IPO ngành viễn thông: Nội ngoại cùng thèm
Với tốc độ tăng trưởng cao, viễn thông đang được đánh giá là lĩnh vực lựa chọn đầu tư có thể nói là khá tốt. Chính vì vậy, không có gì lạ khi các nhà đầu tư dồn sự quan tâm tới việc cổ phần hóa các DN viễn thông lớn nhất Việt Nam như VNPT, MobiFone, VinaPhone.
Quá trình cổ phần hóa các DN viễn thông bắt đầu từ năm 2005 sau khi được Chính phủ phê duyệt kế hoạch vào năm 2004, và lĩnh vực cổ phần hóa đầu tiên là các DN cung ứng dịch vụ có hạ tầng mạng (FBO) trong đó có VinaPhone, MobiFone và Viettel.
Mảnh đất còn nhiều màu mỡ
Với dân số trên 80 triệu người và tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm trên 8%, thị trường viễn thông Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng cho các nhà khai thác dịch vụ thông tin di động. Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng 60-70%/năm, được xếp vào nước có mức độ tăng trưởng cao trên thế giới về viễn thông di động, chỉ đứng sau Trung Quốc. Với khoảng 30 triệu thuê bao hiện có so với năng lực lên đến 50 triệu thuê bao vào năm 2010, thì thị trường Việt Nam vẫn chưa đến điểm bão hòa.
Theo kết quả được Altimo công bố, Nam Á và Đông Á sẽ là khu vực đầu tư trọng điểm trong giai đoạn 2008-2012 nhờ có nền kinh tế phát triển bền vững, số lượng thuê bao và mật độ sử dụng điện thoại di động gia tăng. Đặc biệt, Philippines, Indonesia và Việt Nam sẽ là 3 thị trường đứng đầu về đầu tư viễn thông di động trong tương lai gần.
Tiềm năng phát triển là vậy, tuy nhiên thực tế hiện nay, vấn đề công nghệ và cơ sở hạ tầng trong ngành viễn thông cũng là vấn đề dối với các DN. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng không đồng bộ với tốc độ phát triển thuê bao dẫn đến mạng bị quá tải, nghẽn mạch ở một số khu vực. Một số nơi có nhu cầu sử dụng những tiện ích của dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng. Hơn nữa để nâng cao chất lượng dịch vụ trong ngành viễn thông, để đảm bảo đáp ứng những nhu cầu tốt nhất cho người sử dụng, tiếp cận được công nghệ khoa học tiên tiến trên thế giới thì việc đầu tư xây dựng cho cơ sở hạ tầng và đầu tư công nghệ mới cũng là vấn đề mà các DN trong ngành viễn thông hướng tới.
Hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Chính nhờ tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành viễn thông mà việc IPO của ngành viễn thông thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Sau khi có thông tin cổ phần hóa Cty Viễn thông Di động (VMS), chủ sở hữu mạng MobiFone, nhiều tập đoàn viễn thông nước ngoài đã lên tiếng sẵn sàng bỏ số tiền lớn để sở hữu cổ phần của Cty này. Hãng viễn thông Pháp hiện đang "để mắt" đến MobiFone, trực thuộc "đại gia viễn thông quốc gia" Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). MobiFone dự kiến sẽ là hãng di động đầu tiên mở cửa đón nguồn vốn nước ngoài.
Việc cổ phần hoá MobilFone có ý nghĩa quan trọng, góp phần mở đường cho việc cổ phần hóa những DN khác. Tuy nhiên, đã có quá nhiều khó khăn và cả sự chậm trễ trong việc thực hiện đề án cổ phần hóa tưởng như đã đến hồi kết này.
Đến tận tháng 9/2007 vừa qua, DN này mới kết thúc việc mời thầu rộng rãi đối với việc chọn nhà tư vấn cổ phần hóa. Trong đó có 6 nhà thầu đủ điều kiện vào vòng đấu thầu tiếp theo gồm Credit Suisse, Goldman Sachs, Rothschild & Sons, UBS, Morgan Stanley và Deutsche Bank. Theo kế hoạch, nhanh nhất cũng phải cuối quý II hoặc đầu quý III/2008 mới có thể định giá IPO.
CEO Lombard của France Telecom cho biết từ nay đến năm 2012, Chính phủ Việt Nam phấn đấu đạt tỷ lệ thâm nhập của di động và cố định tăng từ 35 - 60%. Hiện họ vẫn chưa rõ 49% cổ phần trong MobiFone sẽ thuộc về France Telecom hay bất cứ đối tác nước ngoài nào. Tuy nhiên, những con số trên ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư.
Những rủi ro tiềm ẩn
Theo khảo sát về triển vọng hấp dẫn các nhà đầu tư cổ phiếu ngành hàng thì ngành Viễn thông đứng thứ ba sau ngành Tài chính - Ngân hàng và ngành Dầu khí với tỷ lệ 10,7%. Điều đó cho thấy giới đầu tư đặt khá nhiều kỳ vọng vào cổ phiếu ngành viễn thông. Tuy nhiên với sự mở cửa hội nhập kinh tế của Việt Nam hiện nay, sẽ thu hút ngày càng nhiều các DN nước ngoài bỏ vốn đầu tư, trong đó ngành viễn thông là một mảnh đất khá màu mỡ đối với các Cty này. Do vậy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai, cũng như nhiều DN Việt Nam khác, ngành viễn thông sẽ đứng trước sự cạnh tranh vô cùng gay gắt, đòi hỏi Ban lãnh đạo Cty phải có những quyết định đúng đắn và chính xác. Mặt khác, ngành viễn thông là một ngành đòi hỏi có nhiều vốn và chất xám, có giá trị sản phẩm cũng như khả năng sinh lời cao. Nhưng chính hàm lượng chất xám lại là một trong những hạn chế lớn nhất của các DN viễn thông Việt Nam hiện nay, trong khi tuổi đời công nghệ rất khắc nghiệt, nhất là trong áp lực hội nhập nêu trên.
Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh thị trường chứng khoán giai đoạn hiện nay đang ảm đạm, tâm lý nhà đầu tư hoang mang và không còn mặn mà nhiều với cổ phiếu đặc biệt là các cổ phiếu IPO lần đầu ra công chúng. Do đó mà việc IPO trong giai đoạn hiện nay sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Theo Bộ Thông tin và truyền thông, hiện hơn 10 hãng viễn thông tiềm năng, có nhiều kinh nghiệm trên thương trường quốc tế đang có ý định đầu tư vào Việt Nam.
dddn
|