Thứ Ba, 22/04/2008 15:06

DN được linh hoạt chọn năm tài chính

Ông Bùi Văn Mai, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên ĐTCK. Trong khi số lượng công ty kiểm toán (CTKT) được chấp thuận kiểm toán cho DN trên TTCK vẫn còn hạn chế thì việc chọn năm tài chính vào nhiều thời điểm kết thúc khác nhau, một mặt giảm áp lực cho các CTKT, mặt khác giúp các DN niêm yết, công ty đại chúng có được báo cáo kiểm toán chất lượng cao. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Mai về vấn đề này.

Câu lạc bộ Các DN niêm yết cho biết, sẽ kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Tài chính cho DN tự chọn năm tài chính thích hợp với đặc thù mỗi ngành, nhằm giảm áp lực thiếu CTKT. Theo ông, kiến nghị trên có hợp lý không?

DN đã được chủ động lựa chọn thời điểm kết thúc năm tài chính sao cho có lợi nhất. Luật Kế toán năm 2003 quy định, kỳ kế toán gồm kỳ kế toán năm, quý và tháng. Theo đó, kỳ kế toán năm là 12 tháng, tính từ đầu ngày 1/1 đến hết ngày 31/12 năm dương lịch. DN có đặc thù riêng về tổ chức hoạt động được chọn kỳ kế toán năm là 12 tháng tròn theo năm dương lịch, bắt đầu từ đầu ngày 1 tháng đầu quý này đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý trước năm sau và thông báo cho cơ quan tài chính biết.

Việc kiến nghị của các DN như vừa nêu có thể là do họ chưa nắm rõ chính sách hoặc băn khoăn thế nào là DN hoạt động đặc thù nhưng theo tôi, các DN đều có thể tự lựa chọn, chứ không nên dồn vào thời điểm 31/12 hàng năm như hiện nay. Trong bối cảnh số lượng CTKT còn thiếu thì DN nên linh hoạt lựa chọn năm tài chính để thuận tiện cho việc thuê CTKT cũng như giãn tiến độ công việc của mình.

Việc lựa chọn năm tài chính có khó khăn hay không, khi vẫn chưa có nhiều DN thực hiện, thưa ông?

Tôi nghĩ là không có khó khăn gì, chủ yếu do các DN chưa biết đến quy định này. Khi thực hiện thay đổi năm tài chính, DN chỉ cần thông báo với cơ quan thuế và thực hiện đúng chế độ về kế toán, kiểm toán. Chẳng hạn, DN đang thực hiện năm tài chính từ đầu năm (từ ngày 1/1 đến ngày 31/12) muốn thay đổi thành từ ngày 1/4 đến ngày 31/3 năm sau thì Luật cũng cho phép năm tài chính (năm đầu tiên thay đổi) được tính là 15 tháng (từ ngày 1/1 năm đầu tiên đến ngày 31/3 năm sau và năm thứ hai từ ngày 1/4 đến ngày 31/3 năm sau).

Quy định về công bố thông tin (Thông tư số 38/2007/TT-BTC) của các công ty đại chúng cũng nêu rõ, ngày hoàn thành báo cáo tài chính năm được tính từ ngày tổ chức kiểm toán được chấp thuận ký báo cáo kiểm toán. Thời hạn hoàn thành báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Việc lựa chọn năm tài chính theo đặc thù của DN, thế giới đã làm từ lâu và tôi nghĩ không chỉ DN niêm yết, mà các DN khác cũng nên thay đổi cho phù hợp thông lệ quốc tế.

UBCK vừa cho phép mở rộng đối tượng kiểm toán các công ty đại chúng. Ông bình luận gì về quyết định này?

Hiện nay, các CTKT được phép chấp thuận là 26 công ty. Với quyết định như trên thì tất cả CTKT độc lập (khoảng 140 công ty) cũng sẽ được kiểm toán các công ty đại chúng, CTCK, quỹ đầu tư… Theo tôi, quyết định như thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo kiểm toán vì năng lực, trình độ của các CTKT hiện nay rất khác nhau. Có công ty ra đời hàng chục năm, có công ty thành lập được 2 tháng; có công quy mô lớn với vài chục kiểm toán viên, có công ty chỉ 10 người với 3 kiểm toán viên… Việc đồng loạt cho phép các CTKT thực hiện kiểm toán công ty đại chúng còn gây tâm lý không tốt cho những CTKT đã nỗ lực rất nhiều để lọt vào danh sách được UBCK chấp thuận.

Tôi biết, trước sức ép về việc nộp báo cáo kiểm toán năm 2007 của các công ty đại chúng, trong khi số lượng CTKT được chấp thuận có hạn nên UBCK mới có quyết định như trên. Sẽ là hợp lý hơn nếu giải pháp này chỉ là ngắn hạn (1 năm) và vẫn phải lựa chọn các công ty theo tiêu chí nhất định, chứ không nên cùng lúc cho tất cả CTKT đều được kiểm toán.

Ông đánh giá thế nào về chất lượng báo cáo kiểm toán của các công ty đại chúng hiện nay?

Tôi xin khẳng định, báo cáo tài chính đã qua kiểm toán sẽ tốt hơn nhiều. Còn độ chính xác của báo cáo tài chính và báo cáo kiểm toán thì tùy thuộc vào từng DN cũng như CTKT.

Có thể hoạt động của CTKT có chất lượng tốt nhưng số liệu, cứ liệu mà DN đưa ra không hẳn là chính xác. Việc kiểm toán được thực hiện trên số liệu này, như vậy báo cáo kiểm toán do CTKT thực hiện vẫn có thể bị sai, thưa ông?

Tôi không nghĩ như vậy! Bởi CTKT uy tín khi thực hiện kiểm toán sẽ tuân thủ chặt chẽ các quy trình nghiệp vụ. Chẳng hạn, khi nghi ngờ một số liệu nào đó, họ phải kiểm tra chéo, thẩm định qua các kênh khác để có thông tin chính xác, chứ không chỉ dựa vào số liệu do DN cung cấp.

Sau khi kiểm toán, CTKT đều phải đưa ra bản báo cáo kiểm toán, trong đó trình bày rõ ý kiến kết luận của kiểm toán viên. Điều này không chỉ có giá trị pháp lý, mà còn là uy tín của CTKT, là trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên. Do đó, không có kiểm toán viên nào biết sai mà vẫn kết luận là đúng cả.

Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng, do việc xử lý chưa nghiêm những trường hợp DN cung cấp số liệu sai hoặc kiểm toán viên chưa thật thận trọng, làm ảnh hưởng đến chất lượng của báo cáo kiểm toán, nên đây đó vẫn xảy ra trường hợp sai sót.

đtck

Các tin tức khác

>   CTCK Vàng Việt Nam : TB thành viên ban lãnh đạo mới (22/04/2008)

>   CTCP CK Thiên Việt: BCTC năm 2007 (22/04/2008)

>   Cách chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN (22/04/2008)

>   Cadovimex: Chi trả cổ tức năm 2007 (22/04/2008)

>   Hoàng Long Long An: ĐHCĐ thường niên (22/04/2008)

>   Trung Thủy xây thêm bốn trạm dừng du lịch (22/04/2008)

>   Ra mắt Công ty cổ phần thủy điện Bắc Hà (21/04/2008)

>   Tiếng nói cổ đông nhỏ như “đấm bị bông” (21/04/2008)

>   Ôtô Trường Hải: ĐHĐCĐ thường niên năm 2008 (21/04/2008)

>   Bách hóa Điện máy Sài Gòn: ĐHĐCĐ thường niên năm 2008 (21/04/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật