Đố ai học được...chữ ngờ
Hàng loạt nhà đầu tư đòi rút tiền, đòi bồi thường thiệt hại, nhiều doanh nghiệp lao đao sau khi đấu giá cổ phần... “Thủ phạm” gây ra vấn đề trên bắt nguồn từ một điểm bất hợp lý tại Thông tư 146/2007/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 109/2007/NĐ-CP và Công văn số 768/BTC-TCDN ngày 18/01/2008 (cả hai văn bản trên đều của Bộ Tài chính). Hay nói cách khác, một quy định tại công văn trên đã khiến nhiều nhà đầu tư đã đấu giá và đóng tiền mua cổ phiếu bị “hớ” khi doanh nghiệp được xác định giá trị lại theo hướng tăng thêm và số cổ phần mà họ sở hữu bị loãng ra...
Trước khi thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu, các doanh nghiệp đều công bố bản công bố thông tin và giá khởi điểm. Về cơ bản, nhà đầu tư căn cứ vào đó để quyết định đặt giá mua vì đã tin tưởng vào việc xác định giá trị doanh nghiệp và tiềm năng của phát triển của doanh nghiệp. Vậy nhưng, Thông tư 146 và Công văn 768 lại quy định, đối với các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá theo Nghị định 109 đều phải tính giá trị lợi thế vị trí địa lý, giá trị thương hiệu; trong đó, trường hợp đã hoàn tất bán đấu giá cổ phần thì sẽ điều chỉnh giá trị doanh nghiệp, vốn nhà nước (bao gồm cả giá trị lợi thế vị trí địa lý, giá trị thương hiệu) vào thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Trường hợp đang trong quá trình thực hiện bán đấu giá cổ phần (đã nhận tiền cọc của nhà đầu tư chờ ngày đấu giá chính thức) thì tạm dừng việc bán đấu giá bán cổ phần theo phương án đã công bố để thực hiện xác định lại giá trị doanh nghiệp, điều chỉnh phương án cổ phần hoá (kể cả giá khởi điểm của cuộc đấu giá). Do đó, các doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp trước ngày 2/1/2008 - thời điểm Thông tư 146 có hiệu lực, không phải xác định lại giá trị doanh nghiệp nhưng phải xây dựng phương án cổ phần hoá, bán cổ phần theo hướng tính thêm lợi thế vị trí và thương hiệu.
Mâu thuẫn đã nảy sinh vì nhiều nhà đầu tư lý luận rằng, chỉ căn cứ bản công bố thông tin đã công bố, họ mới đặt giá mua cổ phần. Nếu tính bổ sung giá trị lợi thế vị trí địa lý, giá trị thương hiệu vào giá trị doanh nghiệp (thì sẽ làm loãng giá trị doanh nghiệp, số cổ phần tăng thêm) thì có thể các nhà đầu tư không đồng ý mua với giá đã trả...
Hàng loạt nhà đầu tư và doanh nghiệp “gặp phải” vấn đề này như: Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH 1 thành viên Giám định Cà phê và Hàng hoá nông sản XNK, Công ty Tư vấn Xây dựng thuỷ lợi Việt Nam... Riêng tỉnh Ninh Thuận đã có 4 doanh nghiệp “vướng” vấn đề này (3 doanh nghiệp có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp sau 1/8/2007, 1 doanh nghiệp công bố trước 1/8/2007) và đã tổ chức bán cổ phần, nhưng đều không bán hết cổ phần lần đầu do nhiều nhà đầu tư từ chối mua, mặc dù đã nộp tiền. Thực trạng này khiến cho nhà đầu tư thì “kêu trời”, doanh nghiệp thì loay hoay chưa biết tìm hướng gỡ khó.
Ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Giám định cà phê và Hàng hoá Nông sản XNK cho biết: “Công văn 768 đã đẩy doanh nghiệp vào tình huống hết sức khó xử. Bởi tất cả các điều kiện và thủ tục trước khi tiến hành cổ phần hoá doanh nghiệp chúng tôi đều thực hiện theo Nghị định 187/2004/NĐ-CP và đã thông qua Bộ Tài chính. Khi đấu giá lần đầu, nhà đầu tư đã trả giá gấp hơn 2 lần so với giá khởi điểm và đã thông báo dự kiến ĐHCĐ vào tháng 1/2008. nhưng đến nay, sau khi được tính thêm giá trị doanh nghiệp thì tổng vốn điều lệ sẽ tăng thêm khá nhiều dẫn đến loãng giá cổ phần của đơn vị. Chúng tôi như ngồi trên đống lửa vì nhà đầu tư đòi bồi thường theo Luật Dân sự mà chưa có hướng giải quyết”.
Một chuyên gia tài chính doanh nghiệp cho rằng, Thông tư 146 và các văn bản khác quy định tính cả giá trị thương hiệu và lợi thế vị trí đất đai vào giá trị doanh nghiệp là đúng. Vì điều này sẽ tránh được thất thoát tài sản nhà nước vào tay một số ít cá nhân (như trường hợp bán đấu giá cổ phần Công ty Intimex gần đây). Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định, việc xác định giá trị doanh nghiệp và đã bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư là đã hoàn tất một chu trình chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp. Khi đó, cổ đông nhỏ, lẻ (cá nhân) và cổ đông lớn (Nhà nước) có quyền lợi ngang nhau dựa trên phần vốn họ góp vào doanh nghiệp đó. Nếu chỉ tính thêm giá trị (thương hiệu, đất đai...) cho phần vốn nhà nước sau khi cổ phần thì rất thiệt thòi cho nhà đầu tư cá nhân. Vì vậy, “đối với các doanh nghiệp đã bán đấu giá cổ phần lần đầu trước thời điểm ngày 2/1/2008 thì nên coi là một tồn tại lịch sử và không nên hồi tố”, chuyên gia này nêu quan điểm.
đtck
|