DN lên sàn, bộn bề trăm mối
Trong khi các đợt IPO của một số DNNN lớn được giãn ra để giảm lượng cung cho TTCK thì hiện tại có nhiều DN vẫn triển khai kế hoạch niêm yết trên HASTC và HOSE. Vẫn biết về bản chất, thị trường không bị "bội thực" khi có thêm DN niêm yết mới (trừ khi DN phát hành thêm CP), nhưng lên sàn giữa lúc thị trường ảm đạm cũng là một bất lợi cho DN. Vì sao thị trường xuống giá mà nhiều DN vẫn quyết tâm lên sàn?
Lên sàn không phải vì giá!
"Chúng tôi vẫn biết lên sàn vào thời điểm này sẽ gặp bất lợi về giá cổ phiếu, nhưng dẫu sao vẫn phải lên sàn. Thị trường sẽ tự đánh giá thực lực của DN và các cổ đông sẽ có nơi thuận lợi để chuyển nhượng CP. Từ khi CPH, chúng tôi đã tôn trọng và công khai sự minh bạch", ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tasco nói như vậy với ĐTCK trong buổi khai trương giao dịch CP HUT tại HASTC mới đây. Ông Dũng cho biết thêm, trước hay sau DN cũng niêm yết, nên niêm yết luôn để có sự ràng buộc trong công tác quản trị và có sự giám sát công khai của NĐT trên thị trường. Điều này chỉ tốt cho DN mà thôi.
Tại một DN khác, CTCP Ống thép Việt Đức (VGP), các cổ đông tỏ ra phấn khởi khi ĐHCĐ được tổ chức trong bối cảnh các sản phẩm thép được giá, khiến lợi nhuận của Công ty khá cao. Bên cạnh đó, VGP đã kịp đầu tư xây dựng xong một nhà máy sản xuất thép với giá thành hợp lý trong năm 2007, nên tiết kiệm được nguồn lực tài chính đáng kể. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc hồ sơ lên sàn của Công ty đã hoàn thiện và chờ quyết định của cơ quan chức năng thì một số cổ đông đã lên tiếng không đồng ý. Theo những cổ đông này, Công ty cũng nên chọn thời điểm lên sàn lúc giá không quá thấp để tránh gây thiệt hại cho cổ đông. "Giá CP là một phần thương hiệu của Công ty, nên nếu lên sàn vào thời điểm không thích hợp, giá được xác định quá thấp, không những cổ đông thiệt, mà tên tuổi Công ty cũng bị ảnh hưởng", một cổ đông phát biểu. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty lại có lý lẽ khác. Theo ông Lê Minh Hải, Chủ tịch HĐQT VGP thì ông rất hiểu tâm trạng của NĐT, lên sàn, giá CP thấp, các cổ đông nhỏ bên ngoài thiệt 1, thì các cổ đông lớn (trong đó có những nhà lãnh đạo DN) thiệt 2. Tuy nhiên, theo ông Hải, hoàn thành hồ sơ niêm yết cho DN tốn rất nhiều công sức, chi phí, riêng việc tìm được công ty kiểm toán được Bộ Tài chính chấp thuận đã rất khó khăn. Bên cạnh đó, Công ty chủ trương niêm yết CP với nhiều mục tiêu khác, chứ không nhằm đẩy giá CP lên cao và cuối cùng, thị trường sẽ định giá một cách chính xác nhất giá trị DN. Vì thế, VGP vẫn quyết định lên sàn sau khi có giấy phép niêm yết.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, kế hoạch lên sàn được chuẩn bị từ lâu và hiện về cơ bản cũng đã hoàn thiện về thủ tục. Trong ĐHCĐ vừa qua, các cổ đông của Ngân hàng thống nhất việc niêm yết trong 2008, tuy vậy, Ban lãnh đạo sẽ phải lựa chọn thời điểm phù hợp để đảm bảo quyền lợi của các cổ đông.
Theo thống kê của HASTC, từ đầu năm đến nay đã có 12 DN niêm yết. Hiện có 26 hồ sơ đang được HASTC xem xét cấp phép. Tại sàn HOSE cũng có 16 DN được cấp phép chuẩn bị niêm yết (theo số liệu từ www.kls.vn). Như vậy, có số lượng không nhỏ DN đang sẵn sàng lên sàn. Theo quy định hiện hành, sau khi được cấp phép, DN phải lên sàn trong khoảng thời gian 6 tháng sau đó. Hết thời hạn, giấy phép sẽ không còn hiệu lực.
Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, UBCK cho biết, việc niêm yết hay không là quyền của DN, nếu DN đủ điều kiện thì cơ quan quản lý phải cấp phép. Tuy nhiên, trong bối cảnh TTCK đi xuống, UBCK cũng khuyến cáo DN nên hạn chế lên sàn.
Chào sàn với giá nào?
Khi thị trường tăng điểm, việc chào sàn với giá cao là lựa chọn của rất nhiều DN, thì vào thời điểm thị trường suy giảm như hiện nay, thật khó để DN lựa chọn giá chào sàn. Theo quy định, giá chào sàn là giá mà tổ chức niêm yết và tư vấn dự kiến đưa ra. Có nhiều cách đưa ra mức giá này, chẳng hạn tham chiếu giá trong một vài tuần gần nhất mà CP giao dịch trên thị trường tự do. Thứ hai, có thể dựa trên giá trị sổ sách hoặc tham khảo giá đấu bình quân thành công. Tại HASTC thì DN không có giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên, còn tại HOSE thì giá tham chiếu (do DN và tổ chức tư vấn đưa ra) sẽ được điều chỉnh bởi biên độ +/- 20% cho ngày giao dịch đầu tiên.
Mặc dù đã có những cách tính cụ thể và mỗi cách tính đều có ưu, nhược điểm riêng, nhưng trong thời điểm hiện nay, việc chọn giá chào sàn của DN là không đơn giản. Tại nhiều DN, giá trị sổ sách của cổ phiếu hiện lớn hơn thị giá (giao dịch trên thị trường OTC), nên nếu chọn giá trị sổ sách làm giá chào sàn là không ổn. Chọn giá chào sàn như thế nào để vừa thể hiện được giá trị của DN, vừa bảo vệ được lợi ích của cổ đông, vừa tránh được đà trượt dài của giá cổ phiếu sau ngày niêm yết, là bài toán khó đối với những DN lên sàn trong lúc thị trường đi xuống. Tuy nhiên, thị trường sẽ dành phần thưởng cho những DN sáng suốt và dũng cảm, bởi như lời ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó giám đốc HASTC thì những DN lên sàn vào thời điểm này đã thể hiện quyết tâm lên sàn không phải để tăng giá CP, mà là để hoạt động minh bạch hơn, vì sự phát triển lâu dài của DN trong tương lai.
đtck
|