Vietcombank "bật mí" trước đại hội cổ đông đầu tiên
Ngày 22.4, Ban lãnh đạo Vietcombank đã có cuộc gặp mặt với các cơ quan báo chí để thông tin một số tình hình trước khi tổ chức đại hội cổ đông vào 26.4.2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).
Vẫn giữ kế hoạch niêm yết
Ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietcombank cho biết một chi tiết khá thú vị về công tác tổ chức: Vietcombank có tới 15.500 cổ đông mà hội trường lớn nhất có thể thuê được để tổ chức đại hội cổ đông là Trung tâm Hội nghị quốc gia với số chỗ ngồi là khoảng 3.600 ghế. Vì thế, nếu tất cả các cổ đông đều đến dự thì sẽ không đủ chỗ để ngồi. Bộ tài liệu gửi cổ đông dày tới hơn 150 trang được Vietcombank làm thành CD và gửi tới tất cả các cổ đông không phải là cán bộ công nhân viên. Riêng với các cổ đông là cán bộ công nhân viên, Ban lãnh đạo Vietcombank đã đề nghị download và đọc từ website của ngân hàng. Ông Bình cũng cho biết thêm, ngân hàng phải mất mấy tháng mới có thể tổ chức được đại hội cổ đông vì việc xác định chính xác danh sách các cổ đông tham dự mất rất nhiều thời gian do số lượng cổ đông quá lớn.
Về kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Vietcombank vẫn giữ kế hoạch niêm yết trong năm 2008 mà không phụ thuộc vào điều kiện thị trường. "Khi nào chúng tôi làm xong các thủ tục và được phép của các cổ đông là chúng tôi niêm yết" - ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết. Tuy nhiên, về thời điểm thì ông Thanh nói: "Vấn đề này chúng tôi không làm chủ được vì còn phải chờ xin phép các cơ quan có thẩm quyền, và hoàn tất các thủ tục cần thiết nữa". Trả lời câu hỏi về việc giá cổ phiếu của Vietcombank trên thị trường OTC đã xuống thấp hơn cả mức giá mua ưu đãi của cán bộ công nhân viên Vietcombank, ông Nguyễn Hòa Bình nói: "Đã chấp nhận kinh tế thị trường thì phải tuân theo các luật chơi của nó thôi. Thị trường định giá như vậy thì mình cũng phải chịu".
Trả lời về vấn đề cổ đông chiến lược nước ngoài, ông Bình cho biết, các đối tác chiến lược trước đây vẫn rất quan tâm và đang tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, đối tác chiến lược cuối cùng đã được nhắm là Tập đoàn General Electric (GE). Vấn đề còn lại là mức giá bán cho GE sẽ ở mức nào. Nguồn tin của Thanh Niên cho biết, mức giá của GE có thể sẽ phải thấp hơn giá đấu thành công bình quân vì ở mức giá đó GE đã không chấp thuận khi thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức khả quan.
Cột mốc lợi nhuận 3.383 tỉ đồng
Về kết quả hoạt động quý I/2008, ông Bình cho biết, vốn huy động của Vietcombank tính đến 31.3.2008 giảm 0,3% so với cuối năm 2007 (đạt 195.587 tỉ đồng). Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm hoạt động của Vietcombank xảy ra hiện tượng này. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng quý I/2008 của ngân hàng vẫn tăng 10,1% (đạt 105.562 tỉ đồng): VNĐ tăng 16,3% còn ngoại tệ chỉ tăng 5,2%. Lợi nhuận sau thuế quý I của Vietcombank ước đạt khoảng 900 tỉ đồng, tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,4% trên tổng dư nợ.
Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ tăng trưởng tín dụng khoảng 29%, lợi nhuận tăng khoảng 11% so với năm 2007 (lợi nhuận trước thuế năm 2008 dự kiến là 3.383 tỉ đồng). Tổng giám đốc Vietcombank cho biết: "Tình hình kinh tế nói chung (cả trong nước lẫn thế giới - PV) rất khó khăn nên việc đạt được chỉ tiêu lợi nhuận hơn 3.000 tỉ đồng là không dễ. Nếu như còn là ngân hàng 100% vốn nhà nước thì chúng tôi chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận khoảng 2.000 tỉ đồng thôi, nhưng giờ đã là cổ phần lại có kế hoạch niêm yết nữa nên chúng tôi phải ráng sức để đáp ứng các kỳ vọng của cổ đông". Ông Thanh cũng cho biết thêm, Vietcombank là ngân hàng hội nhập quốc tế nhiều hơn so với các ngân hàng khác nên khi kinh tế thế giới sa sút, đặc biệt là Mỹ - đầu tàu của kinh tế thế giới khủng hoảng thì Vietcombank cũng chịu nhiều tác động hơn so với các ngân hàng khác.
tn
|