Thứ Năm, 17/04/2008 11:16

Công cụ hành chính và lý thuyết vỗ hai bàn tay

Thời gian vừa qua, NĐT trong nước, đặc biệt là NĐT cá nhân, dường như hài lòng và có xu hướng “nghiện” các công cụ hành chính của cơ quan quản lý thị trường mỗi khi TTCK “lâm bệnh”. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là, việc sử dụng công cụ hành chính để can thiệp vào thị trường như vậy, xét về lâu dài, liệu có hiệu quả hay không?

Gần 1 năm qua, TTCK đã không khỏi chóng mặt với các quyết định hành chính có ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến thị trường như Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN, Quyết định 03/2008/QĐ-NHNN, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được mua cổ phiếu mà không cần báo cáo theo quy định, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) thu hẹp biên độ dao động giá, nhằm hãm đà tụt dốc của TTCK… Được - mất như thế nào sau các động thái nêu trên, về ngắn hạn thì đã rõ.

Cái rõ đầu tiên là việc thị trường liên tục bị “sốc”. Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN được coi là gáo nước lạnh dội thẳng vào tâm lý người đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng giá. Mặc dù một số ý kiến cho rằng, nếu không có Chỉ thị 03, thị trường có thể còn “thê thảm” hơn vì hậu quả của tín dụng chứng khoán tăng nóng, không đạt chuẩn, nhưng điều mà Chỉ thị 03 để lại trong thâm tâm người đầu tư là ấn tượng về một quyết định hành chính, quá đường đột và không có lộ trình. Ngân hàng bị bất ngờ, NĐT cũng bất ngờ! Rốt cuộc, thị trường chao đảo và dấu hiệu của một sự suy thoái niềm tin bắt đầu.

Để đỡ giá cho thị trường, lấy lại sự lạc quan của nhà đầu tư, một quyết định quan trọng khác được đưa ra đó là việc cho phép SCIC vào cuộc “cứu” giá chứng khoán. Cùng với quyết định này, hàng loạt phát ngôn củng cố niềm tin thị trường của những người có trách nhiệm được công bố ra công chúng đã giúp tâm lý thị trường hồi phục, NĐT phấn chấn. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực tế, sự xuất hiện của SCIC trên TTCK ngày càng nhạt dần, hy vọng giữ và đẩy giá cổ phiếu cũng dần qua đi theo thời gian. Với cơ chế cho phép SCIC được mở nhiều tài khoản và giao dịch mà không cần tuân thủ quy định về công bố thông tin đối với cổ đông lớn, NĐT chuyển từ tâm trạng kỳ vọng sang nghi ngờ khả năng mua thật của tổ chức này. Hiểu được nghi ngờ này, ngày 21/3, UBCK có Công văn số 460/UBCK-PTTT yêu cầu SCIC phải công khai tổng giá trị và khối lượng mua bán chứng khoán hàng tuần. Nhưng đã gần 3 tuần trôi qua, hoạt động hỗ trợ thị trường của SCIC vẫn nằm trong vòng bí mật.

Mới đây nhất là việc thu hẹp biên độ dao động giá chứng khoán. TTCK “quay đầu” không vì bản chất được cải thiện sau quyết định trên, mà bởi vì đỡ sợ hơn! UBCK để lại lời ngỏ rằng: sau khi thu hẹp biên độ, chừng nào thị trường tốt lên, chúng tôi sẽ nới rộng trở lại. Sau 1 tuần TTCK không còn cảnh đi xuống, biên độ được nới ra, từ từ và tốt đẹp!

Mấy ngày nay, TTCK lại giảm. NĐT băn khoăn: không biết UBCK có thắt biên độ chặt trở lại? Theo đại diện UBCK, nếu TTCK còn tiếp tục đi xuống thì cơ quan này sẽ có biện pháp mạnh tay hơn. Tuy nhiên, mạnh tay là gì, được thực thi như thế nào, NĐT chưa ai biết được.

Đâu đó trên thị trường đã xuất hiện những nghi ngờ về tính công bằng của cơ quan quản lý trong việc áp dụng các công cụ hành chính. TTCK muốn đi lên, trước hết cần phải có hàng tốt. Tuy nhiên, chỉ có hàng hóa tốt không thôi thì chưa đủ, mà phải để cho các thành viên thị trường thấy rằng nó thực sự tốt. Bên cạnh đó, cần phải có những người có tiền, sẵn sàng tham gia đầu tư trong một môi trường an toàn, một luật chơi công bằng, minh bạch. Luật chơi phải đóng vai trò định hướng thị trường chứ không phải là chạy theo thị trường, không thể nỗ lực dùng các công cụ hành chính để “ép” thị trường.

Ngày 14/3, Ngân hàng Bear Stearn (Mỹ) được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ra tay “cứu” đã được các chuyên gia tài chính quốc tế nhận định rằng, đây là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng cho việc ngừng lại thời kỳ thả lỏng hoàn toàn TTCK cho cơ chế thị trường. Nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới Paul Samuelson đã nói rằng: điều hành một nền kinh tế không có Chính phủ hoặc thị trường thì cũng như định vỗ tay bằng một bàn tay, nhưng nếu không cẩn trọng, một cánh tay quá mạnh có thể làm “gẫy” cánh tay còn lại. 

Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, UBCK

Ngay sau khi có Công văn số 460/UBCK-PTTT gửi SCIC về việc yêu cầu công bố thông tin công khai về tổng khối lượng và giá trị giao dịch theo tuần, SCIC đã có công văn gửi UBCK, trong đó đề nghị cho SCIC xây dựng một cơ chế giao dịch riêng khi thực hiện mua bán chứng khoán nhằm can thiệp, hỗ trợ thị trường. Hiện cơ chế này đang được xây dựng để trình Chính phủ thông qua, do đó, SCIC tạm thời chưa phải thực hiện công bố thông tin.

đtck

Các tin tức khác

>   Giải trình biến động giá: Hoà cả làng! (17/04/2008)

>   Hết thời “đánh nhanh rút gọn” (17/04/2008)

>   Quý I/2008: Doanh nghiệp niêm yết ăn nên, làm ra (17/04/2008)

>   300 triệu đô la mở công ty quản lý quỹ (17/04/2008)

>   PVI: Bảo hiểm công trình với giá trị bảo hiểm 160 triệu USD (17/04/2008)

>   Đào tạo chứng khoán sẽ bài bản hơn (16/04/2008)

>   KHA: Báo cáo thường niên 2007 (17/04/2008)

>   NKD: TB ngày đăng ký cuối cùng cho việc họp ĐHCĐ (16/04/2008)

>   KDC: TB ngày đăng ký cuối cùng cho việc họp ĐHCĐ (16/04/2008)

>   TPC: Gia hạn thời gian nộp BCTC và TB họp ĐHCĐ 2008 (16/04/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật