Thứ Năm, 17/04/2008 11:14

Giải trình biến động giá: Hoà cả làng!

Trong thời gian qua, trên Bản tin Thị trường chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) đăng thông tin giải trình của gần 20 công ty niêm yết trên sàn HOSE về 5 phiên giảm sàn liên tiếp (bắt đầu từ ngày 18/3/2008). Việc yêu cầu các công ty niêm yết giải trình xuất phát từ thực tế những chuyển động khác thường của một vài CP trên thị trường.

Những biến động khác thường như: lên trần liên tục hay giảm sàn liên tục, ngược dòng so với các CP khác thường là cơ sở cho những hành vi thao túng giá CP. Theo Thông tư số 38/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính, những CP của công ty niêm yết nào tăng trần hoặc giảm sàn liên tục trong 5 phiên thì công ty đó phải có thông báo giải trình cho HOSE. Việc yêu cầu các công ty niêm yết phải giải trình là một biện pháp cảnh báo để các NĐT không bị mua, bán theo phản ứng dây chuyền, qua đó có thể bảo vệ quyền lợi cho họ. Nhưng không phải sự giải trình nào cũng là cần thiết, nhất là đối với một thị trường đang chịu tác động chủ yếu của quy luật cung - cầu như hiện nay?

Áp dụng máy móc

Nhân viên phụ trách công bố thông tin của một công ty niêm yết cho biết, việc giải trình 5 phiên giảm sàn liên tục trong thời điểm vừa qua là theo yêu cầu của HOSE gửi xuống nên công ty chấp hành, chứ thực tế công ty đã có một trang web liên tục  cập nhật thông tin mới. Trong tháng 3/2008, công ty cũng đã công bố kết quả kinh doanh những tháng đầu năm trên Bản tin của HOSE. Khi thị trường chuyển động bình thường, nếu giá CP của công ty có những chuyển động khác thường, lên trần hoặc giảm sàn liên tục… chính bản thân công ty cũng muốn các cơ quan chức năng hay giới truyền thông đưa tin về tình hình sản xuất - kinh doanh của công ty. Nhưng vào thời điểm như hiện nay thì thật sự là không cần thiết và yêu cầu của HOSE là quá máy móc. 

Không cần phải phân tích nhiều thì các NĐT cũng đều biết, nguyên nhân chính của việc giảm giá liên tục trên thị trường vừa qua là sự bán ra với khối lượng lớn CP của các tổ chức đầu tư và tổ chức đang cầm cố chứng khoán. Do sự chênh lệch quá lớn về cung - cầu nên hầu hết giá CP của các công ty niêm yết đều nằm trong tình trạng suy giảm chung. Sự suy giảm này chỉ khác nhau ở chỗ là có CP thì giảm sàn, có CP thì giảm gần sàn. Có CP thì 3-4 phiên giảm sàn, 1 phiên không giảm sàn… Hình thức có thể không giống nhau nhưng về bản chất đều là cùng nhau suy giảm. Nếu  giải trình, có lẽ đến gần 150 công ty niêm yết trên HOSE phải giải trình. Vì vậy mà những giải trình vì lý do 5 phiên giảm sàn liên tục thật sự là không cần thiết trong thời điểm hiện nay. Nhiều NĐT cho rằng, chuyện lên xuống của giá CP trong thời gian qua không liên quan gì nhiều đến tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu đã không liên quan thì ai cần đến những thông tin giải trình của doanh nghiệp.

Cần sửa đổi quy định

Một điều đáng nói nữa là vừa qua, những giải trình của các công ty giảm giá sàn lại được đưa ra vào thời điểm hầu hết giá CP niêm yết trên cả 2 sàn đều đang tăng trần, với gần 10 phiên liên tục, sau khi UBCK giảm biên độ dao động giá xuống còn 1% và 2%. Như vậy, nếu xét về mặt thông tin thì đã trở nên lỗi thời và hoàn toàn không cần thiết đối với NĐT. Việc yêu cầu phải giải trình của HOSE là theo quy định pháp luật nhưng khi áp dụng lại không phù hợp với các hoàn cảnh thực tế hiện nay. Nếu các quy định này vẫn tiếp tục được áp dụng sẽ gây phiền hà cho các tổ chức thực hiện mà không mang lại hiệu quả về mặt thông tin trên thị trường.

Với thực tế thị trường hiện nay, có lẽ cần phải bổ sung vào Thông tư  38 một số nội dung như: thời điểm như thế nào thì các công ty niêm yết có giá CP tăng trần hoặc giảm sàn liên tục 5 phiên mới cần thiết phải giải trình; nội dung giải trình được quy định cụ thể như thế nào; giải trình về tình hình sản xuất - kinh doanh của công ty hay lý do vì sao CP tăng trần, giảm sàn trong 5 phiên. Những bản giải trình vừa qua cho thấy không có sự thống nhất này. Có công ty thì đưa tình hình sản xuất -kinh doanh, có công ty thì lý giải do quy luật cung - cầu, có công ty thì cải chính tin đồn…

Một nhà đầu tư trên sàn Agriseco còn cho rằng, hiện nay là mùa ĐHCĐ, hầu hết các NĐT đều biết khá rõ về tình hình sản xuất - kinh doanh của công ty thông qua cuộc họp và Nghị quyết đại hội được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc đưa những giải trình như cách các công ty niêm yết đã làm là không cần thiết. Không biết, sau khi giảm biên độ dao động giá xuống 1-2%,  hầu hết các CP trên sàn đều tăng trần 5 phiên liên tục, các công ty niêm yết có phải giải trình không? Nếu vẫn là bắt buộc, chắc Bản tin của HOSE sẽ không còn chỗ vì nhiều giải trình quá! 

đtck

Các tin tức khác

>   Hết thời “đánh nhanh rút gọn” (17/04/2008)

>   Quý I/2008: Doanh nghiệp niêm yết ăn nên, làm ra (17/04/2008)

>   300 triệu đô la mở công ty quản lý quỹ (17/04/2008)

>   PVI: Bảo hiểm công trình với giá trị bảo hiểm 160 triệu USD (17/04/2008)

>   Đào tạo chứng khoán sẽ bài bản hơn (16/04/2008)

>   KHA: Báo cáo thường niên 2007 (17/04/2008)

>   NKD: TB ngày đăng ký cuối cùng cho việc họp ĐHCĐ (16/04/2008)

>   KDC: TB ngày đăng ký cuối cùng cho việc họp ĐHCĐ (16/04/2008)

>   TPC: Gia hạn thời gian nộp BCTC và TB họp ĐHCĐ 2008 (16/04/2008)

>   ASP: TB ngày đăng ký cuối cùng cho việc chi trả cổ tức năm 2007 (16/04/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật