Thứ Năm, 17/07/2008 11:48

Chào bán doanh nghiệp: Cứng dễ gãy

Làm thế nào để tiếp tục đổi mới và tạo sức mạnh cạnh tranh cho những doanh nghiệp được cổ phần hoá trong tình hình kinh tế vĩ mô không thuận lợi như hiện nay? Bán tài sản Nhà nước với giá cao và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp, đâu là ưu tiên?

Đây là lúc rút ra bài học từ những cuộc chào hàng một số doanh nghiệp hàng đầu trong thời gian vừa qua.

Từ chuyện Vietcombank

Khi Jeff Immelt, chủ tịch và tổng giám đốc điều hành của tập đoàn lớn nhất Mỹ, General Electrics (GE) tới thăm Việt Nam vào cuối năm ngoái, một trong những doanh nghiệp quan trọng nhất mà ông ta họp mặt riêng là Vietcombank.

GE Money là một trong những công ty nước ngoài muốn trở thành đối tác chiến lược của Vietcombank. Những trao đổi trong cuộc gặp riêng giữa ông Vũ Viết Ngoạn và ông Immelt không được công bố, chỉ có điều ngay sau cuộc gặp đó, ông Ngoạn không ở lại dự tiệc mời của GE.

Đến nay, khi nhiều thông tin đã không còn là bí mật nữa, đa số nhà đầu tư biết rằng mức giá mà Vietcombank đưa ra cho các nhà đầu tư chiến lược không đủ hấp dẫn để họ tham gia.

Mức giá bình quân sau lần bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên 100.000 đồng/cổ phiếu được cho là quá cao đối với nhà đầu tư chiến lược (ngay cả lúc thị trường chứng khoán chưa xuống giá, mức các nhà đầu tư chiến lược bỏ thầu còn thấp hơn cả mức 50.000 đồng).

Việc những công ty lớn như Vietcombank, Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ… không được nhà đầu tư chào đón như mong đợi, diễn ra trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô xấu đi, bị nhiều nhà đầu tư cho rằng đã góp phần tạo ra tâm trạng tiêu cực của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường đầu tư tài chính Việt Nam.

Nói như ông Andy Ho, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư VinaCapital, bên cạnh giá trị vật chất, nhà đầu tư chiến lược đem lại những giá trị phần mềm (kinh nghiệm, công nghệ, khách hàng) cho nên việc bắt họ phải trả theo giá trị thị trường (theo quy định trả giá bình quân IPO) sẽ khiến họ thấy rằng thực chất họ phải trả cao hơn giá thị trường, dĩ nhiên nhà đầu tư sẽ bỏ đi.

Trong khi Bảo Việt đã chọn được nhà đầu tư chiến lược là HSBC, Vietcombank hiện vẫn trong tình trạng chưa có nhà đầu tư chiến lược. Tình hình kinh tế cũng đang xoay chuyển theo chiều hướng bất lợi.

Vào thời điểm này, Vietcombank muốn bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược với mức giá họ đã bỏ thầu lúc trước cũng không dễ nữa. Mức giá bỏ thầu này chỉ có tác dụng trong vòng một tháng, cho nên hiện nay, khi Vietcombank muốn tìm nhà đầu tư chiến lược, ngân hàng này sẽ phải chấp nhận một cuộc đàm phán mới, ở thế yếu hơn.

Phải mềm dẻo hơn

Khó có thể trách những người ra quyết định trong những cuộc thương thuyết lớn như Vietcombank, Bảo Việt... vì không đưa ra được quyết định. Vào thời điểm cách đây hơn một năm, các nhà đầu tư thúc giục Chính phủ thêm hàng hoá vào thị trường chứng khoán, cho rằng “đây là thời điểm để Nhà nước bán tài sản với giá cao”.

Áp lực không bán rẻ tài sản của Nhà nước đặt lên vai những người như ông Vũ Viết Ngoạn vào thời điểm đó là rất lớn, cho nên an toàn nhất (về mặt chính trị) có lẽ là không đưa ra quyết định.

Thế nhưng quy định của Bộ Tài chính về việc phải bán bằng giá đấu giá bình quân đã chứng tỏ tính thiếu mềm dẻo của nó và dễ đẩy các doanh nghiệp vào tình trạng khó tìm đối tác chiến lược và dẫn đến những tác động tiêu cực về giá cổ phiếu như vừa qua.

Mục đích chính của việc bán cổ phiếu doanh nghiệp cổ phần hoá cho nhà đầu tư chiến lược, bên cạnh việc thu tiền về cho Nhà nước, còn là việc xây dựng doanh nghiệp theo mô hình mới và tận dụng những thế mạnh của đối tác chiến lược.

Tùy vào thời điểm và tình hình thực tế của thị trường, cũng như tùy vào thương lượng với đối tác, doanh nghiệp có thể bán với giá cao hơn hoặc thấp hơn, nhưng vẫn phải để cửa cho đối tác chiến lược cảm thấy hài lòng.

“Doanh nghiệp phải mềm dẻo, tuỳ thuộc vào thời điểm đấu giá cũng như đối tác để thương lượng”, ông Andy Ho nhận xét.

“Tốt nhất là các công ty nên thuê những ngân hàng đầu tư lớn để tư vấn sắp xếp và thực sự lắng nghe tư vấn”. Ông Andy Ho chia sẻ.

Theo các chuyên gia tài chính, trong thời gian vừa qua Nhà nước đã đặt nặng phần bán giá cao mà coi nhẹ hơn phần cải tiến, xây dựng doanh nghiệp và nhìn về lợi ích lâu dài của đối tác chiến lược.

Theo ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Tp.HCM, các doanh nghiệp cổ phần hoá nên được bán cho cổ đông chiến lược với giá ưu đãi nhưng vẫn phải thông qua một hội đồng thẩm định bao gồm các cơ quan quản lý Nhà nước, để tránh tình trạng tiêu cực nếu hoàn toàn giao phó cho doanh nghiệp quyết định.

Bộ Tài chính cũng cần phải xem xét lại các quy định về định giá doanh nghiệp để giải quyết những vướng mắc mấu chốt trong quá trình định giá. Đây là vấn đề còn phải bàn cãi nhiều, nhưng đã đến lúc những thay đổi của tình hình kinh tế khiến cho các cơ quan quản lý Nhà nước phải nhìn lại kế hoạch cổ phần hoá để tiếp tục thúc đẩy sự chuyển đổi của hệ thống các doanh nghiệp Nhà nước.

Sài Gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của PVFC (17/07/2008)

>   Jardine Cycle & Carriage mua lại 12% cồ phần của THACO (17/07/2008)

>   Mekong Enterprise đầu tư 2,6 triệu USD vào Cổng Vàng (17/07/2008)

>   Nhà máy bia Quảng Nam tự làm “mất giá” gần 6 tỉ đồng (17/07/2008)

>   CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn được chấp thuận nguyên tắc niêm yết cổ phiếu (17/07/2008)

>   NTACO: Nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu (16/07/2008)

>   VIB BANK đạt trên 323 tỷ đồng lợi nhuận (16/07/2008)

>   LICOGI 16: Chốt danh sách CĐ để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (16/07/2008)

>   TP HCM: CTCP Khánh Đông tự ý phá quy hoạch dự án Cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp Xuân Thới Sơn (16/07/2008)

>   BASA được chấp thuận niêm yết (15/07/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật