“Giấc mơ” cổ tức
Cổ tức, niềm hy vọng cuối cùng của không ít nhà đầu tư khi buộc phải chuyển các khoản đầu tư ngắn hạn thành dài hạn do sự sụt giảm của thị trường. Thế nhưng niềm hy vọng đã trở thành “giấc mơ” không trọn.
Thất vọng
Đó là tâm trạng một nhà đầu tư khi nhận được giấy báo nhận cổ tức của một bệnh viện tư nhân tại TP.HCM với mức chia năm 2007 chưa tới 4,5%. Nhà đầu tư đang sở hữu 5.000 cổ phiếu (CP) của bệnh viện này cho biết, nhiều người nói rằng bệnh viện làm ăn tốt, không bao giờ lo "ế". Vì vậy tại thời điểm đầu năm 2007, dù có nhiều lời đề nghị sang nhượng với giá gấp đôi, ông cũng không bán. "Mình tính để đó ăn cổ tức. Ai ngờ cổ tức thế này, nếu chia đều cho 12 tháng thì ăn cháo cũng không đủ sống" - ông ta ngao ngán nói. Được biết, số tiền ông mua lại 5.000 CP này lên tới gần 200 triệu đồng, nếu gửi tiết kiệm tại thời điểm hiện nay cũng được mỗi tháng khoảng 3,5 triệu đồng, lớn hơn giá trị cổ tức cả năm được lãnh. Giấc mơ "thêm một suất lương hưu dưỡng già" của ông đã không trở thành hiện thực.
Một nhà đầu tư khác cũng vô cùng thất vọng với mức chia cổ tức khiêm tốn ở những cổ phiếu mà ông đang nắm giữ. Nhà đầu tư này cho biết, ông chỉ muốn đầu cơ ăn chênh lệch nhưng bất đắc dĩ phải chuyển các khoản đầu tư ngắn hạn của mình thành dài hạn do không kịp trở tay khi thị trường chứng khoán sụt giảm. Với gần chục khoản đầu tư đang lỗ nặng, cổ tức là niềm an ủi cuối cùng của ông nhưng với mức cổ tức khiêm tốn trung bình từ 7 - 15% của các cổ phiếu ông đang nắm giữ khiến số tiền mặt nhận từ cổ tức "không bằng một phần lãi suất tiết kiệm nếu gửi hết các khoản đầu tư đó vào ngân hàng" - ông nói.
Chưa kể tới giờ, dù đã hết quý 2 của năm 2008 mà vẫn không biết cổ tức 2007 "chia chác thế nào" đang là nỗi ấm ức của nhiều nhà đầu tư. Anh Hoàn, một nhà đầu tư đang giữ khá nhiều CP một ngân hàng lớn với giá mua vào 80.000 đồng/CP trong khi giá hiện nay chỉ còn trên dưới 20.000 đồng/CP, cho biết tới giờ vẫn chưa có thông tin gì về mức cổ tức như thế nào, chia bằng tiền mặt hay CP, chia bao nhiêu...? "Nhiều người bảo sống bằng cổ tức, đợi lãnh được chắc cũng... dài cổ", anh Hoàn chặc lưỡi.
Bán trứng hay nuôi gà?
Trước tâm lý của phần lớn cổ đông đại chúng, nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua đã chạy theo xu hướng chia cổ tức cao. Tuy nhiên, theo hầu hết các chuyên gia chứng khoán, hy sinh lợi ích hiện tại (cổ tức) để đầu tư cho tương lai của doanh nghiệp mới là điều quan trọng số một và là hướng đi đúng cho các doanh nghiệp muốn phát triển mạnh và bền vững. Đó cũng là cách mà rất nhiều doanh nghiệp thành công trên thế giới đã từng làm. Đó cũng chính là lời giải cho hiện tượng có những doanh nghiệp giá cổ phiếu rất cao dù chia cổ tức rất thấp. Bởi họ đã dành phần lớn lợi nhuận để tái đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh cho mình.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao nhiều nhà đầu tư lâu dài tại VN vẫn mong muốn cổ tức cao, tại sao họ chỉ thích bán trứng chứ không nuôi gà? Tâm sự của một người trong cuộc sẽ lý giải nguyên nhân của tâm lý này. Anh T., người đang nắm giữ CP của những ngành đã từng một thời giữ vị trí "hot" nhất trên thị trường chứng khoán như ngân hàng, bất động sản cho biết, tất cả các CP của anh đang nắm giữ đều có thương hiệu tốt, năng lực tài chính mạnh và kế hoạch làm ăn khá ổn định trong dài hạn. Anh cũng xác định đây là những khoản đầu tư lâu dài nhưng do mua vào tại thời điểm nóng, với giá quá cao nên kỳ vọng được bù đắp bằng cổ tức là điều đương nhiên. "Nếu tôi mua vào được với giá gốc thì chia cổ tức thấp một chút cũng không sao. Nhưng mình mua toàn gấp 5, gấp 10 lần nên cổ tức thấp thấy thiệt thòi nhiều quá" - anh T. nói. Những khoản đầu cơ bất đắc dĩ phải chuyển thành đầu tư dài hạn; những nhà đầu tư dài hạn nhưng mua cổ phiếu với giá trên trời; những tham vọng ăn chênh lệch không thành... tất cả đổ dồn vào “giấc mơ” cổ tức.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây chính là thời điểm đầu tư lâu dài tốt nhất bởi giá CP đang sát hoặc thấp hơn giá trị sổ sách. Điều mà 1-2 hoặc 3 năm trước đây, có mơ cũng không thấy được. Với những nhà đầu tư biết lựa chọn đúng CP để đầu tư ngay thời điểm này, giấc mơ cổ tức sẽ trọn vẹn.
tn
|