Lilama tích cực mở rộng hợp tác với nước ngoài
Chưa thỏa mãn với mạng lưới đối tác gồm hàng trăm tập đoàn, công ty đa quốc gia của Mỹ, Anh, Nhật, Đức, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đang tích cực triển khai kế hoạch hợp tác với một đối tác Nga để thành lập công ty lắp máy xây dựng.
Bên cạnh đó, Lilama còn đang gấp rút thành lập văn phòng đại diện ở những thị trường tiềm năng và tăng cường hoạt động quảng bá sản phẩm tại một số thị trường mới ở khu vực Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ Latinh, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực lắp đặt, chế tạo thiết bị cho các dự án công nghiệp lớn và làm tổng thầu EPC nhiều dự án điện, xi măng, lọc dầu, đến nay Lilama đã có hơn 10 nhà máy cơ khí ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với năng lực chế tạo đạt hơn 150.000 tấn thiết bị/năm. Ở nhiều dự án lớn như xi măng Sao Mai, Nghi Sơn, Bút Sơn, nhiệt điện Uông Bí, Na Dương, Vũng Áng, khối lượng thiết bị do Lilama chế tạo chiếm gần 50%. Gần đây, Lilama còn xuất khẩu nhiều sản phẩm cơ khí ra nước ngoài với tổng giá trị hợp đồng gần trăm triệu USD. Hiện Lilama đang có kế hoạch chế tạo tua bin, máy phát cho các dự án thủy điện có công suất dưới 300 MW và dây chuyền thiết bị đồng bộ cho các nhà máy xi măng.
Không dừng ở lĩnh vực cơ khí chế tạo, doanh nghiệp này còn tham vọng đảm đương cả việc xây dựng hoàn chỉnh các nhà máy sản xuất điện, xi măng và thép, như lời Tổng giám đốc Phạm Hùng từng tâm sự. Năm nay, Lilama quyết định đầu tư hơn 4.160 tỷ đồng cho kế hoạch này, tăng trên 57% so với năm 2007. Lilama đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để chuẩn bị khởi công xây dựng một số nhà máy lớn như Nhiệt điện Vũng Áng 1, Xi măng Đô Lương.
Khẳng định năng lực sản xuất của Lilama, song Phó Tổng giám đốc Vũ Văn Định cũng thẳng thắn thừa nhận khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế, nhất là khi tham gia đấu thầu quốc tế do chi phí nhân công và lắp đặt cao hơn một số nhà thầu nước ngoài.
Để khắc phục hạn chế này, trong năm 2007, Lilama đã thành lập 4 công ty tư vấn quản lý, triển khai dự án và thiết kế chuyên ngành trong các lĩnh vực điện, xi măng, lắp máy nhằm giảm chi phí quản lý và tăng năng suất lao động trong quá trình thi công.
Trong chiến lược phát triển thành tập đoàn công nghiệp xây dựng mạnh, hoạt động đa ngành nghề vào năm 2010, cùng với việc tiếp tục đầu tư vào các dự án điện, xi măng, đóng tàu, cơ khí chính xác, Lilama còn có kế hoạch mở rộng hoạt động sang lĩnh vực đầu tư tài chính bằng việc mua cổ phần của các ngân hàng và công ty tài chính hoạt động hiệu quả./.
ttxvn
|