà nước vẫn nắm giữ ở DN và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Nhà nước về định giá DNNN khi CPH. Khi đó SCIC sẽ thay mặt Nhà nước có vai trò như một cổ đông lớn trong DNCPH. Làm như vậy về mặt tài chính sẽ minh bạch hơn so với hiện nay. Xóa bỏ phần đại diện của các cơ quan chủ quản tại các DNCP như hiện nay dẫn đến chồng chéo các khâu trong công tác quản trị DN. Khi đó Nhà nước chỉ cần đề ra một quy chế quản lý số vốn của Nhà nước tại các DN thông qua SCIC và giám sát hoạt động trực tiếp của SCIC.

Việc xác định giá trị tài sản của các DN nên mời các công ty kiểm toán độc lập tiến hành, nếu mời được các công ty kiểm toán nước ngoài thì càng tốt vì cần phải có chuyên môn cao trong lĩnh vực kiểm toán mới giảm thiểu tối đa sai lệch trong quá trình định giá tài sản công ty.

Nên bỏ quyền được mua CP ưu đãi đối với NLĐ mà thay vào đó nên thưởng cho NLĐ một số tiền đãi ngộ (bằng cổ phiếu) theo năm tháng công tác và đóng góp thực tế của họ vào DN. Có như vậy mới tránh được mọi sự lợi dụng danh nghĩa ưu đãi NLĐ để thâu tóm quyền lợi vào trong tay một nhóm thiểu số người có chức có quyền và có tiền trong DN. Cũng phải nói thẳng ra rằng dù NLĐ có mua hết CP mà họ được ưu ái thì số CP mà họ nắm giữ trong DN chỉ có khoảng 11%. Theo thống kê ở 3.786 DN đã CPH thì tỷ lệ NLĐ chiếm giữ CP cũng chỉ đạt có 11% số vốn điều lệ. Với tỷ lệ ít ỏi như vậy thì dù họ có tham gia họp và bỏ phiếu thì cũng chẳng có ảnh hưởng gì đến quyết định của HĐQT. Tôi đã có lần tham gia một Đại hội cổ đông của một DNCP thì mới hiểu được sự có mặt của cổ đông nhỏ lẻ như tôi (chiếm đại đa số cổ đông trong công ty, khoảng 1000/1200) chẳng có giá trị gì khi bỏ phiếu. Người ta thường quy định 1000 CP mới được một quyền phiếu bầu theo tỷ lệ vốn đóng góp, do đó những thành viên trong HĐQT là những người nắm đại đa số quyền phiếu bầu đó và vì vậy họ quyết định mọi công việc của công ty từ việc mở rộng phát triển kinh doanh đến việc ăn chia cổ tức… Việc tham dự của các cổ đông nhỏ lẻ như chúng tôi chỉ còn là hình thức.

Mặt khác, để việc CPH được thúc đẩy nhanh chóng cần có một Pháp lệnh về CPH, một khung pháp lý quy định chặt chẽ hơn các điều kiện CPH so với các Nghị định chồng chéo như hiện nay.

tổ quốc

Các tin tức khác

>   Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia 30% cổ phần Nhà máy thép liên hợp Hà Tĩnh (12/09/2008)

>   Cổ phần hóa: Định giá đúng sẽ triệt tiêu tiêu cực! (12/09/2008)

>   PVFC được đăng ký niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (11/09/2008)

>   Ý kiến của UBCKNN về việc phát hành riêng lẻ cổ phiếu của CTCP Sông Đà 2 (11/09/2008)

>   Ý kiến của UBCKNN về việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu của CTCP Vận tải biển và hợp tác lao động quốc tế (11/09/2008)

>   Giá giảm, giao dịch sôi động hơn (11/09/2008)

>   CTCP ĐT & PT Điện Miền Trung: Trả cổ tức 6 tháng đầu năm 2008 (11/09/2008)

>   SOWATCO: Bán đấu giá cổ phần lần đầu ra bên ngoài (11/09/2008)

>   Nhiều công ty đại chúng bị xử phạt (11/09/2008)

>   Maybank sẽ mua 15% cổ phần của Ngân hàng An Bình (10/09/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật