Không buộc giao dịch thỏa thuận cổ phiếu giải chấp
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chiều qua đã có công văn đề nghị các công ty chứng khoán thực hiện giao dịch thỏa thuận đối với cổ phiếu giải chấp, không đưa vào hệ thống khớp lệnh nữa, đồng thời hạn chế bán tự doanh. Đại diện Sở Giao dịch chứng khoán khẳng định không bắt buộc thực hiện.
Công văn của Ủy ban Chứng khoán cũng nêu rõ là đề nghị các công ty chứng khoán phối hợp với Sở giao dịch chứng khoán TP HCM và Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội thực hiện.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Hải Trà, Ủy viên thường trực Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) nhận định, các cổ phiếu giải chấp khi bán ra thị trường với số lượng lớn sẽ gây nên những tác động tiêu cực. Nhiều nhà đầu tư hoảng sợ vì thấy có quá nhiều lệnh bán được tung ra. Do đó, việc chuyển cổ phiếu giải chấp sang giao dịch thỏa thuận nhằm mục đích tránh tình trạng bán tháo ồ ạt. Khi nguồn cung đã "hãm phanh" lại, áp lực của thị trường cũng sẽ giảm đi.
Tuy nhiên, ông Trà cũng nhấn mạnh, văn bản của Ủy ban chứng khoán chỉ đơn thuần là "lời đề nghị" các công ty chứng khoán hỗ trợ khi thị trường gặp khó khăn, chứ không mang tính bắt buộc phải thực hiện.
Nhận định phiên giao dịch sáng nay, ông Trà cho biết thêm, thông tin hạn chế bán tự doanh cổ phiếu giải chấp đã có những tác động khác nhau. Trên sàn, các nhà đầu tư chia ra 3 nhóm: bán, mua, không bán không mua. Sáng nay, nhóm bán vẫn quyết định đẩy hàng, trong khi bên mua và những người ở nhóm 3 chủ yếu quan sát. Chính vì vậy, Vn-Index vẫn tiếp tục giảm.
Giám đốc HOSE Trần Đắc Sinh cho rằng "chỉ giao dịch thỏa thuận cổ phiếu giải chấp" là thông tin tốt cho thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua và người bán, tránh tình trạng bán tháo. Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ mua thỏa thuận với những nhà đầu tư cần bán với số lượng lớn.
Còn Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn Nguyễn Duy Hưng thì nhận định, khi thị trường đuối, các công ty chứng khoán sẽ hỗ trợ bằng cách ngừng bán cổ phiếu giải chấp trong phiên khớp lệnh mà chuyển sang giao dịch thỏa thuận, hạn chế bán tự doanh để giảm sức ép lên thị trường. "Tuyệt nhiên không nên ngăn cấm việc bán ra của những tổ chức này, chẳng khác nào cấm hẳn hoạt động kinh doanh của họ", ông Hưng nói.
Trong khi đó các nhà đầu tư trên sàn tỏ ra phấn khởi, cho rằng việc không cho các công ty chứng khoán bán cổ phiếu giải chấp vào phiên khớp lệnh sẽ giúp hạn chế lượng hàng xả ồ ạt, Vn-Index sẽ hồi phục.
Anh Tùng, nhà đầu tư trên sàn Cao Su vào đầu phiên hôm nay đã khẳng định chắc nịch: "Vn-Index sẽ tăng điểm, đợt 1 thị trường chưa diễn biến gì, phải sang đợt 2, đợt 3 mới ra ngô ra khoai". Tuy nhiên diễn biến giao dịch hôm nay chỉ nửa phiên đầu là đúng như anh dự đoán, sau đó đảo chiều.
Tham gia đầu tư chứng khoán đã lâu, anh Việt trên sàn Bảo Việt lại có ý kiến khác. Theo anh, việc hạn chế công ty chứng khoán xả hàng trong khớp lệnh mà chuyển sang giao dịch thỏa thuận chỉ là giải pháp tình thế. Trên thực tế các công ty tự doanh, ngân hàng cũng cần đẩy hàng, cắt lỗ.
Anh Việt nhận định, SCIC có thể can thiệp ở những thời điểm nóng, mua vào khi Vn-Index xuống thấp, bán ra lúc chứng khoán tăng cao nhằm bình ổn thị trường. Anh nói: "Không để cho chứng khoán có những phiên tăng trần rồi sau đó đỏ sàn liên tục". Vn-Index tốt nhất chỉ nên dao động tăng giảm 5 đến 7 điểm là vừa, động thái này theo anh Việt sẽ đảm bảo thị trường ổn định lâu dài hơn.
vne
|