Công ty chứng khoán và các giải pháp “sinh tồn”
Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn “hoài cổ”. Các công ty chứng khoán (CTCK) bắt buộc phải có những biện pháp quản trị phù hợp để có thể “gồng gánh” trong lúc tình hình kinh doanh không được như mong muốn hiện nay.
Tại bộ phận môi giới của các CTCK nhất là những Cty có quy mô vừa và nhỏ, việc tìm kiếm khách hàng đảm bảo doanh thu đã trở nên hết sức quan trọng. Tài khoản của các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư “già rơ” vẫn có tiền nhưng lại đang ở trạng thái… “chờ”.
Chính vì động thái “án binh bất động” này, hàng loạt những biện pháp nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mới trở thành một mục tiêu quan trọng. Nhưng việc “tranh mua” sau khi UBCKNN thắt chặt biên độ trong khoảng 2 tuần vừa rồi, cũng khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng trong việc giao dịch.
Anh Văn Phước, một nhà đầu tư lão luyện cho biết: “Tôi đặt mua với một khối lượng khá lớn nhưng tỷ lệ “khớp” rất thấp, tuy vậy vẫn cảm thấy … vui vì lâu lắm mới có hiện tượng như thế này”.
Hàng loạt các CTCK đã giảm phí giao dịch đến gần 50% nhằm giữ chân khách hàng, đồng nghĩa với việc doanh thu vốn đã “khó” nay lại càng bị “bó”, đồng thời việc phát triển mảng tìm kiếm khách hàng liên tục có lẽ là biện pháp khả dĩ nhất trong tình hình hiện nay.
Tại bộ phận phân tích, các chuyên viên đầu tư vẫn luôn miệt mài với những biểu đồ bảng tính để phục vụ cho công việc tư vấn khách hàng cũng như tự doanh. Rất nhiều những cổ phiếu “giá tốt, giá rẻ” được cân, đong, đo đếm với mục tiêu đầu tư dài hạn khiến cho khối lượng công việc của các chuyên viên thêm phần “căng thẳng”.
Cao Anh Tuấn, phụ trách mảng tìm kiếm các Cty tiềm năng trên thị trường OTC cho biết: “Tìm kiếm được những thông tin chính xác hiện đang rất khó khăn vì lắm kẻ “mượn gió bẻ măng”, tung hàng loạt các tin đồn thất thiệt về đội ngũ quản trị cũng như tình hình kinh doanh”.
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, rất nhiều CTCK với tiềm lực mạnh vẫn đang miệt mài lựa chọn những danh mục đầu tư hợp lý cho riêng mình, đúng như phương châm của nhà đầu tư lỗi lạc Warrant Buffet : “Khi thị trường tham lam thì ta sợ hãi – Khi thị trường sợ hãi thì ta tham lam”.
tp
|