Cổ phần hoá DN nhà nước: Đừng để người lao động trắng tay
Có thất thoát trong và sau cổ phần hoá?
Cùng với quyền lợi người LĐ, quyền lợi và tài sản nhà nước trong và sau CPH là những vấn đề rất đáng quan tâm. Liệu có thất thoát, thiệt hại? Trên thực tế, chỉ sau một thời gian CPH đã nổi lên hiện tượng các DN “pha loãng” cổ phần bằng nhiều hình thức như: Tăng vốn điều lệ bằng phát hành thêm cổ phiếu, tìm cách giảm hoặc bán bớt cổ phần nhà nước (thường xảy ra đối với DN làm ăn hiệu quả), trả cổ tức bằng cổ phiếu, chia cổ phiếu thưởng... Hậu quả là cổ phần nhà nước trong DN bị pha loãng, người LĐ nắm giữ CP cũng chịu thiệt hại.
Những phát sinh "nguy hiểm"
Báo cáo ngày 19.8.2008 của đoàn giám sát về CPH của UBTV Quốc hội (do Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển ký), đã khẳng định: "Quá trình CPH trong giai đoạn vừa qua, số lượng tài sản nhà nước thu về rất lớn, tình trạng đất đai và tài sản nhà nước có thất thoát nhưng không lớn...
Tuy nhiên, lợi ích nhà nước có nơi, có lúc chưa thật sự được coi trọng; một số sơ hở pháp luật đã dẫn đến hiện tượng trục lợi cá nhân, làm méo mó bức tranh tổng thể tích cực của CPH...". Theo đoàn giám sát, bên cạnh những kết quả đạt được thì một số hạn chế phát sinh trong CPH vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nhất là vấn đề xử lý tài chính, tài sản, công nợ tồn đọng; xử lý đất đai trong quá trình xác định giá trị DN, vấn đề mua bán cổ phiếu của NLĐ và quản lý vốn nhà nước sau CPH.
Việc định giá tài sản trong CPH ở một số địa phương (nhất là thời điểm trước khi có NĐ 187/2004/NĐ-CP) chưa sát với thực tế. Các lợi thế về đất đai, vị trí đắc địa của DN không được đưa vào giá trị DN (nhất là ở các TP, đô thị lớn) dẫn đến Nhà nước chịu thiệt hại, gây khiếu kiện, thắc mắc, ảnh hưởng không tốt đến quá trình CPH. Điển hình của tình trạng này là trường hợp CPH Cty du lịch Ngọc Lan (Lâm Đồng). Kinh doanh du lịch ở vị trí đắc địa trên diện tích 2.292m2 nhưng chỉ được định giá để CPH là 3,5 tỉ đồng, trong khi giá thị trường cao hơn gấp nhiều lần.
Sau CPH, cổ phần của Nhà nước tại Cty chiếm 30% lại tiếp tục "bị" bán hết, dẫn đến thắc mắc lớn trong nhân dân. Một phát sinh "nguy hiểm" nữa là hiện tượng lợi dụng việc sắp xếp lại đất đai trong CPH để phân đất cho cá nhân thuê với giá rẻ nhằm trục lợi. Bên cạnh đó, một số địa phương thu hồi đất của DN CPH, chuyển đổi mục đích sử dụng với giá chưa sát thị trường, gây tổn thất cho Nhà nước và làm mất đi các vị trí KD thuận lợi...
Pha loãng CP: Nhà nước và NLĐ đều thiệt!
Trên sàn chứng khoán, bỗng dưng loại CP của Cty A tăng giá liên tục nhiều phiên liền rồi "đao" nhanh thảm hại, có khi chưa bằng một nửa giá cũ. Đó là Cty A vừa tăng vốn điều lệ. Nói rằng tăng vốn, phát hành thêm CP là để phát triển DN cũng đúng, mà nói nó sẽ là nguy cơ gây thiệt hại cho cổ đông, cho NLĐ và Nhà nước thì cũng chẳng sai.
Tất nhiên, cổ đông và NLĐ sở hữu CP cũ chắc chắn "được" thưởng, được quyền mua thêm một lượng CP mới với giá "ưu đãi". Lúc thị trường hưng phấn, họ cũng có lợi chút ít vì tình hình giá chứng khoán chung đang cao. CP pha loãng có xuống rồi lại nhích lên. Nhưng càng về sau, thiệt hại càng rõ vì thị trường ngày càng bị loãng, giá cổ phiếu không "ngóc" lên được mà còn tụt dốc thêm. Cổ tức cũng vì thế mà bị pha loãng. NLĐ và cổ đông ngày càng thấy sợ cái "chiêu" phát hành thêm CP này, nhất là khi thị trường chứng khoán ảm đạm.
Đối với quyền lợi của cổ đông nhà nước, theo một báo cáo của TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thì sau CPH, trước khi giao vốn về SCIC đã có hiện tượng "pha loãng" vốn nhà nước bằng các hình thức tương tự. Nếu Nhà nước không bỏ tiền ngân sách để mua thêm CP thì tỉ lệ nắm giữ sẽ sụt giảm nghiêm trọng, quyền kiểm soát DN cũng dần mất theo. Hiện tượng "pha loãng" CP gây thiệt hại cho Nhà nước này đã xảy ra đối với Cty CP giống cây trồng Thừa Thiên- Huế giảm tỉ lệ vốn nhà nước từ 40% xuống còn 16%; Cty CP xây dựng công trình văn hoá (Bộ VHTTDL) từ 30% xuống 9%; Cty CP xây dựng số 2 (Quảng Ninh) từ 52% xuống 20%; Cty CP dược phẩm Phú Yên từ 51% xuống còn 19,7%...
Tính đến 25.6.2008, TCty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước 876 doanh nghiệp với tổng giá trị 7.974 tỉ đồng. SCIC đã thực hiện nhiệm vụ thoái vốn đầu tư tại 35 DN với tổng giá trị theo sổ sách kế toán là 61 tỉ đồng. Tuy nhiên, một số DN ở một số địa phương có biểu hiện giữ lại cổ phần, cổ tức; một số địa phương chưa chuyển số tiền thu từ bán cổ phần, từ cổ tức về SCIC (khoảng 1.600 tỉ đồng).
Vấn đề "hậu" CPH vẫn chưa được quan tâm đúng mức, sự hiểu biết pháp luật về Cty CP còn hạn chế, có nơi chưa phát huy được quyền làm chủ của cổ đông và NLĐ. Nhiều DN sau CPH chưa có sự đổi mới trong quản trị DN, vẫn giữ lề lối, phương pháp quản lý cũ nên kết quả SXKD còn thấp. Công tác quản lý DNNN sau CPH chưa chặt chẽ. Trong khi, TCty SCIC chưa đủ sức quản lý số lượng DN quá lớn được bàn giao, thì một số địa phương có xu thế buông lỏng quản lý các DN sau cổ phần hoá.
Một số chính sách của Nhà nước chưa thực sự hoàn chỉnh, chưa bắt kịp với quá trình đổi mới DN cũng góp phần gây khó khăn cho DN sau CPH. Chính sách xử lý tài chính sau CPH còn tồn tại, nhất là xử lý những tồn đọng về tài chính như lỗ cộng dồn, hàng tồn kho, vật tư ứ đọng, kém phẩm chất, công nợ khó đòi, nợ xấu, giải quyết LĐ dư dôi, nợ BHXH... (Nguồn: Báo cáo của đoàn giám sát của UBTV Quốc hội - tháng 8.2008)
lđ
|