Nhà đầu tư cá nhân bị bỏ rơi
Rút ngắn thời hạn thanh toán chứng khoán chỉ có lợi cho nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ đầu tư.
Bắt đầu từ ngày 14-4, các giao dịch chứng khoán theo thỏa thuận có khối lượng từ 100 ngàn cổ phiếu trở lên sẽ được thanh toán trực tiếp sau một ngày giao dịch thành công (T+1) thay cho ba ngày như trước kia (T+3). Nghĩa là nếu mua bán chứng khoán thành công thì tiền mặt hoặc chứng khoán sẽ được chuyển về tài khoản của nhà đầu tư ngay sau một ngày, thay vì phải chờ ba ngày như trước đây. Đây là nội dung trong quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán chứng khoán do Trung tâm Lưu ký chứng khoán mới ban hành.
Chỉ có lợi cho nhà đầu tư lớn
Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, thuộc Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho biết đây là quy chế nội bộ của Trung tâm Lưu ký chứ không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Quy chế này là hướng dẫn Quyết định 87 của Bộ Tài chính trong thanh toán bù trừ chứng khoán.
Theo ông Sơn, việc áp dụng thời gian thanh toán T+1 với các giao dịch thỏa thuận từ 100 ngàn cổ phiếu trở lên sẽ tạo ra tính thanh khoản cho kênh chứng khoán. Vì khi áp dụng việc thanh toán này thì người bán cổ phiếu sẽ có tiền ngay.
Bình luận về việc thanh toán theo T+1 này, anh Đồng Văn Trang, nhân viên môi giới Công ty chứng khoán SSI, cho rằng sẽ không tác động nhiều đến nhà đầu tư nhỏ lẻ. Lý do ít nhà đầu tư nhỏ nào có khối lượng cổ phiếu lớn như nêu trên để mua bán. Mặt khác đây sẽ là biện pháp giảm nguồn cung hữu hiệu, nhất là trong bối cảnh lượng cổ phiếu cầm cố của các ngân hàng bán ra nhiều. Nghĩa là cho dù các ngân hàng có giải chấp cổ phiếu cầm cố thì việc này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường như trước kia. Lý do ngân hàng đã có thể chọn phương án giao dịch thông qua thoả thuận một ngày mà không cần đợi khớp lệnh T+3.
Thực chất, quy chế này cũng không còn mới mẻ gì bởi vì giao dịch thỏa thuận với khối lượng trên 100.000 cổ phiếu đã được tiến hành trên sàn Hà Nội lâu nay. Ở sàn này nhà đầu tư mua bán thỏa thuận đã được lựa chọn một trong ba hình thức thanh toán như từ T+1 đến T+3.
Có phân biệt đối xử?
Tuy nhiên, các nhà đầu tư nhỏ trong nước lại không nghĩ như vậy. Chị Minh Nguyệt, nhà đầu tư tại chứng khoán Beta, cho biết khi chu kỳ thanh toán được rút ngắn xuống như thế thì chỉ có lợi cho nhà đầu tư nước ngoài và các quỹ đầu tư. Chưa kể đến nếu tổ chức nào muốn làm giá bằng cách lướt sóng theo biên độ T+1 thì nhà đầu tư nhỏ lẻ rất dễ bị rơi vào bẫy.
Còn anh Hùng, nhà đầu tư tại sàn SSI, băn khoăn về việc gần đây có thông tin nhà đầu tư nước ngoài đang rút bớt nguồn vốn khỏi kênh chứng khoán Việt Nam, và theo báo cáo mới nhất của ngân hàng HSBC thì điều này có thể xảy ra. Nếu như thế giao dịch thỏa thuận theo T+1 với khối lượng lớn sẽ giúp cho nhà đầu tư ngoại rút vốn nhanh hơn và thị trường có nguy cơ sẽ sụt giảm sâu hơn nữa.
Luật sư Trần Vũ Hải, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà đầu tư chứng khoán TP.HCM, cho rằng nhà nước đã áp dụng quy chế thanh toán T+1 thì nên áp dụng rộng rãi cho tất cả các nhà đầu tư, tổ chức cũng như cá nhân. Quy chế này cũng là một dịch vụ công cho nên cần phải bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư, có như vậy mới không tạo ra sự phân biệt đối xử.
Ông Hải cũng cho biết, trước đây có lần ông trao đổi với một người có trách nhiệm của trung tâm lưu ký chứng khoán thì vị này cho biết việc thanh toán chứng khoán theo T+1 có thể áp dụng ngay. Tuy nhiên lỗi là do các công ty chứng khoán đã sắm công nghệ không đáp ứng được việc thanh toán nhanh này. Như vậy theo ông Hải, đã đến lúc trung tâm lưu ký chứng khoán cần mạnh tay loại bỏ các công ty chứng khoán có công nghệ không phù hợp.
Về việc này, ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường chứng khoán, cho rằng lỗi là do hệ thống thanh toán bù trừ của các công ty chứng khoán, ngân hàng chưa đồng bộ chứ thanh toán chứng khoán theo phương thức T+n, trong đó số n càng nhỏ đi thì thị trường càng có tính thanh khoản tốt.
Pháp luật TPHCM
|