Cơ chế nào cho người đại diện phần vốn nhà nước?
Theo thống kê của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), hiện có gần 1.100 người đại diện phần vốn nhà nước tại DN. Con số này đã được cắt giảm 30% so với thời gian đầu khi SCIC mới đi vào hoạt động (năm 2006). Quân số tương đối lớn, lĩnh vực DN hoạt động đa dạng trên phạm vi rộng (cả nước), làm thế nào để có mối liên hệ chặt chẽ giữa người đại diện và SCIC?
Cổ đông và đối tác!
Ông Trần Văn Quỹ, Chủ tịch HĐQT CTCP Vận tải và Thuê tàu, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN này cho biết, vướng mắc tại DN ông là xin chuyển quyền sở hữu tài sản là bất động sản sang tài sản của DN. Vậy nhưng, Bộ Tài nguyên và Môi trường lại đòi hỏi phải có giấy chứng nhận của bộ chủ quản, mặc dù từ khi chuyển phần vốn nhà nước tại DN về cho SCIC thì DN này không còn bộ chủ quản nữa. Làm thế nào đáp ứng các thủ tục hành chính, trong khi DN lại có nhu cầu đầu tư và xây dựng. Ngay cả các cơ quan chức năng nhà nước cũng không hiểu hết vai trò, tính chất của SCIC nên người đại diện tại DN gặp không ít khó khăn.
"Chúng ta cần xem xét người đại diện hưởng lương từ DN mình làm đại diện hay từ SCIC? Cơ chế khen thưởng đối với người đại diện khi làm tăng hiệu quả đồng vốn tại DN là như thế nào", ông Vũ Kim Bảng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Vật tư thiết bị y tế nêu vấn đề tại Hội nghị người đại diện được SCIC tổ chức mới đây. Theo ông Bảng, bên cạnh việc rạch ròi về vị trí, vai trò của người đại diện, SCIC nên tổ chức thường xuyên việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm cho người đại diện. Thông tin thường xuyên không chỉ về cơ chế chính sách, mà cả thông tin về cơ hội hợp tác, làm ăn.
Ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch HĐQT CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Vinare, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN này đánh giá: "So với trước kia thì hiện nay, SCIC đã làm cho đồng vốn nhà nước hiệu quả hơn, có vai trò sát thực hơn với DN. SCIC đã giúp chúng tôi tìm được đối tác với một tập đoàn bảo hiểm lớn trên thế giới làm đối tác chiến lược". Ông Tuyến cho biết, sau cổ phần hoá, vốn chủ sở hữu của DN này đã tăng mạnh, đạt gần 2.500 tỷ đồng.
Thế nhưng, trong số trên 1.000 DN mà SCIC đang làm chủ sở hữu, không phải DN nào cũng dành được sự quan tâm như vậy.
Làm gì để thay đổi?
Theo chức năng, nhiệm vụ thì SCIC là cổ đông nhà nước tại DN, chứ không có quyền hạn về mặt hành chính như cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, vai trò của "đại" cổ đông này đến nay vẫn mờ nhạt, khiến không ít người bị nhầm lẫn. Ông Hoàng Nguyên Học, Phó tổng giám đốc SCIC thừa nhận, Tổng công ty chưa thực sự chủ động phối hợp với người đại diện, chỉ khi DN có phát sinh vấn đề, cần giải quyết thì SCIC mới tích cực phối hợp. Đội ngũ cán bộ của SCIC trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, nặng về sự vụ, trong khi số lượng DN lớn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nên thiếu kiến thức chuyên ngành cần thiết để xử lý một cách thấu đáo và thỏa đáng vấn đề phát sinh của DN. Do đó, nhiều vấn đề phát sinh chưa được giải quyết kịp thời, hiệu quả.
Giám đốc một DN là người đại diện phần vốn nhà nước cho biết, hiện nay tại một số DN, có nhiều người là đại diện nên trách nhiệm không rõ ràng. Một số trường hợp người đại diện phần vốn nhà nước lại kiêm nhiệm tại nhiều DN nên không đủ thời gian hoàn thành trách nhiệm của người đại diện. "Điều quan trọng là SCIC cần thu hẹp phạm vi quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động, thay vì ôm đồm như hiện nay; cần đẩy nhanh thoái vốn nhà nước tại những lĩnh vực không cần nắm giữ", vị giám đốc này nói.
Trên thực tế, SCIC là DN, nên không có chức năng, thẩm quyền thực hiện chính sách đối với lãnh đạo DN, đồng thời làm đại diện phần vốn nhà nước. Do đó, tại không ít địa phương, người được đề cử vào vị trí người đại diện do địa phương quyết định, chứ không phải SCIC, mặc dù người đó đại diện quản lý phần vốn nhà nước. SCIC cũng không có cơ chế trả lương, thưởng, phụ cấp cho người đại diện chuyên trách tại DN. Đó là một trong những hạn chế khiến mối quan hệ giữa người đại diện và SCIC không bền chặt, việc quản lý nguồn vốn nhà nước tại DN chưa đạt hiệu quả như trông đợi.
đtck
|