“Đồng Tiến chỉ có tiến”
Góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng “kỷ lục” của xuất khẩu ngành dệt may năm 2007, Đồng Tiến đã khẳng định những bước phát triển vượt bậc của một doanh nghiệp cổ phần hóa bằng sự trải nghiệm qua những thời kỳ khó khăn nhất trên thương trường.
Nhìn từ Đại hội cổ đông lần thứ 2 của công ty cổ phần Đồng Tiến cũng thấy rõ điều đó khi tổng doanh thu của công ty này là 165,674 tỷ đồng, đạt 118% so cùng kỳ năm 2006.
Trải nghiệm quý giá
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là những con số này lại thiết lập trong khoảng thời gian được coi là có nhiều khó khăn đối với ngành dệt may nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng. Hơn một năm qua, Đồng Tiến cũng như nhiều doanh nghiệp dệt may đều gặp phải những biến động lớn về sự tăng giá đồng loạt của rất nhiều mặt hàng nguyên phụ liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Trong đó, có những mặt hàng tăng đột biến như than đá tăng gấp 2 lần; xăng dầu, điện nước, cước phí vận chuyển, phí kho bãi tăng… tăng từ 1,5 đến 1,8 lần. Đặc biệt, giá của các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người lao động tăng cao làm giảm giá trị đồng lương, gây thiếu hụt và khó khăn đối với đời sống người lao động. Trong khi đó, nghị quyết của HĐQT quyết định điều chính giảm tỷ lệ lương từ 55% xuống còn 53%, các nguồn quỹ như quỹ lương, quỹ phúc lợi, quỹ dự phòng rủi ro và vốn lưu động đều bằng 0... Các yếu tố đó đã tạo nên những thách thức lớn đối với hoạt động SX-KD của công ty.
Tuy nhiên, những chia sẻ của TGĐ Vũ Ngọc Thuần vẫn đầy ắp niềm lạc quan và tự tin: "Đây chưa phải là khó khăn lớn nhất mà Dovitec phải đối mặt và cũng không phải là lần đầu tiên Dovitec phải vượt khó. Nó đã từng hiện hữu trong những ngày đầu doanh nghiệp mới thành lập cách đây 18 năm, và con đường trở thành một tên tuổi trong ngành dệt may Việt Nam cũng như thương hiệu uy tín trong mắt các đối tác EU cũng không ít thác ghềnh”.
Nhưng sự trải nghiệm đó lại trở thành điểm xuất phát của truyền thống đoàn kết vượt khó, nỗ lực phấn đấu để luôn hoàn thành xuất sắc nhiều năm liên tục của tập thể CBCNV toàn công ty. Đó cũng chính là những "khóa tự đào tạo" bản lĩnh vượt khó, sáng tạo và làm giàu kinh nghiệm cho bản thân của những người làm công tác quản lý, điều hành Dovitec" - ông Thuần tâm sự.
Giải pháp đồng bộ
Có lẽ bấy nhiêu lý do cũng có thể lý giải được nội lực mà công ty này đã thể hiện trước những trở ngại để triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế.
Cổ phần hóa - đa dạng sỡ hữu cũng có nghĩa là Dovitec sẽ có thêm nhân lực, tài lực và trí lực cùng đóng góp và cộng hưởng tạo nên diện mạo mới và nội lực mới cho công ty. Theo ông Thuần, giải pháp đầu tiên chính là việc sắp xếp lại bộ máy quản lý và tổ chức công ty theo hướng tập trung chuyên sâu. công ty đã sáp nhập từ 6 xí nghiệp xuống còn 3 xí nghiệp và từ 5 phòng ban chuyên môn xuống còn 4 phòng ban, giảm được 5% lao động gián tiếp, điều chuyển 40 cán bộ (dôi dư do sắp xếp lại tổ chức) bố trí vào các công việc phù hợp với năng lực của từng người. công ty cũng thuê cơ sở để thành lập thêm phân xưởng, TGĐ quyết định điều chuyển và phân thêm quyền hạn và trách nhiệm đối với đội ngũ cán bộ quản lý. Các giải pháp tăng cường tiếp thị củng cố hệ thống khách hàng truyền thống, phát triển có chọn lọc khách hàng mới, đàm phán ký kết các đơn hàng có số lượng lớn, hàng dễ may, giá thành cao và thời gian giao hàng dài hơn; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác điều hành SX-KD hàng tuần, hàng tháng và hàng quý song song với nỗ lực tạo ra sự đồng bộ và liên hoàn trong thực hiện các quy trình quản lý sản xuất toàn công ty cũng đã góp phần quan trọng trong thành quả của công ty. Ngoài ra, việc thực hành tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất và soạn thảo bổ sung, sửa đổi nội quy, thỏa ước lao động và quy chế thi đua khen thưởng phù hợp với mô hình công ty cổ phần góp phần đưa năng suất lao động toàn công ty tăng hơn 16% so với năm 2006 đã tạo lực đẩy cho cỗ máy Dovitec tiến nhanh về phía trước trong những điều kiện khó khăn.
Tổng kết 1 năm sau khi cổ phần hóa, Dovitec đã công bố trước đại hội cổ đông những con số ấn tượng: lợi nhuận trước thuế đạt 8,283 tỷ đồng, đạt 211% so với cùng kỳ năm 2006; các khoản nộp ngân sách là 3,221 tỷ, đạt 350% so với năm 2006; thu nhập bình quân là 2.028.425 đồng/người/tháng, đạt 105% so với năm 2006...
Lạc quan 2008
Khó khăn vẫn còn đó, nhưng con số 223,69 tỷ - mục tiêu về doanh thu mà Dovitec hướng đến trong năm nay là đã phần nào thể hiện quyết tâm của tập thể doanh nghiệp này.
TGĐ Vũ Ngọc Thuần khẳng định: "Chúng tôi đã tự cam kết với mình rằng, Đồng Tiến chỉ có tiến chứ không bao giờ được lùi. Vì thế, những khó khăn của năm nay sẽ tiếp tục là động lực để chúng tôi phấn đấu hơn nữa, tạo sức bật mới cho Dovitec
Dovitec cũng đang hi vọng việc Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị với Chính phủ, bộ ngành có liên quan về việc tăng cường những giải pháp chống rào cản thương mại, đối phó hiệu quả với cơ chế giám sát, chống bán phá giá; đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh dệt may Việt Nam; đẩy nhanh tốc độ đàm phán hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường Nhật Bản sẽ sớm có kết quả để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu của công ty. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể vay đủ vốn để sản xuất kinh doanh và có giải pháp để từng bước giảm lãi suất.
Tổng kết 1 năm sau khi cổ phần hóa, Dovitec đã công bố trước Đại hội cổ đông những con số ấn tượng: lợi nhuận trước thuế 8,283 tỷ đồng, đạt 211% so với cùng kỳ năm 2006; các khoản nộp ngân sách là 3,221 tỷ, đạt 350% so với năm 2006; thu nhập bình quân là 2.028.425 đồng/người/tháng, đạt 105% so với năm 2006, năng suất lao động bình quân đạt 218 USD/người/tháng, đạt 116% so cùng kỳ năm 2006, đầu tư máy móc và phát triển sản xuất 11,6 tỷ đồng, tăng 6,82 lần so với năm 2006...
dddn
|