Cổ đông phát hoảng khi DN lao vào cổ phiếu
Trong khi vụ ông Phạm Như Hoá Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần mía đường La Ngà mang hơn 17 tỷ đồng vốn đi đầu tư chứng khoán chưa yên lặng thì trong mùa đại hội cổ đông và công bố báo cáo tài chính người ta mới giật mình nhận ra, Công ty CP mía đường La Ngà không phải là trường hợp duy nhất, nhiều DN đã sao nhãng ngành nghề kinh doanh chính của mình. Họ ôm tiền lao vào chứng khoán với một lý do biện minh rất khó chấp nhận: chơi chứng khoán lấy lãi bù cho kinh doanh chính thua lỗ.
Mua cổ phiếu OTC, không trích lập dự phòng
Ngày 19/4, đại hội cổ đông Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Hà Nội (Seaprodex HaNoi) tiến hành. Các cổ đông rất buồn khi biết, lợi nhuận trước thuế cả năm chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng và chia lợi nhuận 3,75%/năm trên tổng số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, một con số quá thấp.
Tuy nhiên, tại cuộc họp một vấn đề mới đã làm bất ngờ nhiều cổ đông và trở thành tâm điểm tranh cãi gay gắt của suốt cuộc họp là chuyện lãnh đạo DN đã dùng tiền vốn kinh doanh mua cổ phiếu được thể hiện trong báo cáo là khoản "đầu tư tài chính ngắn hạn" 16,360 tỷ đồng. Một con số không hề thua kém vụ Công ty Cổ phần mía đường La Ngà.
Điều gây bức xúc với các cổ đông là việc lãnh đạo DN mua chứng khoán mà họ không hề hay biết, mãi đến khi nhận được thông báo mời họp đại hội cổ đông và nhận được báo cáo tài chính họ mới "phát hoảng" khi tiền vốn kinh doanh của Nhà nước và các cổ đông đã được chuyển một phần khá lớn khoảng 16,3% vốn điều lệ sang đầu tư chứng khoán mà cụ thể là mua cổ phiếu của Ngân hàng VP Bank.
Các cổ đông đã cho rằng, hơn 16,3 tỷ đồng là một số tiền rất lớn được lãnh đạo DN đưa đi mua cổ phiếu trên thị trường OTC là một thị trường không minh bạch và chưa được pháp luật điều chỉnh. Trong bản tập hợp ý kiến mới đây nhằm gửi lên các cơ quan chức năng, các cổ đông cho biết, đến thời điểm này, họ vẫn chưa hề được công bố thông tin liên quan như mua vào giá nào? Thời điểm mua? Đối tượng mua?... Mặc dù tại đại hội các cổ đông thắc mắc rất nhiều nhưng vẫn chưa có được một câu trả lời thỏa đáng.
Theo dự tính mang tính chất giả thiết của các cổ đông trong bản tập hợp ý kiến để gửi lên Bộ Nông nghiệp và các cơ quan liên quan, đến thời điểm kết thúc năm tài chính 31/12/2007, giá trên thị trường OTC của cổ phiếu chỉ còn 19-20 ngàn đồng/cổ phiếu thì dự kiến số tiền thua lỗ của khoản đầu tư này là 8 tỷ đồng. Đến thời điểm đầu tháng 5/2008, giá cổ phiếu NH VPBank chỉ còn 15 ngàn thì khoản thua lỗ này có thể lên đến 10 tỷ đồng. Nếu dự kiến này là đúng thì đây thực sự là một con số quá lớn và chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm với nỗi hoảng sợ của của các cổ đông.
Đặc biệt, theo quy định, đến cuối năm tài chính, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, hàng tồn kho phải được đánh giá lại và trích lập dự phòng. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính đã thể hiện, trong năm, công ty chưa trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán ngắn hạn đối với cổ phiếu NH VP Bank.
Kinh doanh chính thua lỗ vẫn lao vào chứng khoán
Các cổ đông đều đặt vấn đề, theo điều lệ thì công ty không có chức năng kinh doanh chứng khoán, việc mua cổ phiếu phải được HĐQT quyết định và yêu cầu công bố nghị quyết của HĐQT quyết định về việc cho phép mua cổ phiếu của NH VP Bank. Tuy nhiên, tất cả các văn bản này đều chưa được thông báo đến các cổ đông khiến cho nghi ngờ của họ càng lớn.
Qua tham khảo hướng dẫn thủ tục chuyển nhượng cổ phần NH VP Bank tại Công ty Chứng khoán VP Bank, chúng tôi được biết, đối với tổ chức cá nhân nhận chuyển nhượng nhưng chưa phải là cổ đông VP Bank thì phải có biên bản họp HĐQT về việc đồng ý mua bán cổ phần của NH VP Bank, trong đó nêu rõ số lượng, người đại diện..., quyết định bổ nhiệm người đại diện...
Theo các cổ đông, đến nay, tất cả những văn bản này họ đều chưa được lãnh đạo DN công bố và không được trả lời thỏa đáng khi hỏi đến. Sự thiếu công khai và minh bạch càng khiến cho nỗi lo lắng và nghi ngờ của các cổ đông tăng thêm. Và theo thông tin mới nhất mà chúng tôi có được, các cổ đông đã quyết định ký vào bản kiến nghị để gửi lên Bộ Nông nhiệp - Phát triển nông thôn để phản ánh và yêu cầu làm rõ về vấn đề mua cổ phiếu của Seaprodex HaNoi và trách nhiệm của bà Tổng giám đốc Trần Minh Hà - người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty.
Trong vụ việc của Công ty Cổ phần mía đường La Ngà và Seaprodex HaNoi đều được biện minh bằng nhiều lý do trong đó có việc đầu tư chứng khoán nhằm đảm bảo mục tiêu kinh doanh và lợi nhuận của công ty. Xem ra, thị trường chứng khoán là nơi để DN huy động vốn dài hạn đang bị các lãnh đạo DN xem là nơi có thể "lướt sóng" kiếm tiền trong ngắn hạn. Thực tế, Công ty Cổ phần mía đường La Ngà và Seaprodex HaNoi không phải là những trường hợp duy nhất mà có rất nhiều DN đã lao vào đầu tư tài chính như một cách kiếm tiền nhanh chóng mà quên đi nhiệm vụ phát triển lĩnh vực kinh doanh chính của mình.
Tại Seaprodex HaNoi, báo cáo cho biết, lợi nhuận năm 2007 là hơn 5,09 tỷ đồng. Trong đó, riêng lãi tiền gửi và lãi tiền cho vay là 4,28 tỷ đồng; tiền cho thuê nhà là 5,5 tỷ đồng nếu trừ đi chi phí 2 tỷ đồng thì ít ra lợi nhuận của công ty đã là 7 tỷ đồng. Như vậy, có thể nhận ra lĩnh vực kinh doanh chính là xuất nhập khẩu thủy sản của DN này thua lỗ.
Đầu tư vào tài chính, sao nhãng kinh doanh chính là một hiện tượng đã được cảnh báo từ lâu. Theo các chuyên gia tài chính, thị trường tài chính sẽ có lợi nếu DN sử dụng đúng chức năng huy động vốn nhưng đây sẽ là "cái bẫy" nhiều rủi ro nếu DN không phải chuyên ngành đầu tư tài chính lao vào đầu tư với mục đích kiếm lời ngắn hạn. Lúc thị trường chứng khoán tăng điểm ai cũng say sưa với lợi nhuận thu được nhưng khi thị trường sụt giảm như thời gian gần đây thì không ít DN sẽ phải ôm lấy thua lỗ. Thậm chí, nếu quá ham chứng khoán mà thua lỗ, bỏ bê lĩnh vực kinh doanh chính... thì hậu quả có thể làm đổ vỡ DN và các cổ đổng sẽ là người gánh chịu.
vnn
|