“Cổ phiếu An Bình” có bình an?
Trong khi nhiều nhà đầu tư trong nước lo lắng vội bán tháo hết số cổ phiếu ngân hàng mình nắm giữ với giá "bèo" thì việc ngân hàng lớn nhất Malaysia - MayBank cam kết sẽ mua 15% vốn điều lệ để trở thành cổ đông chiến lược của ABBank với mức giá 5x (gấp 5 lần mệnh giá) khiến giới đầu tư phải nhìn lại quyết định của mình.
Vào những ngày hoàng kim, cũng giống như rất nhiều các cổ phiếu ngân hàng khác, cổ phiếu ABBank có mức giá khá cao, gấp 7 - 8 lần mệnh giá. Đầu năm 2007, ABBank công bố kế hoạch phát hành hơn 1.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (mệnh giá 10.000 tỷ đồng) để tăng vốn lên trên 3.000 tỷ đồng khiến cho thị giá cổ phiếu ABBank nhảy vọt hơn 8 lần mệnh giá. Mức giá cao khiến các nhà đầu tư không ngừng lùng sục tìm mua cổ phiếu ABBank.
Hàng ế "được giá"!
Hoàn toàn ngược lại với “thời oanh liệt” đó, giá CP ABBank nói riêng cũng như các CP ngành ngân hàng nói chung hiện nay giảm tới mức chưa từng có: khoảng từ 12 - 30.000 đồng/CP, thậm chí có CP ngân hàng xuống thấp dưới mệnh giá. Với riêng cổ phiếu ABBank, ngày 10/4/2008, mức giao dịch trên thị trường tự do đã về đúng mệnh giá 10.000 đồng, cho tới ngày 5 và 6/6/2008 thì giá CP này đã về dưới mệnh giá, được giao dịch ở mức 9.300 đồng/CP.
MayBank, ngân hàng lớn nhất Malaysia, có tổng tài sản trên 82 tỷ USD, được xếp thứ 152/1.000 ngân hàng lớn nhất thế giới, với kinh nghiệm hàng chục năm hoạt động trên thị trường tín dụng quốc tế, khi đầu tư vào ABBank lẽ nào đã "mua hớ" cổ phiếu ABBank? Với thị giá đang ở dưới mệnh giá hiện tại, động thái MayBank mua kịch room 15% vốn điều lệ của ABBank với giá 50.000 đồng/CP (cao gấp 5 lần mệnh giá), thậm chí còn bày tỏ nguyện vọng mua thêm 5% để nâng tỷ lệ sở hữu lên 20% khi Chính phủ Việt Nam cho phép khiến cho nhiều nhà đầu tư phải đặt câu hỏi nghi ngờ về một chiêu bài "đối tác chiến lược" đã từng được các DN sử dụng nhằm mục đích PR kích cầu trong giai đoạn giá giảm.
Chiêu bài "chưa lật"
Không thể phủ nhận một thực tại là trong số các ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay thì ABBank là một ngân hàng có khả năng phát triển cao kể từ khi được nâng cấp thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị vào tháng 8 năm 2005. Trong khi giá cổ phiếu ABBank rớt mạnh, hoạt động kinh doanh của ngân hàng này vẫn có sự ổn định với mức tăng trưởng lợi nhuận năm nay so với năm trước ở mức cao: Tính đến 31/12/2007, vốn điều lệ của ABBank đạt 2.300 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 17.174 tỷ đồng, tăng gần 6 lần so với cuối năm 2006. Tổng huy động vốn đạt 14.467; dư nợ cho vay đạt 6.858 và tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống đều đạt trên dưới 6.800 tỷ, tăng 506% so với năm 2006. Lợi nhuận trước thuế ABBank đạt trên 230 tỷ, tăng 3 lần so với năm ngoái. Mặc dù chính sách siết chặt tín dụng của Chính phủ ban hành đã buộc các ngân hàng phải tăng dự trữ bắt buộc và mua tín phiếu bắt buộc, nhưng điều đó dường như cũng ít ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng vì những chi phí kể trên đã được các ngân hàng đưa vào giá thành vốn cho vay. Ngoài ra, các ngân hàng còn có nguồn thu khá dồi dào từ các dịch vụ mở rộng của ngân hàng như kinh doanh vàng, cho thuê tài chính, thanh toán xuất nhập khẩu v.v. ngoài nghiệp vụ cho vay truyền thống. Vì vậy, cho đến nay các ngân hàng vẫn hoạt động bình thường.
Năm 2008, với kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 3.200 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 22.693,9 tỷ đồng, hoạt động huy động vốn và cho vay đạt mức khoảng 11 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 456 tỷ đồng và tiếp tục thành lập mới ít nhất 20 chi nhánh/phòng giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch toàn hệ thống lên 73; đẩy mạnh dịch vụ thẻ, phát hành 100.000 thẻ trong đó chủ yếu là thẻ ATM, thẻ tín dụng, thẻ trả trước v.v. có thể là những "điểm sáng" mà MayBank đã nhìn nhận và đặt kỳ vọng vào ABBank khi lựa chọn đầu tư.
Mặt khác, quan sát các giao dịch của nhóm CP ngân hàng trên thị trường OTC trong vài tuần gần đây, có thể thấy hiện tại, các cổ phiếu ngân hàng đang có xu hướng được giao dịch nhiều hơn, đặc biệt là các cổ phiếu có mức thị giá xấp xỉ trên, dưới mệnh giá do những cổ phiếu này đã giảm mạnh trong thời gian qua. Một số nhà đầu tư tin rằng, giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC đã giảm đến mức hợp lý, là quá rẻ, là thấp hơn nhiều so với giá trị thực và so với tiềm năng phát triển của chính những ngân hàng đó. Giá CP ngân hàng rớt, nhà đầu tư ngắn hạn chịu thiệt nhưng những CP ngân hàng giảm sâu khi khủng hoảng lại là những CP có sức bật nhanh khi thị trường dần hồi phục. Và việc hợp tác giữa MayBank và ABBank cho dù là một "chiêu bài" chưa lật, bởi sau khi được mua bởi Maybank giá CP An Bình vẫn chỉ “lình xình” quanh mệnh giá, tuy nhiên ít nhiều thương vụ này đã có tác động tích cực đến CP An Bình nói riêng, CP ngân hàng nói chung, và lớn hơn là khiến các nhà đầu tư phải "điều chỉnh" hành động của mình đối với thị trường đỡ tiêu cực hơn.
Năm 2008, với kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 3.200 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 22.693,9 tỷ đồng, hoạt động huy động vốn và cho vay đạt mức khoảng 11 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 456 tỷ đồng và tiếp tục thành lập mới ít nhất 20 chi nhánh/phòng giao dịch,... có thể là những "điểm sáng" mà MayBank đã nhìn nhận và đặt kỳ vọng vào ABBank khi lựa chọn đầu tư.
dddn
|