Thứ Năm, 28/08/2008 15:10

Cổ phần hóa - không chỉ gỡ 2 nút thắt

Đánh giá tiến trình cổ phần hoá (CPH) trong vòng 10 năm trở lại đây, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, về cơ bản, tiến trình CPH đã đạt mục tiêu đề ra như huy động thêm vốn ngoài xã hội để đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, làm thay đổi phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, thúc đẩy thị trường tài chính… Tuy nhiên, xét trên từng khía cạnh cụ thể thì nhiều mục tiêu chưa đạt kế hoạch.

Theo Bộ Tài chính, hoạt động sản xuất - kinh doanh của hầu hết DNNN sau khi chuyển đổi đều rất khả quan. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa có đợt khảo sát về vấn đề này, kết quả ra sao?

Kết quả khảo sát, đánh giá trên 500 CTCP sau khi chuyển đổi hơn 1 năm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, bình quân doanh thu tăng 43%, vốn điều lệ tăng từ 1,5 đến 2 lần, nộp ngân sách tăng 16%, lợi nhuận tăng 243%, thu nhập của người lao động tăng 54%, số lao động tăng 12%, cổ tức chia cho cổ đông đạt 15,5%, nhờ đó phần vốn nhà nước tại CTCP tăng thêm 10 - 50%.

Đây có thể coi là tín hiệu đáng mừng của chính sách CPH. Ngoài những kết quả trên, quá trình CPH còn thu được những thành quả nào khác, thưa ông?

Khi tiến hành CPH, các DN phải định giá lại tài sản, trong đó có việc rà soát lại đất đai đang được giao quản lý, sử dụng. Trong quá trình rà soát, cơ quan quản lý đã tiến hành sắp xếp, thu hồi, xử lý diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả để bán đấu giá, thu hồi vốn về cho ngân sách hoặc cho các đơn vị khác đầu tư có hiệu quả hơn, nhờ đó giảm được lãng phí trong sử dụng đất đai. Tại nhiều địa phương như Quảng Ninh, Bến Tre, Ninh Bình… đã thu hồi và cho đấu giá hàng trăm ngàn m2 đất sử dụng không đúng mục đích hoặc sử dụng kém hiệu quả.

Nhưng tiến trình CPH cũng bộc lộ một số hạn chế, trong đó có việc khó thể thực hiện đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?

Nếu bảo đảm đúng lộ trình thì trong vòng 18 tháng nữa phải CPH 1.720 DN. Với tốc độ CPH như thời gian vừa qua (trong vòng 18 tháng qua chỉ CPH được 180 DN) thì khó thể hoàn thành CPH đúng tiến độ. Nguyên nhân làm chậm CPH thì có nhiều, nhưng theo tôi, một phần là Nghị định 109/2007/NĐ-CP đã thắt chặt trong việc xác định giá trị DN. Chính sách xác định giá trị DN theo Nghị định 109 có ưu điểm là giảm được thất thoát tài sản nhà nước, nhưng trong nhiều trường hợp, giá trị DN lại được định giá quá cao khiến tiến trình CPH gặp khó khăn do NĐT không mặn mà. Bên cạnh đó, thị trường tài chính, đặc biệt là TTCK thời gian vừa qua suy giảm cũng làm cho việc IPO gặp trở ngại, khiến tiến trình CPH chững lại.

Ông có nghĩ rằng, giải quyết được 2 nút thắt trên sẽ đẩy nhanh được tiến trình CPH?

Vấn đề là bây giờ phải đẩy nhanh việc định giá DN, nhưng phải bảo đảm giảm thiểu thất thoát tài sản nhà nước, đồng thời giá trị DN phải hấp dẫn NĐT. Nút thắt thứ 2 là TTCK, thực tế cho thấy, cứ mỗi khi TTCK tăng trưởng thì việc CPH thuận lợi hơn và ngược lại. Tất nhiên, ngoài 2 nút thắt này còn phải tháo gỡ một số khó khăn nữa như chính sách về đất đai, xác định giá trị lợi thế của DN, chính sách đối với người lao động trong DN, cách thức xác định cổ đông chiến lược, quản lý vốn nhà nước sau CPH…

Để thúc đẩy CPH, có ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải CPH tỷ lệ lớn vốn nhà nước, mà có thể chỉ cần CPH 5 - 10% vốn cũng được. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

CPH là nhằm mục tiêu đa dạng hoá sở hữu, Nhà nước chỉ nắm cổ phần chi phối tại một số ngành, lĩnh vực, còn lại phải để cho NĐT nắm giữ, nếu chỉ CPH 5 - 10% thì không thể gọi là CPH. Trong đợt khảo sát trên, những DN nào CPH tỷ lệ vốn nhà nước thấp chúng tôi đều liệt kê vào loại không thành công trong việc chuyển đổi sở hữu. Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cũng nhận được kiến nghị tạm thời hoãn việc tìm NĐT chiến lược trong quá trình CPH với lý do là tìm NĐT chiến lược mất rất nhiều thời gian, kéo dài thời gian CPH. Tôi nghĩ rằng, quan điểm này không đúng, bởi NĐT chiến lược chính là nhân tố chính quyết định sự tồn tại, phát triển của DN sau khi chuyển đổi, nếu không có NĐT chiến lược, dù DN có được CPH thì trình độ quản lý, cơ cấu tổ chức bộ máy của DN khó thể thay đổi.

Nhưng sau khi CPH, DN tìm NĐT chiến lược cũng không muộn, thưa ông?

Nhiều ngân hàng TMCP đã và đang ráo riết tìm NĐT chiến lược. Các NĐT chiến lược vào lĩnh vực này cam kết chia sẻ kinh nghiệm, trình độ quản lý, đầu tư công nghệ ngân hàng, tăng tiềm lực tài chính… cho đối tác. Nhưng ngoài lĩnh vực ngân hàng thì còn bao nhiêu lĩnh vực có thể tìm được đối tác chiến lược sau khi DN chuyển thành CTCP? Tôi nghĩ là không nhiều lắm, nếu có thì chỉ có những NĐT tài chính, mục tiêu lợi nhuận được họ đặt lên hàng đầu, nên khi có lợi nhuận thì họ tham gia mua cổ phần với tư cách là NĐT chiến lược và ngược lại, họ sẽ bán cổ phần để đầu tư vào lĩnh vực khác. Nếu DN rơi vào tình cảnh khó khăn mà NĐT chiến lược không chung lưng đấu cật với DN, mà lại bán hết cổ phần của mình thì DN sẽ càng khó khăn hơn.

đtck

Các tin tức khác

>   Công bố thông tin xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP XNK Mây tre Việt Nam (28/08/2008)

>   Ý kiến của UNCKNN về việc phát hành cổ phiếu thưởng của CTCP Thủy sản Cà Mau (27/08/2008)

>   Bán rừng nguyên liệu giấy cho Cty cổ phần giấy Tân Mai (27/08/2008)

>   NTACO: Tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2008 (27/08/2008)

>   Có thất thoát trong và sau cổ phần hoá? (27/08/2008)

>   MT GAS: Nhận hồ sơ niêm yết lần đầu (27/08/2008)

>   Giấy Vĩnh Huê đầu tư vùng nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu (27/08/2008)

>   Nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của CTCP Cầu Xây (26/08/2008)

>   UBCKNN chấp thuận về nguyên tắc việc chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng của CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội 22 (HANDICO22) (26/08/2008)

>   Sử dụng thông tin trong báo cáo tài chính (kỳ 2) (26/08/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật