Hoạt động kinh doanh chứng khoán: Bất an, khó thở!
Trong bối cảnh chứng khoán đi xuống, biên độ giao dịch thu hẹp… đã khiến cho nhiều công ty chứng khoán (CTCK) - nhất là những công ty mới thành lập, đang đứng trước nguy cơ thua lỗ đậm.
Gửi tiết kiệm lãi hơn
Với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, các CTCK mới có thể được thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh như môi giới chứng khoán (25 tỷ đồng), tự doanh chứng khoán (100 tỷ đồng), bảo lãnh phát hành chứng khoán (165 tỷ đồng) và tư vấn đầu tư chứng khoán (10 tỷ đồng). Nếu như hơn 1 năm trước đây, phần lãi từ hoạt động tự doanh, môi giới trở thành nguồn thu chính, thì nay, hai lĩnh vực này lại kéo nhiều
doanh nghiệp từ trên “mây” xuống “đất”, nhất là đối với những CTCK đang hoạt động chủ yếu nhờ hai hoạt động này. Hiện nay thị trường có gần 90 CTCK, trong đó có nhiều công ty có số vốn điều lệ trên 300 tỷ đồng, song cũng có những công ty chỉ vài chục tỷ đồng, thậm chí dưới 10 tỷ đồng.
Theo đại diện một CTCK, với một công ty chỉ khoảng 40 cán bộ, nhân viên, ngoài lương trả cho cán bộ trưởng các phòng ban khoảng 15 triệu đồng/tháng/người và nhân viên từ 5 -8 triệu đồng/tháng/người, chi phí thuê địa điểm khoảng 100 triệu đồng/tháng, cùng các chi phí khác (điện, khấu hao tài sản,…). tùy vào quy mô, mỗi tháng CTCK phải chi khoảng 500 triệu đồng trở lên. Nhiều CTCK lớn mức chi phí phải từ 3 đến 5 tỷ đồng. Lãnh đạo một CTCK nói vui, với số vốn điều lệ khoảng 50 tỷ đồng, hoạt động trong thời điểm èo uột thì việc kinh doanh thời điểm này không bằng gửi tiền… tiết kiệm.
Hiện nay, khi biên độ dao động giá tại hai sàn TPHCM và Hà Nội đều chỉ còn lần lượt 2% và 3%, lượng giao dịch èo uột, nhiều CTCK đua nhau giảm phí để hỗ trợ NĐT. Trong khi đó giá chứng khoán đã giảm mạnh (chỉ còn tương đương khoảng 50% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2007)… đã làm cho khoản phí môi giới của các công ty bị “co” lại đáng kể. Không công bố mức sụt giảm doanh thu từ phí môi giới, nhưng đại diện một số CTCK cho biết nếu chỉ trông chờ vào khoản phí môi giới thì rất khó khăn, bởi số tiền này đã “tụt giảm khủng khiếp” so với trước khi biên độ được siết. Các đại diện này đều cho rằng đây là thời điểm khó khăn trong hoạt động và là cơ hội để sàng lọc những công ty có chất lượng dịch vụ tốt.
Sáp nhập để chuyên nghiệp hơn
Trước sức ép về vốn, công nghệ, khả năng cạnh tranh, nhiều chuyên gia cho rằng, năm nay cũng là thời điểm cho hoạt động mua bán, sáp nhập các CTCK diễn ra sôi động. Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, nhiều CTCK đã phải bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài và nếu một đối tác nắm giữ đến gần 49% vốn điều lệ thì họ đã gần như chi phối toàn bộ hoạt động của công ty. Mục tiêu của những tổ chức nước ngoài hướng đến chính là việc cung cấp dịch vụ bảo lãnh phát hành, bởi rất ít CTCK trong nước có khả năng cung cấp dịch vụ này. Tuy nhiên, để lọt vào tầm ngắm của các tổ chức nước ngoài lại không hề dễ dàng.
Một vấn đề quan trọng đưa đến việc các CTCK đứng trên bờ vực như hiện nay là sắp tới sẽ có sự lựa chọn lại CTCK từ phía nhà đầu tư trong triển khai hình thức giao dịch không sàn. Theo thông tin mới nhất từ Sở giao dịch chứng khoán, hiện nay có 25 CTCK đủ điều kiện triển khai thử nghiệm giao dịch không sàn, con số này khá khiêm tốn so với danh sách gần 90 công ty được cấp phép hoạt động hiện nay. Như vậy mấu chốt vẫn nằm ở vấn đề công nghệ, các CTCK lớn có tiềm lực mạnh thì hoàn toàn không gặp khó khăn gì, tuy nhiên với các CTCK nhỏ mới tham gia thị trường từ đầu năm 2007 thì đầu tư một khoản tài chính lớn sẽ không dễ dàng. Vì thế, các công ty này sẽ cạnh tranh để tồn tại trong thị trường này như thế nào đang là một bài toán không đơn giản. Dạo một vòng quanh website các CTCK, nhận định của chúng tôi về dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư không có gì nổi trội, đặc biệt tình hình tuyển dụng nhân sự hiện nay rất trầm lắng.
Thật ra khái niệm dịch vụ khách hàng mới được các CTCK chú trọng từ cuối năm 2007, khi mà thị trường đi vào giai đoạn suy trầm, số lượng nhà đầu tư rút chân ra khỏi thị trường lớn. Các CTCK mới ra đời tìm đủ mọi cách để thu hút nhà nhà đầu tư, trong đó phổ biến nhất là giảm phí môi giới. Trong kinh doanh, việc giữ chân một khách hàng dễ dàng hơn gấp mười lần việc thu hút một khách hàng mới. Các “đại gia” trong ngành chứng khoán đã sớm nhận ra điều này từ cuối năm 2007. Bằng các chiêu thức hỗ trợ vốn vay, cho bán khống chứng khoán, ưu tiên tài khoản VIP và giảm phí môi giới…. Với mức phí môi giới 0,4% thì rất nhiều CTCK mới ra đời đã không có lãi, nhiều công ty ra đời từ đầu năm 2007, mỗi ngày chỉ thu được từ 2 đến 4 triệu đồng phí môi giới, với tổng chi phí hoạt động hàng tháng không dưới 250 triệu đồng thì liệu việc bù lỗ này còn kéo dài được bao nhiêu lâu nữa khi mà thị trường chưa hứa hẹn sáng sủa trong thời gian tới.
Một chuyên gia tài chính dự báo với tình hình hiện nay, viễn cảnh một số CTCK, đặc biệt là những công ty ra đời muộn, nguồn lực yếu sẽ bị sáp nhập hay thâu tóm là điều tất yếu. Đây là thời điểm khá phù hợp để các tổ chức tài chính nước ngoài chọn lựa và sở hữu một CTCK đang hoạt động tại Việt Nam, có nhiều công ty đang chào bán cổ phần cho đối tác không cao hơn mệnh giá. Một lý do quan trọng để các tổ chức tài chính nước ngoài mua lại các CTCK là thủ tục đơn giản, nhanh gọn và chi phí thấp hơn việc thành lập mới. Bên cạnh đó, các công ty này đã có sẵn nguồn lực về nhân sự và cũng đã tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm trên thị trường trong thời gian vừa qua. Về phía tổ chức tài chính nước ngoài, nhiều đơn vị đã có sẵn nguồn lực tài chính cộng với kinh nghiệm quản lý và kinh doanh trên thị trường quốc tế (điều mà các CTCK tại Việt Nam còn rất yếu), nên khi hợp tác với họ đối tác Việt Nam sẽ có được sự hậu thuẫn vững vàng.
Nghị định 14 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, đến đầu năm 2009, các công ty chứng khoán nếu muốn thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, sẽ phải đáp ứng đầy đủ về vốn pháp định là 300 tỷ đồng.
Tham gia thị trường tài chính và kinh doanh trong ngành dịch vụ được xem là cao cấp này nhưng với một “hành trang” đơn giản, không được chuẩn bị kỹ càng, nhiều CTCK rất khó giữ chân khách hàng và phát triển thị phần một cách chuyên nghiệp.
sggp
|