Thứ Bảy, 01/03/2008 15:30

“Đánh thức” cổ phiếu OTC

Thời gian qua, chỉ số giá cổ phiếu niêm yết trên hai sàn giao dịch điều chỉnh mạnh, khiến cổ phiếu trên thị trường không chính thức (OTC) cũng rơi vào tình trạng đóng băng. UBCK và TTGDCK Hà Nội (HASTC) vừa đưa ra lấy ý kiến Quy chế tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng (CTĐC) chưa niêm yết tại HASTC (gọi tắt là thị trường đăng ký giao dịch - TTĐKGD). Tham gia vào thị trường này, nhà đầu tư của các CTĐC sẽ được lợi gì? HASTC đã chuẩn bị việc xây dựng thị trường này đến đâu? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó giám đốc HASTC.

Mục tiêu lớn nhất khi xây dựng TTĐKGD là gì, thưa ông?

Minh bạch hoá thông tin giao dịch của các CTĐC, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, chống việc lừa đảo, làm giả cổ phiếu, giúp cho các CTĐC làm quen với thị trường… là những mục tiêu lớn, xét trên góc độ DN và nhà đầu tư.

Ở góc độ vĩ mô, ý nghĩa lớn nhất là việc xây dựng TTĐKGD nằm trong nhóm giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề giám sát, minh bạch hoá TTCK, đưa các DN này vào hành lang quản lý tốt hơn, có thể đo được mức độ đầu tư của nhà đầu tư vào các CTĐC chưa niêm yết.

Một trong những điều khiến giao dịch cổ phiếu trên thị trường OTC đóng băng là thông tin về các DN tương đối mù mờ. Vậy trên TTĐKGD, việc công bố thông tin sẽ được thực hiện như thế nào?

Trong Quy chế, chúng tôi dành hẳn một mục quy định vấn đề này. Trước hết là phải có báo cáo tài chính (không cần kiểm toán). Việc công bố thông tin của CTĐC không bắt buộc phải có báo cáo quý mà chỉ là báo cáo năm. Nhưng chúng tôi khuyến khích DN công bố báo cáo quý, vì như thế sẽ phản ánh trung thực tình hình sản xuất - kinh doanh và nhà đầu tư không phải đợi đến cuối năm mới có thể đánh giá được.

Những cổ đông nội bộ, cổ đông lớn có ảnh hưởng đến giao dịch trên thị trường cũng phải công bố thông tin. Trên thị trường OTC hiện nay, việc công bố thông tin chủ yếu là tự nguyện, giao dịch cổ đông lớn, cổ đông nội bộ không ai biết. Khi đã lên sàn này thì tất cả đều phải công bố.

Như ông vừa nói, một trong nhiều mục tiêu đặt ra khi xây dựng TTĐKGD là tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu. Vậy nhưng, trong dự thảo Quy chế giao dịch lại quy định biên độ giao dịch là 20%; trong khi trước đây, giao dịch không biên độ là một trong những yếu tố hấp dẫn của loại cổ phiếu này?         

Trong phương án đầu tiên mà HASTC đề nghị lên cơ quan quản lý là thị trường này không cần thiết có biên độ, vì muốn giữ lại tính linh hoạt trên thị trường OTC và có thể giao dịch sẽ tốt hơn. Nhưng khi lấy ý kiến của các CTCK cũng như một số CTĐC trước khi Bộ Tài chính quyết định ban hành phương án tổ chức thị trường, nhiều đơn vị cho rằng, nếu không có biên độ sẽ gây ra một số khó khăn nhất định. Ví dụ, các bên mua- bán trên thị trường sẽ phải nộp phí dựa trên giá trị giao dịch. Nếu không có biên độ, có thể họ sẽ “câu kết” tạo giá giao dịch thấp để tính phí thấp. Do đó, phải có một cái mốc, một cái mỏ neo nào đó để giữ cho giá hợp lý.

Ngoài ra, nếu không có biên độ sẽ có khả năng tạo lập một cung - cầu không có thật. Ví dụ, người ta đăng ký bán 100 cổ phiếu, giá chỉ có 1.000 đồng; hoặc đưa ra một cái giá trên trời, bán 100 cổ phiếu với giá 10 triệu đồng, giống đấu giá trước đây. Nếu không có biên độ mà đưa ra mức giá này thì rất phản cảm với thị trường. Đáng lẽ phải minh bạch lại thành không minh bạch, gây ảnh hưởng không tốt đến thị trường. Giải pháp đưa ra biên độ 20% về mặt ngắn hạn sẽ có tác động nhất định tới việc triển khai thị trường, còn về dài hạn có thể nới rộng hơn.

Tôi nghĩ, chưa có một nghiên cứu nào ở Việt Nam chỉ ra có mối liên hệ giữa biên độ và tính thanh khoản. Vì với biên độ 10% của  HASTC và 5% của HOSE, thị trường niêm yết cũng ít khi đạt đến mức giới hạn. Con số 20% cũng nhận được sự đồng thuận của hầu hết CTCK.

Ông có thể giới thiệu quy trình nhà đầu tư tham gia mua bán trên thị trường này?

Về cơ bản thì giống như thị trường niêm yết. Nhà đầu tư có tài khoản chứng khoán là có thể giao dịch trên thị trường này và thị trường niêm yết. Nhà đầu tư sẽ nhập lệnh tại CTCK, sau đó lệnh sẽ được chuyển về hệ thống đăng ký giao dịch.

Đa số giao dịch ở trên thị trường này sẽ là giao dịch thoả thuận, nhà đầu tư có thể thoả thuận với CTCK hoặc bất kỳ ai. Nếu nhà đầu tư tìm được đối tác thì trong lệnh gửi CTCK ghi luôn số tài khoản của người bán và người mua. Nếu chưa tìm được đối tác thì cứ chuyển lệnh bình thường đến CTCK. Nếu khớp được thì báo về, còn chưa thì sẽ đưa lên hệ thống chung gọi là giao dịch thoả thuận điện tử.

Sẽ có hai hình thức giao dịch: giao dịch thoả thuận điện tử (đưa ra chào giá chắc chắn) và giao dịch điện tử thông thường (như chúng ta vẫn đang thực hiện trên sàn niêm yết).

Có người lo lắng rằng, cùng với tiêu chuẩn quy mô vốn 10 tỷ đồng, thủ tục cũng không đơn giản hơn là mấy, thì nhiều DN cho rằng, họ sẽ lên niêm yết tại HASTC thay vì trên TTĐKGD. Ông thấy lo lắng như vậy có cơ sở?

Cùng quy định mức vốn tối thiểu nhưng việc tham gia vào TTĐKGD thủ tục rất đơn giản, không cần hội đồng thẩm định lại hồ sơ, gần như làm tự động. Và để niêm yết thì DN phải có lãi, còn trên TTĐKGD không đặt ra yêu cầu này. Đổi lại, chúng tôi dự kiến, các CTCK phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp ngay từ lúc tham gia thị trường, cũng như thực hiện công bố thông tin trong suốt quá trình giao dịch.

Trong số 880 công ty đã đăng ký CTĐC, trừ những công ty đã niêm yết thì còn khoảng 600 công ty. Mang một lúc 600 đơn vị này lên thị trường là điều rất khó (do phải lưu ký chứng khoán, sự chuẩn bị của các doanh nghiệp chỉ ở mức độ nhất định). Trong đợt đầu tiên, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ đưa từ 30 - 40 công ty lên giao dịch, tập trung vào khối tài chính - ngân hàng, đặc biệt là các CTCK vì đã ở trong ngành chứng khoán nên các doanh nghiệp này biết rõ các lợi ích của việc lên sàn như thế nào, khi lên sàn phải có nghĩa vụ như thế nào, làm gương cho các DN khác noi theo.

Hiện tiến độ công việc xây dựng TTĐKGD đến đâu, thưa ông?

Bạn cứ hình dung mọi vấn đề xây dựng thị trường cũng như việc chuẩn bị một bữa tiệc. Có thể nói, đến nay, các thực phẩm cho bữa tiệc có sẵn và đã được bày ra. Vấn đề là nấu nướng, chế biến cho ra một sản phẩm làm thực khách hài lòng; tất cả các bên tham gia đều thấy có lợi khi tham gia. Vấn đề còn lại chỉ mang tính chất kỹ thuật. Mấu chốt bây giờ là làm thế nào để ra được quy trình, công khai lộ trình để mọi người chuẩn bị, trao đổi với nhau để tạo ra sự đồng thuận. Chúng tôi đang lấy ý kiến các đơn vị và các thành viên thị trường để Bộ Tài chính ký ban hành Quy chế. Sau đó sẽ xây dựng các quy chế, quy trình (của HASTC) và lộ trình cụ thể để các bên tham gia có sự chuẩn bị. Các nút thắt về công nghệ, về cơ chế đã được tháo gỡ. Chúng tôi phấn đấu đưa TTĐKGD hoạt động trong thời gian sớm nhất.

đtck

Các tin tức khác

>   Lấy dài nuôi ngắn (01/03/2008)

>   CIDICO Đại hội cổ đông thường niên năm 2008 (01/03/2008)

>   Công ty Việt Phương thăm dò khai thác khoáng sản tại Lào (29/02/2008)

>   PVFC ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với PDC và PETECHIM (29/02/2008)

>   Cửa mở rộng hơn cho giao dịch chứng khoán chưa niêm yết (29/02/2008)

>   Kết quả đấu giá cổ phần của Công ty Cổ phần CMC (29/02/2008)

>   Sabeco: Sức sống mới tại đơn vị anh hùng (29/02/2008)

>   Bán đấu đấu giá bán cổ phần Công ty 20 (29/02/2008)

>   DongABank ĐHĐCĐ thường niên lần thứ 16 (29/02/2008)

>   IDG Ventures Vietnam: Đầu tư vào cty thứ 20 tại Việt Nam (29/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật