Thứ Năm, 17/07/2008 17:25

Hành động mùa thử lửa

Cuộc thảo luận mấy tuần qua của Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu đều xoay quanh chủ đề phân tích, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp ứng biến trước tình hình kinh tế lạm phát.

Bốn đề tài đã được thảo luận là: Vấn đề ngoại hối và tín dụng trong hoạt động ngân hàng hiện nay (ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank); Chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với các quỹ đầu tư nước ngoài (các ông Lý Quý Trung - Phở 24, Cao Tiến Vị - Giấy Sài Gòn và Nguyễn Lâm Viên - Vinamit); Quản trị rủi ro ngắn hạn và dài hạn trong doanh nghiệp trong tình hình hiện nay (ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PepsiCo Đông Dương); Quan hệ doanh nghiệp - ngân hàng thời lạm phát (chuyên gia tài chính Lê Trọng Nhi).

Các công ty thành viên của CLB DNDĐ không trực tiếp lâm vào cảnh phải giảm lương nhân viên hay thải hồi 70%, 80% nhân sự như một số công ty chứng khoán hay bất động sản. Với bản lĩnh của những công ty mạnh, có thực lực trong sản xuất kinh doanh, hầu hết đều lập ra nhóm đặc nhiệm để ứng biến trong tình thế đặc biệt.

Tham gia bốn buổi thảo luận của họ, tôi nhẩm đếm và thấy có bốn cặp từ thường được nhắc đi nhắc lại: kết nối - chia sẻ; chấn chỉnh - hiệu quả; thắt chặt - tiết giảm; tỉnh táo - phục hồi.

Không quá bi quan, họ xoáy vào tận cùng khó khăn, phân tích thế mạnh của những công ty đa quốc gia hùng mạnh đã có ở Việt Nam hay đang đến (như nhận xét của một doanh nhân: lạm phát là chứng bệnh kinh tế phá hoại của cải lớn nhất, ngoạm vào mọi ngóc ngách đời sống kinh tế - xã hội và là cơ hội cho những công ty giàu, có tầm nhìn và đã nhiều xương máu chiến trường).

Hồi giữa tháng 5-2008, tôi có cảm tưởng họ bức xúc nhiều hơn và dần dần trầm tĩnh lại. Khó khăn thì những tập đoàn lớn đa ngành cũng lãnh đủ vì bị lỡ bộ, đột nhiên không thể hút vốn từ xã hội “dễ như ăn cơm sườn” nữa và lại còn phải trả lãi ngân hàng khá cao.

Chủ tịch một công ty thời trang tư nhân có tiếng kể, tranh thủ lúc tạm dừng, cho cán bộ quản lý trung cấp đi khảo sát thị trường và nghỉ ngơi ở Mỹ, không dè Mỹ cũng suy thoái quá, không bớt buồn. Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Đồng Tâm thì nhấn mạnh, lúc này phải siết, hồi trước mua tài sản 100 triệu đồng, giám đốc thành viên có thể quyết, nhưng giờ chi 2 triệu tôi cũng duyệt.

Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Kinh Đô, nói ông phải tham gia vào một số việc mà trước đây chủ tịch hội đồng quản trị không nặng lo. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit, thì thường xuyên lo chuyển đổi giữa tiền đô la, tiền đồng và nhân dân tệ. Ông Huỳnh Văn Thòn, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang thì lo nắm thông tin “tình báo kinh tế” để đánh giá rủi ro và giữ hệ thống phân phối.

Làm ăn khó, nhiều rủi ro, ai cũng lo thắt chặt chi tiêu, kiểm soát hiệu quả từng đồng, từng việc. Tháng 5-2008, tôi có được dự một cuộc làm việc giữa chuyên gia với HĐQT một công ty thực phẩm trung bình. Một danh mục kiểm soát và tìm giải pháp cụ thể được họ bàn cặn kẽ gồm: 1) Giảm chi phí (những khâu không tạo hiệu quả tức thời, phân tích các loại chi phí có tác dụng ngay, chọn lựa lại giữa tám loại chi phí khuyến mãi); 2) Tăng hiệu quả bán hàng (đánh giá hiệu quả từng thương vụ, từng nhân viên, từng ngày-tuần bán hàng...); 3) Điều chỉnh chi phí tiếp thị (chọn các hình thức quảng cáo phù hợp tình hình), tìm ra thương hiệu chủ chốt (xác định sản phẩm “có ăn” để giữ vững doanh thu sáu tháng tới, ngân sách gắn trách nhiệm thực hiện); 4) Luôn luôn rà soát lại công thức SWOT (phân tích thế mạnh, chỗ yếu bên trong, cơ hội và thách thức bên ngoài) và đối chiếu thực tế. Bài toán của họ là cố trụ được, băng bó thương tích và sống sót chờ phục hồi.

Huy động vốn từ ngân hàng, từ xã hội không dễ nữa, họ quan tâm hơn các nguồn lực từ thân hữu, gia đình, đối tác trong và ngoài nước. Và bàn nhiều hơn cả là việc giữ người, ổn định người.

Tôi hỏi 15 vị tổng, phó tổng giám đốc trong số 30 vị dự buổi ăn trưa làm việc gần đây nhất của CLB về “giải pháp anh/chị đang tập trung nhất hiện nay?”. Các câu trả lời khá phong phú. Họ quan tâm cắt giảm bốn thứ: chi phí (có nhắc nhiều hơn đến phí quảng cáo - PR - huấn luyện) - nhân sự các khâu không thiết yếu - đầu tư mới - mức tăng trưởng. Cắt giảm thận trọng mà quyết liệt.

Ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc Casumina, nói để đối phó lãi suất tăng, công ty ông tăng vòng quay vốn, giảm tồn kho, chấp nhận giảm tăng trưởng có kiểm soát; ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Bibica, kể rằng Bibica còn cắt giảm đến chi phí cho năng lượng, thay dầu FO, DO bằng than (nhưng vấn đề ông quan tâm cạnh đó là... giữ người).

Bên cạnh các khâu giảm, họ tăng cường chăm lo ba khâu cần thiết: quản lý tài chính, tập trung sản phẩm mạnh, chăm sóc đối tác và công nhân viên. Một số ý kiến chú ý tới nhu cầu ngày càng tỏ ra quan trọng hơn: theo dõi kỹ động thái thị trường, nắm thông tin thị trường chuẩn xác.

Để chăm sóc đối tác, khách hàng và chăm lo bồi đắp, gìn giữ đội ngũ, bà Quách Thu Nguyệt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, nhấn mạnh việc chăm sóc khách hàng bằng việc tăng chiết khấu phân phối, chia sẻ rủi ro, hỗ trợ đại lý phân phối bằng cách quảng bá tốt hơn để cùng giữ thị phần.

Phân tích đến tận ngóc ngách tinh tế nhất của từng lĩnh vực quản lý nhưng nhìn rộng đến tình hình của ngành và xem xét các giải pháp thực tế mà doanh nghiệp khu vực đã áp dụng chống khủng hoảng, không thấy họ kêu ca và mong chờ ở Nhà nước. Họ nhắc đến quan hệ với Nhà nước nhưng hình như nghiêng về khía cạnh muốn được lắng nghe, được đề xuất các giải pháp gần gũi, thiết thực của những “người trong cuộc” đang sống với thị trường mỗi ngày.

Chẳng tự cho là mình lạc quan hay bi quan, buộc phải thử lửa mùa lạm phát, họ hành động. Vừa đối phó tình thế, họ tính toán đến tiềm năng dài hạn và bàn việc “giữ gìn sức khỏe” của công ty để khi, hai ba năm nữa, sức khỏe nền kinh tế hồi phục thì mình đủ sức khỏe để đứng vững và phát triển được.

Từ ngày 20-6-2008, Câu lạc bộ DNDĐ đã tổ chức thường xuyên những buổi ăn trưa làm việc hàng tuần. Đây là nơi tập hợp các nhà doanh nghiệp, chủ yếu là các thương hiệu dẫn đầu trong chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao” và “Doanh nghiệp dịch vụ được hài lòng nhất”.

Đến nay CLB có 50 thành viên, gồm chín thành viên ở Hà Nội. Bốn mươi thành viên là các tổng, phó tổng giám đốc các doanh nghiệp sản xuất, có 10 thành viên là lãnh đạo các công ty dịch vụ (năm ngân hàng và quỹ đầu tư, ba nhà phân phối và hai tập đoàn viễn thông), không có công ty bất động sản hay chứng khoán nào.

tbktsg

Các tin tức khác

>   Chào bán doanh nghiệp: Cứng dễ gãy (17/07/2008)

>   Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của PVFC (17/07/2008)

>   Jardine Cycle & Carriage mua lại 12% cồ phần của THACO (17/07/2008)

>   Mekong Enterprise đầu tư 2,6 triệu USD vào Cổng Vàng (17/07/2008)

>   Nhà máy bia Quảng Nam tự làm “mất giá” gần 6 tỉ đồng (17/07/2008)

>   CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn được chấp thuận nguyên tắc niêm yết cổ phiếu (17/07/2008)

>   NTACO: Nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu (16/07/2008)

>   VIB BANK đạt trên 323 tỷ đồng lợi nhuận (16/07/2008)

>   LICOGI 16: Chốt danh sách CĐ để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (16/07/2008)

>   TP HCM: CTCP Khánh Đông tự ý phá quy hoạch dự án Cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp Xuân Thới Sơn (16/07/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật