Nới biên độ: “Nếu không ổn, sẽ có giải pháp mạnh hơn”
Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán), trao đổi về quyết định nới biên độ giao dịch chứng khoán.
Ngày 3/4, Ủy ban Chứng khoán quyết định cho điều chỉnh biên độ giao dịch từ +/-1% lên +/-2% tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM và từ +/-2% lên +/-3% tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Về việc điều chỉnh trên, ông Sơn giải thích:
“Như chúng ta biết, ngày 25/3, thị trường suy giảm sâu, VN-Index xuống dưới mức 500 điểm. Cùng với các giải pháp hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán đã sử dụng giải pháp kỹ thuật, mang tính nghiệp vụ là giảm biên độ giao động giá.
Sau 6 phiên, thị trường đã có dấu hiệu phục hồi và tăng trở lại. Ngưỡng biên độ theo giải pháp trên được giới chuyên môn đánh giá là đã có sự hỗ trợ, thị trường đã có những phiên tăng trần. Tuy nhiên, tính thanh khoản rất kém, dư mua qua các phiên rất lớn nhưng dư bán không có.
Với biên độ giảm như vậy, tính thanh khoản rất thấp, lợi suất đầu tư cũng thấp vì trong đó còn có cả phí giao dịch. Theo đó, cần nới biên độ, mở hơn để thanh khoản tốt hơn”.
Thưa ông, tại sao lại nới thêm +/-1% mà không phải là mức lớn hơn, liệu biên độ mới có cải thiện được tính thanh khoản và bao giờ sẽ về biên độ cũ?
Bởi vì phải nới ở mức độ vừa phải và đây cũng là giải pháp tạm thời để chờ xem phản ứng của thị trường.
Không thể nói trước tính thanh khoản sẽ như thế nào, sẽ tăng thế nào mà còn phải chờ xem. Với thị trường vừa phục hồi thì đó là mức nới hợp lý. Còn lộ trình cụ thể thì chưa thể nói trước được là thời điểm nào sẽ điều chỉnh tiếp.
Trường hợp thị trường suy giảm trở lại thì sao?
Giảm biên độ chỉ là một trong những giải pháp thôi. Bên cạnh đó còn có những hỗ trợ khác như doanh nghiệp mua vào cổ phiếu quỹ, SCIC tham gia mua vào, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ngoại tệ, hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng và Hiệp hội Ngân hàng vận động các ngân hàng ngừng giải chấp… Nếu phản ứng của thị trường không ổn thì sẽ có những biện pháp mạnh hơn.
Về vấn đề ngừng giải chấp, ông có thể cho biết đã có những chuyển biến nào từ các ngân hàng thương mại chưa?
Về vấn đề này, Hiệp hội Ngân hàng đã có công văn kêu gọi các ngân hàng xem xét khoanh nợ, ngừng giải chấp. Vấn đề này thuộc về các ngân hàng.
Khi giá chứng khoán xuống quá thấp, các ngân hàng không thấy các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, sợ lỗ nên bán ra. Nay đã có gói giải pháp hỗ trợ, cho phép khoanh nợ và kêu gọi ngừng giải chấp.
Trở lại câu chuyện biên độ, ông có thể giải thích những tín hiệu nào cho thấy thị trường ổn định để trả lại biên độ cũ và quan điểm của Ủy ban Chứng khoán về giải pháp này?
Chúng tôi sẽ xác định theo mức điểm khi thị trường tăng trở lại, tất nhiên là sẽ không tăng mạnh như trước đây, căn cứ theo P/E…
Đây đơn thuần là một giải pháp nghiệp vụ. Trước đây cũng đã được sử dụng nhiều lần để điều chỉnh van của thị trường. Nó là tạm thời, phụ thuộc vào hiệu ứng của thị trường.
Ông có nói trường hợp phản ứng của thị trường không ổn sẽ có giải pháp mạnh. Vậy đó sẽ là những giải pháp nào?
Chúng ta sẽ chờ xem phản ứng thị trường thế nào. Trường hợp xấu Chính phủ sẽ tiếp tục có những giải pháp; các ban ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có những giải pháp phối hợp thích hợp.
Ngày mai (4/4), Thủ tướng Chính phủ sẽ có cuộc họp quan trọng với các bộ ngành, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán. Dự kiến sẽ có những định hướng mới và sẽ được thông tin cụ thể.
vneconomy
|