Thứ Hai, 07/07/2008 08:36

Tăng “room” hay một lộ trình minh bạch?

Sau đây là phân tích một số vấn đề cơ bản, dưới góc nhìn của một luật sư hành nghề, nhằm làm rõ hơn về Dự thảo Quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Mở room (tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu tối đa) cho nhà đầu tư nước ngoài đang được xem là một trong những “phương thuốc” hữu hiệu để phục hồi và nâng đỡ thị trường chứng khoán. Cứ khi nào thị trường có sự giảm điểm liên tiếp thì lại rộ lên tin đồn về tăng room hoặc các yêu cầu, đề xuất từ nhà đầu tư về vấn đề này, nhưng sau đó lại đi vào im ắng.

Quả thực, có tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài hay không là một quyết định rất khó khăn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Tuy nhiên, ngoài việc tăng room, thị trường cũng rất cần, nếu không muốn nói cần hơn, là sự minh bạch và một lộ trình rõ ràng trong việc mở cửa thị trường để các nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể hoạch định được chính sách, chiến lược đầu tư phù hợp cho họ.

Khẳng định nguyên tắc được mua những gì không hạn chế

So với Quyết định 36/2003/QĐ-TTg chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần tối đa “không quá 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp Việt Nam”, thì Dự thảo Quy chế nói trên đã cho phép “nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam với mức không hạn chế”.

Đây thực sự là một bước nhảy vọt về việc tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời khẳng định tôn trọng các cam kết WTO của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, không phải Việt Nam mở cửa toàn bộ thị trường.

Để đảm bảo an ninh và chủ quyền quốc gia, room của người nước ngoài sẽ bị hạn chế tùy theo các “sân chơi” riêng, gồm:

1) Theo quy định của pháp luật chứng khoán;

2) Theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

3) Theo quy định của điều ước quốc tế Việt Nam có tham gia.

Như vậy, điểm nổi bật trong dự thảo lần này là nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mua cổ phần không bị hạn chế tại các công ty TNHH, công ty cổ phần có dưới 100 cổ đông, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh, trừ khi pháp luật chuyên ngành và điều ước quốc tế có quy định khác.

Thậm chí, để thuận lợi hơn cho họ, dự thảo quy chế này ghi nhận hoạt động “mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư” thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế này. Điều đó đồng nghĩa với việc nhà đầu tư nước ngoài sẽ không phải tuân thủ về điều kiện, thủ tục mua cổ phần, vốn góp mà Luật Đầu tư đã quy định tại khoản 5, điều 21, Luật Đầu tư. Việc sửa lại như quy định này là phù hợp với thực tiễn mua bán cổ phần, góp vốn hiện nay, và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, góp vốn. Đồng thời, cho họ cái quyền được tham gia quản lý hoạt động đầu tư như tham gia vào hội đồng quản trị, ban giám đốc mà Luật Doanh nghiệp đã ghi nhận.

Như vậy, bằng quy định này, các nhà hoạch định chính sách phát đi thông điệp ưu tiên và khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có tính ổn định và lâu dài, thông qua việc đầu tư vào các công ty TNHH hoặc các doanh nghiệp không giao dịch trên thị trường chứng khoán. Chắc chắn, đây sẽ là một nhân tố kích thích, khơi thông hơn nữa nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần có tham gia quản lý doanh nghiệp mà không cần thiết phải thành lập doanh nghiệp như trước đây.

Room cho thị trường chứng khoán: hãy đợi tiếp

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại về cơ bản gồm có hai “sân chơi” chính là thị trường niêm yết và thị trường đăng ký giao dịch đang được xây dựng. Đối tượng được tham gia là các công ty đại chúng. Theo định nghĩa của Luật Chứng khoán thì công ty đại chúng gồm:

(i) Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng;

(ii) Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán;

(iii) Công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỉ đồng trở lên.

Trên thị trường niêm yết, theo Quyết định 238/2005/QĐ-BTC thì nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ 49% tổng số cổ phiếu đang niêm yết trên hai sàn TPHCM và Hà Nội (trừ ngân hàng, hạn chế ở mức 30%). Gần đây, có một số đề xuất đề nghị Chính phủ cho ngành ngân hàng được mở room lên 35% và các công ty niêm yết không thuộc nhóm ngành nghề hạn chế đầu tư theo cam kết WTO thì không giới hạn room.

Trên thị trường đăng ký giao dịch, theo số liệu chính thức từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 13-6-2008 đã có 977 công ty đại chúng đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Như vậy, thị trường đăng ký giao dịch sẽ có một số lượng hàng hóa rất lớn là các cổ phiếu của ít nhất 1.000 doanh nghiệp Việt nam. Theo dự kiến tại Quyết định 3567/2007/QĐ-BTC thì nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ với tỷ lệ tương tự như các công ty niêm yết, có nghĩa là 49%.

Tuy nhiên, có một điểm mâu thuẫn chưa được dự thảo tính đến là Luật Chứng khoán yêu cầu công ty đại chúng bắt buộc phải đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung. Nhưng mặt khác luật pháp lại cũng cho phép có những công ty cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ cổ phần không hạn chế. Các công ty này cũng có thể là công ty đại chúng. Việc xử lý tỷ lệ cổ phần như thế nào vẫn chưa được dự thảo tính đến.

Doanh nghiệp cổ phần hóa: room 30% có hợp lý?

Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần không giới hạn room cho nhà đầu tư nước ngoài, mà để cho cơ quan quyết định cổ phần hóa của từng doanh nghiệp quyết định. Nay, dự thảo ấn định tỷ lệ tối đa nhà đầu tư nước ngoài được mua 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp cổ phần hóa đang được nhiều chuyên gia đánh giá là không hợp lý.

Giả sử doanh nghiệp cổ phần hóa đồng thời niêm yết thì tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu, về nguyên tắc, được đến mức 49% theo đúng tỷ lệ chung dành cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Mặt khác, doanh nghiệp cổ phần hóa là doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, việc bán ra ngoài với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là do Nhà nước quyết định mà không nhất thiết phải ấn định một tỷ lệ cứng là 30% đối với mọi loại doanh nghiệp.

Việc dàn hàng ngang tỷ lệ này không những đánh đồng mọi doanh nghiệp cho dù quy mô, tính chất, lĩnh vực hoạt động khác nhau mà còn làm giảm mục tiêu quan trọng của cổ phần hóa là nâng cao quản trị doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, thậm chí có thể thoái vốn thì tỷ lệ 30% như trên sẽ gây cản trở cho quá trình cổ phần hóa. Như vậy, có thể nói, ý nghĩa của việc giới hạn tỷ lệ 30% vốn điều lệ này đang được xem là khó hiểu đối với nhiều nhà đầu tư.

Thận trọng là đúng nhưng chưa đủ

Yêu cầu khó nhất đối với người làm chính sách cho thị trường chứng khoán là phải làm sao vừa đảm bảo mục tiêu huy động được tối đa nguồn vốn đầu tư, trong đó có nguồn vốn của người nước ngoài để phục vụ cho nền kinh tế, vừa đảm bảo mục tiêu an toàn cho nền kinh tế, và an ninh quốc gia. Đầu tư trên thị trường chứng khoán là hoạt động đầu tư gián tiếp, hôm nay nhà đầu tư nước ngoài có thể bơm tiền triệu, tiền tỉ đô la vào thị trường, nhưng ngày mai có thể rút ra nhanh chóng, vì vậy, rất dễ gây tổn thương cho khu vực tài chính.

Do vậy, các nhà hoạch định chính sách hoàn toàn có lý do khi thận trọng trong việc mở room. Và như vậy, việc so sánh tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ cổ phần, góp vốn trong doanh nghiệp Việt Nam giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp không phải là cái nhìn toàn diện. Vấn đề là cần thiết lập một tỷ lệ room hợp lý và có một lộ trình mở cửa thị trường rõ ràng để các nhà đầu tư có thể dự liệu và đặc biệt là phải phù hợp với những cam kết WTO. Đây mới chính là điều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước mong muốn có.

ĐẶNG THẾ ĐỨC - Công ty Luật Indochine Counsel

tbktsg

Các tin tức khác

>   NTACO sẽ niêm yết cổ phiếu trong quý III/2008 (07/07/2008)

>   3.000 tỷ đồng xây nhà máy thuỷ điện Đakdring (05/07/2008)

>   Khó huy động vốn, nhiều dự án bị đình hoãn (05/07/2008)

>   Đầu tư trên 865,5 triệu USD xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thăng Long (04/07/2008)

>   Sửa đổi GPTL của CTCP Chứng khoán Tầm Nhìn (04/07/2008)

>   Ý kiến của UBCKNN về việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ của NHTM CP An Bình (04/07/2008)

>   Vì sao cổ đông sáng lập Ngân hàng Hồng Việt đòi rút vốn? (04/07/2008)

>   CTCP Hoàng Anh Gia Lai: Trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2007 (04/07/2008)

>   GroupM mua cổ phần Đất Việt VAC (04/07/2008)

>   CMID: Tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2008 (04/07/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật