Thị trường chứng khoán bắt đầu “tan băng”
Nếu đầu tư dài hạn thì nên tranh thủ những phiên điều chỉnh giảm để mua vào những cổ phiếu có chỉ số tài chính tốt, hệ số P/E thấp, tăng trưởng lợi nhuận cao, doanh nghiệp vay nợ ít, cổ đông nội bộ hạn chế bán ra...
Sau 9 ngày “đóng băng” (vì nhà đầu tư găm hàng chờ giá lên), trong phiên giao dịch chứng khoán ngày 8-4, các nhà đầu tư (chủ yếu là tổ chức) bắt đầu đẩy cổ phiếu bán ra để hiện thực hóa lợi nhuận, làm cho tính thanh khoản tăng lên và thị trường bắt đầu “tan băng”. Mặc dù lượng bán ra khá mạnh, nhưng do khối lượng bên mua vẫn áp đảo nên giá nhiều loại cổ phiếu tăng trần, giúp VN-Index vươn lên đạt 548,56 điểm, tăng 6,23 điểm so với hôm trước. Như vậy, kể từ khi áp dụng việc điều chỉnh biên độ (từ ± 5% xuống còn ± 1% và nay đã nâng lên ± 2%, đối với sàn TPHCM), VN-Index đã tăng tổng cộng 51,92 điểm, tương đương 10,45% so với mức đáy thiết lập ngày 25-3.
80% số cổ phiếu có P/E nhỏ hơn 15 lần
Do bị bán tháo để giải chấp cầm cố vay ngân hàng nên thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị đẩy xuống quá đà, làm cho giá của hầu hết các loại cổ phiếu trở nên khá rẻ. Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) công bố ngày 8-4, trên HoSE hiện có 150 mã cổ phiếu niêm yết, nhưng trong đó đã có 121 mã có hệ số P/E (thị giá/thu nhập) dưới 15 lần (chiếm hơn 80%), còn lại 29 mã P/E từ 15 lần trở lên. Đặc biệt, trong đó có hàng chục mã cổ phiếu có mức thu nhập năm vừa qua bằng 30% - 140%/vốn điều lệ nhưng hiện nay P/E chỉ có 6 – 10 lần. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, tại các thị trường mới nổi như Việt Nam, những cổ phiếu có P/E ở mức dưới 15 lần là hấp dẫn để mua vào.
Mặc dù nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng trong năm nay, các doanh nghiệp niêm yết vẫn kỳ vọng đạt kết quả kinh doanh khả quan. vì vậy trong kỳ đại hội đồng cổ đông năm nay, doanh nghiệp vẫn xây dựng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cao hơn năm trước. Những thông tin ban đầu cho thấy nhiều đơn vị như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (STB), Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư công nghệ FPT (FPT)... trong 3 tháng đầu năm nay lợi nhuận tăng từ 35% - 40% so với cùng kỳ năm trước.
Tranh thủ thị trường điều chỉnh để mua
Tuy nhiên, do lạm phát trong nước còn cao, chính sách tiền tệ còn bị siết chặt, kinh tế Mỹ vẫn trong xu hướng suy thoái, nguồn vốn mới bổ sung tham gia đầu tư chưa nhiều... nên thị trường chưa thể phục hồi mạnh mẽ. Đối với những nhà đầu tư lâu dài, giá cổ phiếu hiện tại trở nên hấp dẫn để mua vào, nhưng những người “lướt sóng” vẫn lo sợ các cơn lũ giải chấp cổ phiếu có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Sau 10 phiên tăng liên tiếp, tâm lý nhà đầu tư đã có phần ổn định, nhưng do còn nằm trong bối cảnh ảm đạm chung của nền kinh tế toàn thế giới nên chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thể tăng trưởng vững chắc. Vì vậy, rất có thể trong cuối tuần này, giá cổ phiếu trên HoSE sẽ điều chỉnh giảm.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu đầu tư lâu dài thì nên tranh thủ những phiên điều chỉnh giảm để mua vào những cổ phiếu có chỉ số tài chính tốt, hệ số P/E thấp, mức tăng trưởng lợi nhuận cao, doanh nghiệp vay nợ ít, cổ đông nội bộ hạn chế bán ra. Ông Dominic Scriver, Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital, cho biết sau khi loại trừ yếu tố lợi nhuận do đầu tư tài chính và đầu cơ bất động sản, nếu cổ phiếu có hệ số P/E thấp hơn mức tăng trưởng thu nhập thì nó xứng đáng để mua.
nlđ
|