Thị trường đang thanh lọc
Tăng giảm xen kẽ và chưa có dấu hiệu hồi phục mạnh là nhìn nhận của ông Nguyễn Đức Hiếu, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế (VIS) về xu hướng thị trường trong ngắn hạn. Theo phân tích của chuyên gia này, những diễn biến tài chính của năm 2006 - 2007 là bất thường và sẽ không lặp lại, song thị trường khó khăn cũng là lúc NĐT có thể phán đoán, suy xét lại thực lực cũng như khả năng phát triển của DN niêm yết, để từ đó ra quyết định phù hợp, chuẩn xác hơn.
Tại sao ông cho rằng, trong thời điểm này nên có nhìn nhận, đánh giá lại về DN?
Năm 2006 - 2007 cá nhân tôi cho rằng, thị trường tài chính có những điều kiện thuận lợi bất thường, một mặt DN có lợi thế chưa từng có trong việc tiếp cận với các nguồn vốn rẻ, các kênh huy động vốn ngoài ngân hàng, việc tăng vốn ồ ạt vô cùng dễ ở nhiều DN. Cũng chính vì DN dễ dàng tiếp cận vốn như vậy, các ngân hàng trở nên dễ dãi hơn trong việc cho vay, kết quả là tốc độ tăng trưởng tín dụng kỷ lục, trong khi khả năng kiểm soát rủi ro còn hạn chế.
Huy động vốn dễ, nhưng DN dùng như thế nào? Nhiều DN dùng để phát triển sản xuất - kinh doanh nhưng cũng có DN đổ vào đầu tư tài chính và BĐS. Lợi nhuận của một số DN bị bóp méo, hoạt động kinh doanh thay đổi mức độ tập trung, thay đổi cơ cấu lợi nhuận.
Qua báo cáo tài chính của DN trong năm 2007 và quý I, quý II năm nay, NĐT có thể thấy DN thực sự khỏe mạnh hay có vấn đề, chẳng hạn những DN có tỷ lệ vay nợ lớn hơn tổng tài sản, lớn hơn vốn thì trong năm nay sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều; chi phí vay đội lên khiến khả năng duy trì lợi nhuận là rất khó khăn.
Nghe như vậy thì dường như năm nay sẽ quá khó khăn với DN?
Không hẳn như vậy, điều này còn phụ thuộc DN thuộc nhóm ngành nào và tính chất ảnh hưởng từ những chính sách vĩ mô cũng như năng lực quản trị của bản thân DN. Đơn cử như ngành ngân hàng, thu nhập chính vẫn là từ dịch vụ tín dụng thì có thể thấy khá rõ rủi ro ở 2 điểm, chí phí đầu vào (lãi suất huy động cao), chi phí phát sinh từ nợ xấu tăng cao có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận. Hay ngành bất động sản chẳng hạn, chi phí đội lên, đầu ra lại bị hạn chế, thì lợi nhuận cũng ít tín hiệu lạc quan. Tuy vậy, vẫn có những DN tận dụng rất tốt cơ hội tăng vốn bằng cách mở rộng ngành hoạt động chủ lực, gia tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường như chế biến hàng xuất khẩu, khai thác khoáng sản, sản xuất nguyên vật liệu, xây dựng cơ sở hạ tầng...
Ông nói la, NĐT cần hết sức chú ý vào báo cáo tài chính để nhận biết DN nào khó khăn trong năm nay, nhưng khả năng phân tích của NĐT cá nhân lại rất hạn chế, vậy cần làm gì để cải thiện tình trạng này?
Thời điểm này chính là lúc thể hiện vai trò của các CTCK. Lâu nay việc đầu tư cho đội ngũ phân tích còn hạn chế, chính vì vậy thông tin các CTCK cung cấp cho NĐT hoặc NĐT tìm kiếm được ở các CTCK thường na ná nhau, và phần đông đây chỉ là thông tin được truyền tải lại từ DN, từ cơ quan quản lý thị trường. Trong khi theo thông lệ ở các nước, CTCK phải là đầu mối cung cấp thông tin chất lượng hơn. Nếu như từ các bản báo cáo tài chính, CTCK chỉ được cho mọi người là chúng tôi hiểu cơ cấu DN đầu tư thế này, dựa trên phán đoán của chúng tôi, DN sẽ phát triển thế nào trong 6 tháng - 1 năm tới, thì đó mới là thông tin NĐT cần. Để làm được điều này, có thể NĐT cũng phải nhận thức rằng, thông tin cần được trả bằng tiền thay vì dùng miễn phí, để được công chúng đánh giá chất lượng thông tin cũng không thể ngày một ngày hai và CTCK cần đầu tư ban đầu rất lớn.
Giá cổ phiếu của DN đang ở mức nào sẽ được phản ánh rõ nét nhất qua kết quả sản xuất - kinh doanh của năm 2008, trước mắt là quý I, quý II/2008 chứ không phải dựa trên kết quả của năm 2007. Sẽ có DN giá cổ phiếu còn giảm tiếp chứ chưa nói đến phục hồi, vì vậy cần thiết khuyến khích các DN niêm yết đưa thông tin sớm, minh bạch hơn.
Vậy tác động từ chính sách quản lý cần được nhìn nhận ra sao và ông có ý kiến gì nếu được khuyến nghị về điều này?
Như đã phân tích, thị trường như hiện nay cũng có căn nguyên của nó, vì thế cơ quan quản lý nên yêu cầu DN niêm yết công bố nhiều thông tin hơn, chi tiết hơn về khoản đầu tư cũng như lợi nhuận của họ. Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua có tác dụng làm cho DN phải cân nhắc kỹ hơn quyết định đầu tư, không tạo ra thói quen xấu cho DN là họ có thể dùng tiền của NĐT vô trách nhiệm, nhưng mức lãi suất đó không có lợi cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, mặt bằng lãi suất cho vay cao như hiện nay cần phải được giảm xuống, nếu không DN thực sự rất khó khăn.
đtck
|