“Cổ đông đừng thua thiệt vì thiếu hiểu biết”
“Nhiều nhà đầu tư giữ cổ phiếu hơn một năm mà vẫn không biết đại hội đồng cổ đông tổ chức ở đâu, khi nào, thông qua những điều gì.”
Luật sư Hoàng Huy Được, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội bày tỏ sự lo lắng trước những thua thiệt vì thiếu thông tin và hiểu biết của nhiều cổ đông.
Không hiểu biết vẫn đầu tư, không ít
Ông đánh giá như thế nào về trình độ của các cổ đông nhỏ lẻ hiện nay?
Việc đầu tư cổ phiếu hiện nay diễn ra khá phổ biến, bất luận ai có tiền, dù nhiều dù ít, đều có thể mua cổ phiếu và đều trở thành nhà đầu tư.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ai bỏ tiền ra mua cổ phiếu đều có am tường về kinh doanh, về pháp luật và chính vì thế, không phải bất kỳ ai cũng hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. Mặc dù bây giờ, trình độ của nhà đầu tư đã khá hơn nhiều nhưng chuyện không hiểu biết mà vẫn đầu tư không phải là ít.
Tôi đã gặp nhiều trường hợp anh công nhân bán nhà, vay mượn tiền để mua cổ phiếu mà không hề biết công ty đấy đang làm ăn bi bét. Đến lúc giá cổ phiếu trên tay không còn là bao nhiêu thì có kêu trời cũng không làm được gì.
Ngoài việc thua thiệt vì giá cổ phiếu lên xuống, quyền lợi của họ có bị xâm hại không, thưa ông?
Chính vì không hiểu biết nhiều về quyền của mình cũng như về công ty mình nắm giữ cổ phiếu mà nhiều nhà đầu tư rất dễ bị thua thiệt. Nhiều nhà đầu tư giữ cổ phiếu hơn một năm mà vẫn không biết đại hội đồng cổ đông tổ chức ở đâu, khi nào, thông qua những điều gì.
Thậm chí có công ty phát hành tăng vốn và bán với giá ưu đãi cho cổ đông hiện hữu nhưng nhiều cổ đông không biết đến việc này để đăng ký mua, thế nhưng họ cũng không biết kêu ai.
Ngay cả quyền của những cổ đông sáng lập, cổ đông lâu năm, không phải ở đâu cũng được thực hiện một cách hoàn thiện. Vai trò của ban lãnh đạo công ty nhiều lúc có sự giằng co lẫn nhau và đối tượng chịu ảnh hưởng nhất vẫn là các cổ đông. Có những mâu thuẩn phải đem đến cơ quan công quyền để giải quyết nhưng nhiều người đã bỏ cuộc trước khi giải quyết xong vì tốn kém và quá mệt mỏi.
Ở khía cạnh khác, khi Luật Doanh nghiệp có độ mở tương đối, rất nhiều doanh nghiệp ra đời. Trong khi thủ tục thành lập doanh nghiệp càng ngày càng đơn giản hơn nhưng việc tổ chức, quản lý, duy trì hoạt động doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật thì không phải ai cũng làm được.
Chính vì thế, trong nhiều trường hợp, có doanh nghiệp “lờ” đi những nghĩa vụ của cổ đông và có doanh nghiệp “mơ hồ” về những nghĩa vụ của cổ đông.
Cần nắm rõ những quyền mình được hưởng
Gần đây, một số công ty tổ chức đại hội đồng cổ đông ở những địa điểm rất xa và không thuận tiện cho cổ đông tham dự, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Theo Luật Doanh nghiệp, các cổ đông phổ thông có quyền tham dự và phát biểu trong các đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền; mỗi cổ phần phổ thông có một quyền biểu quyết.
Tuy nhiên, một số công ty cố tình tổ chức đại hội đồng cổ đông ở những nơi rất xa, rất không thuận tiện về giao thông và nhiều cổ đông quả thật là khó lòng đến tham dự được. Nhiều công ty sử dụng hình thức này như một hàng rào kỹ thuật để gạt bỏ các nhà đầu tư tham dự đại hội đồng cổ đông mặc dù họ vẫn thông báo đến cổ đông một cách hợp lệ và đúng thời hạn.
Luật Doanh nghiệp cũng quy định, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất sáu tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty có quyền triệu tập đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp, trong đó có trường hợp “Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao”.
Cùng với một số giấy tờ khác, việc yêu cầu triệu tập đại hội đồng cổ đông này phải có các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của hội đồng quản trị, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền.
Tôi cũng đã thấy có sự liên kết của một số nhóm cổ đông của một số công ty để tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình.
Khi cổ đông phản ánh là không nhận được thư triệu tập họp đại hội đồng cổ đông, một số công ty đã giải thích là do lỗi bưu điện và không chịu trách nhiệm, điều này có đúng không?
Cũng có lúc bưu điện có lỗi, không ít trường hợp bưu tá chuyển không đến nơi đến chốn, nhưng trong trường hợp đó bên gửi phải chứng minh là có gửi và lỗi là do bưu điện.
Vậy theo ông, các cổ đông nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình trong những trường hợp như vậy?
Các cổ đông nên tự bảo vệ mình. Trước khi quyết định mua cổ phiếu, các nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp mình định đầu tư về tình hình sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý trong so sánh giữa các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, các nhà đầu tư cần nắm rõ những quyền mình được hưởng theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, các bạn nên có thói quen lưu giữ các tài liệu về doanh nghiệp làm bằng chứng khi phát sinh mâu thuẫn. Trong nhiều trường hợp, sự liên kết của nhóm cổ đông cũng có tác dụng đáng kể.
vneconomy
|