Thứ Sáu, 25/04/2008 10:06

"Mịt mù" dự đoán tương lai doanh nghiệp

Mùa DN tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) sắp hết, nhưng xem ra, những nhà đầu tư dài hạn không mấy hài lòng, vì nhiều DN chỉ đưa ra những kế hoạch và phương hướng hoạt động ngắn hạn. Chiến lược cụ thể không công bố, tầm nhìn chỉ giới hạn trong vòng một năm, điều này khiến các DN vô tình hướng nhà đầu tư lựa chọn quan điểm đầu tư ngắn hạn.

Thiếu cơ sở dự đoán tương lai

Trong nhiều nghị quyết ĐHCĐ, kế hoạch phát triển dài hạn hầu như không có, mà chủ yếu dừng lại ở việc thông qua kết quả kinh doanh năm 2007, mức thù lao cho HĐQT, Ban kiểm soát, trả lương cho nhân viên... và những con số tương tự cho năm 2008. Những nội dung cụ thể cho hoạt động của DN được nêu ra chỉ là phương hướng kinh doanh cho năm 2008. Không có thông tin nào trong nghị quyết thể hiện một chiến lược kinh doanh (đúng nghĩa) của DN. Những gì đưa ra họp tại ĐHCĐ chỉ đáp ứng "vừa đủ" yêu cầu của pháp luật. Trong một vài trường hợp, nghị quyết ĐHCĐ có nêu rằng, phấn đấu đến năm 2010, nâng mức thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên lên trên mức nào đó (5 triệu đồng/người/tháng chẳng hạn). Còn đến năm 2010, DN làm gì, làm như thế nào... thì chẳng ai biết!

Chúng ta, chắc hẳn đã có ít nhất một lần đọc bản cáo bạch khi DN chào sàn và cũng có ít nhất một lần đọc nghị quyết ĐHCĐ của chính DN đó. Khác biệt thì có nhiều, nhưng ở đây, chỉ xem xét sự khác biệt về việc định hướng tương lai của DN. Trong bản cáo bạch, DN thường đưa ra khá đầy đủ các hoạt động chính, kế hoạch đầu tư, doanh thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, một chiến lược kinh doanh đúng nghĩa thì nhiều DN chưa có, nói gì đến việc công bố hay không. Mặc dù vậy, nhà đầu tư (nếu giả thiết hoàn toàn tin tưởng DN) cũng có thể tạm ước định giá cổ phiếu trong tương lai rằng, nếu đầu tư vào cổ phiếu này, 3 năm hay 5 năm nữa sẽ như thế nào.

Trên thực tế, nhiều DN Việt Nam có tâm lý khiêm tốn hoặc tầm nhìn bị ảnh hưởng bởi "sương mù dày đặc", nên chỉ đặt kế hoạch doanh thu, lợi nhuận ở mức thấp. Nhà đầu tư có kinh nghiệm thường tự cộng thêm khoảng 20% vào con số kế hoạch của DN, để áng chừng ra con số cuối năm. Cái đó, một số DN gọi là "kế hoạch nội bộ". Nhưng với những nhà đầu tư mới, họ không có kinh nghiệm và cơ sở tin cậy để lượng hoá tương lai của DN, vậy việc đầu tư của đối tượng này căn cứ trên tiêu chí nào?

Theo giám đốc tư vấn một CTCK, sở dĩ các DN Việt Nam không công bố thông tin chi tiết hơn về chiến lược kinh doanh, kế hoạch dài hạn là vì luật không có quy định bắt buộc. "Thông thường, DN cũng có chiến lược kinh doanh, những kế hoạch dài hơi, nhưng chủ yếu là để mình tự biết, phần vì luật không bắt buộc công bố, phần khác vì sợ không đạt được mục tiêu, mất uy tín với cổ đông", vị giám đốc này nói.

Và những hệ quả

Trong quan điểm đầu tư, có hai cách lựa chọn là đầu tư giá trị và đầu tư tăng trưởng. Đầu tư giá trị là cách thức lựa chọn những DN đã ở giai đoạn phát triển ổn định, có tốc độ tăng trưởng thấp, nhưng có xu hướng trả cổ tức cao. Nhà đầu tư lựa chọn hình thức này chủ yếu quan tâm đến việc DN sẽ trả cổ tức bao nhiêu, thay vì quá kỳ vọng vào mức độ biến động của giá.

Ngược lại, đầu tư tăng trưởng là lựa chọn các DN có tốc độ tăng trưởng cao. Nhà đầu tư khi mua cổ phiếu loại này thường kỳ vọng vào mức tăng giá thay vì tỷ lệ cổ tức được hưởng (DN thường chia cổ tức thấp để có tiền tái đầu tư).

Với mỗi nhóm DN, nhà đầu tư sẽ tính toán và đưa ra khoảng giá chấp nhận đầu tư khác nhau, phụ thuộc vào việc nhà đầu tư đánh giá chính xác tương lai của DN đến đâu. Nếu chỉ có tầm nhìn ngắn hạn trong 1 năm, hoặc chỉ có thông tin để phân tích cho 1 năm thì những phân tích để ra quyết định mua - bán cổ phiếu sẽ đúng (nếu thuận buồm xuôi gió trong một năm đó). Nhưng sang năm tiếp theo sẽ như thế nào? Nếu đúng, nhà đầu tư có thể giữ tiếp, nhưng nếu sai, họ phải bán đi để lựa chọn danh mục mới.

Một điều cần lưu ý là, do thông tin chỉ giới hạn trong khoảng thời gian ngắn nên chẳng mấy nhà đầu tư đủ can đảm đưa ra quyết định đầu tư trong 2 -3 năm. Liệu đây có phải là một yếu tố khiến ngày càng có nhiều hơn các nhà đầu tư ngắn hạn thay vì dài hạn?

Chính việc thiếu cơ sở để đánh giá DN trong dài hạn đã dẫn đến việc nhận định sai lầm của nhà đầu tư trong thời gian vừa qua. Nhiều DN có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2007 giảm mạnh (thậm chí là con số âm) so với năm 2006 là một trong những nguyên nhân khiến giá cổ phiếu trên thị trường sụt giảm.

Về vấn đề này, giám đốc phân tích của một quỹ đầu tư nước ngoài cho biết, ở nước ngoài, ban lãnh đạo DN phải là người đưa ra kế hoạch kinh doanh trong dài hạn của DN và nhà đầu tư dựa trên cơ sở đó để định giá. Nhưng ở Việt Nam, nhà đầu tư tự đưa ra con số nhận định để định giá cổ phiếu.

Năm 2006, có DN đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận gần 200% và nhà đầu tư đã kỳ vọng DN có thể duy trì tốc độ này trong năm 2007, do đó giá cổ phiếu đã được đẩy lên rất cao. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng của năm 2007 với DN này lại là một con số âm. Việc quá khác biệt này dẫn đến tình trạng giá cổ phiếu dễ "rơi tự do" (tham khảo bảng số liệu).

Không ai hiểu DN, ngành nghề kinh doanh và tương lai của DN bằng chính ban lãnh đạo DN đó. Do đó, để tránh những cú sốc cho thị trường và giúp nhà đầu tư không bị thiệt hại, các DN cần thiết phải đưa ra những kế hoạch thực tế và dài hạn.

Để bảo vệ nhà đầu tư, nên chăng, cơ quan quản lý có hình thức khuyến các các DN niêm yết nói riêng, công ty đại chúng nói chung đưa ra những chiến lược kinh doanh và các chỉ tiêu tài chính dài hạn hơn. Có thể, tại cuộc họp ĐHCĐ, nhà đầu tư đã được nghe về những điều này, nhưng cần thiết phải có sự công bố rộng rãi bằng văn bản để đảm bảo quyền lợi của cả những nhà đầu tư mới.

Một số DN có tỷ lệ tăng trưởng EPS đột biến năm 2006 - 2007:

Tỷ lệ tăng trưởng EPS (EPSG) 
Năm 2006 Năm 2007
HAS 33% -67%
TDH -65% 79%
SFI 36% -40
DHG 57% -42%
VTC -66% 46%
NSC -65% 45%
BMC 67% -25%
DRC 1.99% -9%
HBD 110% 0%
PPC 10.77% -19%

Lưu ý: EPSG tính theo số cổ phiếu thực phát hành đến thời điểm cuối năm của DN.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   Ra mắt liên doanh Segmenta – CMC (25/04/2008)

>   5 Tổng công ty lập công ty bảo hiểm (25/04/2008)

>   Tổng Cty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) ra mắt (24/04/2008)

>   Kịp tiến độ niêm yết (24/04/2008)

>   Băn khoăn chất lượng kiểm toán! (24/04/2008)

>   CTCP CK Hà Nội : BC thường niên năm 2007 (24/04/2008)

>   CTCK Thái Bình Dương: BCTC năm 2007 (24/04/2008)

>   Cấp sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động cho CTCP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (24/04/2008)

>   Điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động cho CTCP Chứng khoán Thiên Phú (24/04/2008)

>   Xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Xây dựng điện VNECO 1 (24/04/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật