Giờ là thời điểm để đầu tư dài hạn cổ phiếu?
Thời điểm để đầu tư dài hạn Giá cổ phiếu (CP) trên sàn Hà Nội hiện đã ở mức "đáy" cho nên khó có thể xuống sâu hơn. Khối lượng giao dịch (KLGD) cũng như biên độ dao động trong những phiên gần đây cho thấy thị trường đang điều chỉnh quanh mốc 200 điểm để tích lũy đi lên. Các chuyên gia cho rằng thời điểm này nhà đầu tư (NÐT) nên thận trọng trước khi đầu tư, hạn chế "lướt sóng" và nên hướng tới mục tiêu dài hạn.
HASTC - Index trở về "đáy"
Liên tiếp trong vòng nửa đầu tháng 3, HASTC - Index hai lần xuống dưới ngưỡng 200 điểm. Ðà suy giảm của thị trường kéo dài từ cuối tháng 10-2007 đến nay đã lấy mất của sàn Hà Nội gần 300 điểm. Ðặc biệt, từ sau Tết Mậu Tý đến nay, thị trường rơi rất nhanh khiến giá của hầu hết CP giảm xuống chỉ còn một nửa so với thời kỳ đỉnh cao hồi tháng 9-2007. Trong hai tuần giao dịch gần đây nhất, HASTC - Index điều chỉnh quanh mốc 200 điểm, kịch bản chung là khi thị trường giảm sâu, bỏ xa ngưỡng 200 điểm thì có một, hai phiên tăng nhẹ, sau đó lại giảm. KLGD trong các phiên thị trường tăng điểm luôn ít hơn những phiên thị trường giảm mạnh (ngoại trừ ba phiên do ảnh hưởng của thông tin Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước mua CP nhằm hỗ trợ thị trường).
Ðiều này cho thấy, thị trường vẫn còn nguyên những dấu hiệu bất ổn khiến niềm tin của NÐT xuống mức rất thấp. KLGD và HASTC - Index luôn ở thế đối nghịch nhau chỉ nói lên một điều NÐT vẫn đang xả hàng và "lướt sóng" mạnh. Trong khi đó khối NÐT nước ngoài, các tổ chức vẫn giao dịch ở mức hạn chế mặc cho giá CP xuống thấp. Trong phiên giao dịch ngày 18-3, mặc dù HASTC-Index tụt dưới 200 điểm nhưng KLGD cũng không thật sự cao, chỉ hơn 7 triệu CP. Tại các sàn giao dịch, nhiều NÐT vẫn tiếp tục chờ đợi giá CP xuống thấp hơn nữa mới mua vào bởi kinh nghiệm từ một vài đợt "sóng nhỏ" cho thấy NÐT có thể có lãi chút ít khi mua vào trong những phiên giá CP xuống thấp nhưng sau khi tăng một, hai phiên, giá lại giảm hơn khá nhiều.
Tại sàn giao dịch Công ty chứng khoán VN Direct, ông Quang, một NÐT lâu năm trên sàn Hà Nội cho hay: Tôi phải "dò" thông tin ở các nguồn xem lượng hàng xả ra đã thật sự lớn, giá CP đã sát "đáy" hay chưa mới quyết định mua vào. Với kiểu thị trường giảm mạnh như hiện nay, mua sớm một vài phiên là khó có thể "lướt sóng" kịp. Một NÐT khác trên sàn giao dịch của Công ty chứng khoán Bảo Việt thì cho rằng: Thời điểm này, không gì quý bằng tiền mặt. Lỗ một ít đẩy hàng đi để đợi phiên giá xuống thật sâu còn hơn ôm lại, mỗi hôm HASTC - Index mất gần 10% thì xót lắm!
Về giá CP, trong đó có các blue-chip, các dấu hiệu gần đây cho thấy ngoại trừ ACB vẫn trồi sụt ở mức dưới 110.000 đồng/CP, phần lớn các CP trên sàn Hà Nội có thể còn tiếp tục rớt. Cụ thể, giá của các "đại gia" gây "sốt" trên sàn một thời như BVS, PAN, VC2, PVE, PVI, PVS, SVC, VSP, SCJ, KBC... hay các CP "nhà" Sông Ðà như S99, SD7, SDA, S91, SD5, SJE, SJC... giờ đã xuống quá nửa so với thời đỉnh cao. Hiện nay, giá của BVS chỉ còn dưới 110.000 đồng/CP. S99 cũng đang "chập chờn" ở mức 130.000 đồng/CP, HPC gần 50.000 đồng/CP. NTP, PAN cùng xấp xỉ 70.000 đồng/CP, PVI chỉ còn 50.000 đồng/CP (thời điểm đấu giá hơn 70.000 đồng/CP). "Ảm đạm" hơn là PVE chỉ còn 35.000 đồng/CP (trong khi chào sàn cuối năm 2007 hơn 130.000 đồng/CP). CP "hiếm" một thời là SDA sau khi lên hơn 300.000 đồng/CP, SD7 sau khi lên hơn 400.000 đồng/CP nay cũng trở về mức 80 - 90.000 đồng/CP...
Nhà đầu tư còn e ngại
Anh Hiếu, một NÐT có thâm niên hai năm giao dịch trên sàn Hà Nội rút ra kinh nghiệm: Sàn Hà Nội thực ra chỉ dành cho những "đại gia" vốn lớn, nắm bắt nhiều thông tin và biết "lướt sóng" kịp thời. Giá CP trên sàn Hà Nội phụ thuộc quá nhiều vào giao dịch của nhóm NÐT này cũng như các CP blue-chip. Kinh nghiệm cho thấy, hễ blue-chip trên sàn Hà Nội tăng giá thì kéo theo các mã khác bởi NÐT nhỏ khó có thể mua được CP blue-chip, CP hiếm vì KLGD khá lớn nên đành mua các CP còn lại. Khi thị trường đi xuống, chỉ cần những CP lớn có dấu hiệu quay đầu là đa số CP trên sàn đua nhau giảm. Do vậy, dù sàn Hà Nội có biên độ dao động lớn (10%) nhưng trong thời gian qua, phần lớn NÐT đều thua thiệt, ít người hiện thực hóa được lợi nhuận sau những lần thị trường tăng mạnh. Trong khi đó, tính thanh khoản của CP trên sàn này lại thấp nên độ rủi ro khá lớn. Mặt khác, do lạm phát tăng quá cao nên nếu có lãi thì tính ra vẫn lỗ.
Thời điểm này, dù giá CP trên sàn Hà Nội được cho là gần chạm "đáy" nhưng nhiều NÐT vẫn có cái nhìn ái ngại, lo lắng về tính rủi ro của nhiều CP trên sàn. Anh Hồ Ngọc Việt Cường, Trưởng phòng phân tích, Công ty chứng khoán SHS nhận xét: Trong năm 2007, giá CP nhóm Sông Ðà, dầu khí và nhiều CP khác trên sàn Hà Nội được đẩy lên quá cao, khi chào sàn giá cũng được đưa ra với kỳ vọng rất lớn. Ðặc biệt là những CP bất động sản, thời điểm này đang cho thấy dấu hiệu quá mệt mỏi, khó phục hồi vì giá nguyên liệu đầu vào tăng quá mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết. Ðiều này, về cơ bản NÐT phải chấp nhận khi quyết định mua vào giá cao trong năm 2007 bởi thời điểm đó thị trường có kỳ vọng rất lớn vào những CP này. Ðương nhiên, tiềm năng sinh lời nhiều cũng đi liền với rủi ro.
Trong năm vừa qua, nhiều công ty niêm yết trên sàn Hà Nội nhiều lần phát hành CP tăng vốn trong khi vốn điều lệ chỉ trên dưới 20 tỷ đồng. Nói cách khác, doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào tiền đi vay, tiền huy động của cổ đông nên trong bối cảnh lạm phát gia tăng, giá CP đi xuống thì thua thiệt trước hết thuộc về NÐT. Vậy nhưng, thời gian gần đây, khi thị trường không sáng sủa, rất nhiều công ty vẫn phát hành CP tăng vốn, CP thưởng hoặc chia cổ tức bằng CP. Theo một chuyên gia, sở dĩ nhiều doanh nghiệp phát hành thêm CP tăng vốn, chia cổ tức bằng CP là do thời gian qua hoạt động chủ yếu bằng tiền vay ngân hàng, huy động của cổ đông nên hiện tại khả năng tài chính có hạn, bắt buộc phải phát hành thêm CP. Mặt khác, thời gian này là "mùa" đại hội cổ đông và kế hoạch phát hành thêm CP đã được thống nhất từ nhiều tháng trước. Tuy nhiên, dù vì lý do gì thì tình trạng trên càng làm cho nguồn cung của thị trường nhiều thêm, đồng nghĩa với sức cầu thêm yếu đi, giá CP vốn đã rẻ càng rẻ hơn.
Vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý giám sát việc sử dụng vốn huy động của cổ đông như thế nào để bảo đảm tính minh bạch? Anh Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó Giám đốc Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội cho rằng: Phát hành thêm CP phụ thuộc vào kế hoạch huy động vốn của doanh nghiệp cũng như đã được các cổ đông nhất trí. Việc doanh nghiệp huy động vốn để phục vụ dự án mở rộng sản xuất kinh doanh là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, trong thời điểm này, các công ty niêm yết cần cân nhắc bởi có thể việc phát hành thêm CP sẽ không thành công (không đạt khối lượng vốn huy động dự tính) do NÐT chưa thể mua hết. Vừa qua, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng đã có văn bản khuyến nghị các công ty niêm yết cân nhắc, tạm ngừng phát hành thêm CP để giãn nguồn cung cho thị trường, đến khi thị trường hồi phục Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẵn sàng chấp thuận cho doanh nghiệp phát hành thêm. Ðiều này sẽ bảo đảm quyền lợi cho cả NÐT lẫn doanh nghiệp. Ðánh giá về xu hướng thị trường, anh Trung cho rằng đây có thể là thời điểm thích hợp để NÐT mua vào theo chiến lược dài hạn. Thực tế tuần qua khối NÐT nước ngoài cũng mua vào nhiều hơn bán ra. Thời điểm này, NÐT cần bình tĩnh, tránh bán tháo CP rồi những phiên sau khi thị trường tăng lại mua vào ở giá trần bởi có thể thấy giá của hầu hết CP trên sàn Hà Nội đã ở mức quá thấp. Ðây thật sự là giai đoạn đấu trí, "cuộc chiến" tâm lý giữa các NÐT. Thời gian qua, sức ép chủ yếu đến với các NÐT bằng vốn vay, không có tiềm năng tài chính thật sự nên chịu nhiều rủi ro khi thị trường biến động. Thị trường xuống thấp cũng là lúc để NÐT nhìn nhận lại chiến lược của mình.
Nhân Dân
|