Thứ Tư, 13/02/2008 09:57

Vùng TP Hồ Chí Minh: Mũi nhọn kinh tế của cả nước

Trước Tết Mậu Tý, Bộ Xây dựng đã có cuộc họp cuối cùng về quy hoạch vùng TPHCM với các tỉnh thành trong khu vực. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đưa tin. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc muốn biết rõ hơn về quy hoạch này, chúng tôi xin giới thiệu chi tiết hơn quy hoạch vùng TPHCM.

Phát triển theo mô hình tập trung đa cực

Viện Quy hoạch đô thị-nông thôn, Phân viện Quy hoạch đô thị-nông thôn miền Nam (Bộ Xây dựng) (sau đây gọi tắt là phân viện)-đơn vị thực hiện quy hoạch đưa ra tới 3 mô hình phát triển cho vùng TPHCM: mô hình tập trung cao, mô hình phân tán và mô hình tập trung đa cực.

Tuy nhiên, hai mô hình đầu với nhiều nhược điểm: tập trung cao (gây quá tải cho các đô thị), phân tán (không tốt cho việc liên kết phát triển)… đã không được chọn làm mô hình phát triển cho vùng. Mô hình tập trung đa cực, khắc phục được cơ bản những nhược điểm trên đã được những nhà tư vấn đề xuất chọn. Hiện Bộ Xây dựng đã đệ trình đề xuất này lên Chính phủ xem xét, song tại cuộc họp cuối cùng về quy hoạch vùng, hầu hết đại biểu các tỉnh đã tán đồng với ý kiến này.

Theo mô hình tập trung đa cực, vùng TPHCM sẽ có các cụm đô thị: đô thị trung tâm hạt nhân và vùng phụ cận bao gồm TPHCM, Nhơn Trạch, Biên Hòa (Đồng Nai). Đối trọng với cụm đô thị này sẽ là 3 vùng phát triển phía Đông, phía Bắc và phía Nam. Vùng phát triển phía Đông sẽ tập trung chủ yếu ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai với các đô thị: TP Vũng Tàu, Bà Rịa (Bà Rịa-Vũng Tàu), Long Thành (Đồng Nai)… kết nối với đô thị trung tâm hạt nhân bằng quốc lộ 51, quốc lộ 1A…Vùng phát triển phía Bắc sẽ tập trung chủ yếu ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước với đô thị là thị xã Tây Ninh… kết nối với đô thị trung tâm hạt nhân bằng quốc lộ 13, quốc lộ 22 Xuyên Á…Vùng phát triển phía Nam sẽ tập trung chủ yếu ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang… với các đô thị TP Mỹ Tho (Tiền Giang), Tân An (Long An)... kết nối với đô thị trung tâm hạt nhân chủ yếu bằng quốc lộ 1A. Và sắp tới là đường cao tốc TPHCM-Trung Lương, đường sắt Sài Gòn-Mỹ Tho…

* Kinh tế - phát triển theo lợi thế của từng địa phương

Tinh thần cơ bản về phát triển kinh tế của đồ án quy hoạch vùng TPHCM là theo lợi thế của từng địa phương và có sự tương hỗ lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng. Theo đó, các nhà tư vấn đề xuất đô thị trung tâm hạt nhân và vùng phụ cận sẽ là khu vực phát triển mạnh các ngành tài chính, ngân hàng, công nghiệp sạch- kỹ thuật cao, cung cấp các dịch vụ ngang tầm quốc tế. Vùng phát triển phía Đông sẽ là nơi phát triển mạnh công nghiệp dầu khí, hóa dầu, kinh tế biển với các dịch vụ cảng, du lịch, nghỉ dưỡng.Vùng phát triển phía Bắc sẽ tập trung phát triển lâm nghiệp và cây công nghiệp, khai thác tài nguyên nước, năng lượng điện, du lịch rừng sinh thái và kinh tế cửa khẩu.Vùng phát triển phía Nam sẽ tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp đa ngành, du lịch sinh thái rừng ngập mặn Đồng Tháp Mười…

Trong các khu vực đô thị sẽ ưu tiên phát triển các trung tâm công nghiệp kỹ thuật cao, có hàm lượng tri thức lớn. Chuyển dần những ngành có sử dụng nhiều lao động, đất đai với nhu cầu vận tải lớn ở trung tâm TPHCM (nếu có) ra các tỉnh lân cận, biến nơi  này thành những trung tâm công nghiệp sạch, công nghệ kỹ thuật cao. Các vùng phát triển đối trọng nên hình thành các khu công nghiệp chuyên môn hóa cao, gắn liền với vùng nhiên liệu và lao động trên các trục hành lang kinh tế đô thị của vùng. Xây dựng các cụm công nghiệp ở các vùng nông thôn để tạo đà cho các khu vực này phát triển. Tất nhiên, song hành với nó là các chính sách quản lý, bảo vệ môi trường một cách hiệu quả. 

* Hạ tầng xã hội - có sự phân công hợp lý

Để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của vùng, các nhà tư vấn đưa ra một mục tiêu giáo dục rất lớn: đến năm 2020 phải có 44 trường đại học và 56 trường cao đẳng trong toàn vùng, đào tạo ra khoảng 650.000 sinh viên/năm Thật ra điều này cũng hợp lý bởi vùng TPHCM hiện nay và trong tương lại vẫn là vùng phát triển kinh tế nhất nước. Nhu cầu cho sự phát triển này sẽ rất lớn. Tuy nhiên, điều thú vị trong những đề xuất phát triển giáo dục của Phân viện chính là sự phân bố các trường đại học. TPHCM sẽ tập trung đào tạo các chương trình đại học và sau đại học theo hướng nghiên cứu chất lượng cao với những ngành kỹ thuật mũi nhọn, những công nghệ mới. Các tỉnh thành tập trung đào tạo theo hướng đáp ứng được nhu cầu lao động của các ngành công nghiệp trong vùng. Rõ ràng, đã có một sự phân công hợp lý hơn hiện nay.

Về y tế, vẫn tiếp nối tinh thần phân công hợp lý như giáo dục. Theo đó, khu vực đô thị hạt nhân sẽ tập trung phát triển mạng lưới y tế hiện đại, tiên tiến, chất lượng cao với mục tiêu trở thành trung tâm y tế kỹ thuật cao của cả nước và trong khu vực. Tại các tỉnh, sẽ phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu đạt chuẩn quốc gia nhằm giảm áp lực “tụ” về TPHCM khám và chữa bệnh. Song hành với y tế công là mạng lưới y tế ngoài công lập. Từng bước hình thành nên mạng lưới y tế của cả vùng.

* Thoát nước, bảo vệ môi trường cho cả khu vực

Công tác thoát nước, bảo vệ môi trường có lẽ là công tác yếu nhất của vùng TPHCM. Tại đây hầu như chỉ có các đô thị mới có hệ thống thoát nước nhưng hệ thống thoát nước mưa lại chung với hệ thống thoát nước bẩn nên không đảm bảo vệ sinh môi trường. Các khu vực dân cư nông thôn hầu như chưa có hệ thống thoát nước mưa. Việc chống ngập ở các địa phương, đặc biệt là TPHCM hầu như chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Tại quy hoạch này, các nhà tư vấn đề xuất: làm quy hoạch thoát nước chung cho cả vùng. Theo đó, hướng thoát nước tự nhiên chính cho toàn vùng sẽ là sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ, sau đó đổ ra biển. Để nước thoát ra sông không là nước bẩn, gây ô nhiễm môi trường thì phải từng bước tách bạch hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước bẩn. Nước bẩn phải được xử lý trước khi đổ ra kênh, rạch. Tại các đô thị sẽ phải cải tạo, xây dựng mới nhiều hệ thống cống thoát nước, đê ngăn triều… Đặc biệt, các khu công nghiệp, khu chế xuất phải đảm bảo xử lý 100% nước thải trước khi đổ ra kênh, rạch…

Các nhà tư vấn cũng đề nghị xây thêm nghĩa trang, khu xử lý rác cho toàn vùng. Để bảo vệ môi trường, các địa phương cũng nên từng bước nghiên cứu sử dụng thêm các nguồn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió….

Hiện quy hoạch đang được Bộ Xây dựng hoàn thiện trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Như đã giới thiệu với bạn đọc, hầu như các địa phương không băn khoăn nhiều về đồ án. Điều mà họ băn khoăn lớn nhất là cơ chế phối hợp để thực hiện quy hoạch vùng. Vùng TPHCM: TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp… sẽ chỉ là các địa phương riêng lẻ với những mục tiêu phát triển riêng lẻ nếu không có cơ chế chính sách kết nối các địa phương này lại.

 

Ưu thế của vùng TPHCM

- Có sự liên kết về giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải với các vùng lãnh thổ và nhiều quốc gia trên thế giới.

- Là vùng kinh tế quan trọng phát triển nhất nước-là trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn nhất nước-tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn cao.

- Vùng TPHCM có sức hút đầu tư lớn.

- Quỹ đất dồi dào, địa hình thuận lợi và tài nguyên thiên nhiên, đa dạng, phong phú.

- Nguồn nguyên liệu nông nghiệp, lâm nghiệp, cây công nghiệp lớn, nguồn thủy sản dồi dào.

- Nhiều khoáng sản trữ lượng lớn (dầu khí, vật liệu xây dựng…).

- Nguồn nước mặt phong phú với hệ thống sông Đồng Nai, Sài Gòn…

- Cảnh quan thiên nhiên đẹp, tài nguyên du lịch đa dạng.

- Nguồn nhân lực dồi dào, trình độ chuyên môn cao.

- Cơ sở hạ tầng xã hội-kỹ thuật tương đối đồng bộ.

- Phát triển hệ thống cảng biển trung chuyển, sân bay quốc tế, cửa khẩu quốc tế.

 

Nhược điểm của vùng TPHCM

- Các khu công nghiệp nằm đan xen trong khu dân cư, gây ách tắc giao thông, ô nhiễm và nguy cơ cháy nổ.

- Đô thị hóa tự phát diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt là quanh các khu công nghiệp, chế xuất, các trục giao thông.

- Chất lượng nhiều khu ở không đạt chuẩn, thiếu hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

- Áp lực nhà ở gia tăng, đặc biệt là nhà cho người có thu nhập thấp.

- Hệ thống hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục… tập trung quá cao vào TPHCM.

- Sự phát triển đô thị tập trung chủ yếu vào đô thị hạt nhân và vùng phụ cận trong bán kính 30km.

- Tăng dân số cơ học quá nhanh, gây sự quá tải về hạ tầng kỹ thuật, xã hội nhưng không kiểm soát được chất thải (khí, lỏng, rắn) đã làm biến dạng và thay đổi chất lượng môi trường.

- Thiếu đường vành đai, đường sắt và sân bay quốc tế.

- Sân bay quốc tế, cảng biển đều tập trung ở trung tâm TPHCM gây tắc nghẽn giao thông.

- Vùng đô thị tập trung đang bị ô nhiễm về nước, không khí, tiếng ồn, rác thải. Trên 80% khu công nghiệp và 100% các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải đúng tiêu chuẩn.

- Rừng đầu nguồn đang bị xâm hại, đe dọa đến nguồn nước. Nước hồ Trị An, Dầu Tiếng 2 năm gần đây vào mùa khô luôn bị dưới mực nước chết.

- Khu vực hạ lưu có nền đất thấp, có nguy cơ chịu tác động trực tiếp của quá trình nước biển dâng lên.

- Nhiều đất nông nghiệp đã được chuyển đổi sang đất đô thị nhưng chưa được sử dụng hiệu quả.

- Nguồn nước ngầm và nước mặt chưa được bảo vệ thoả đáng, chưa được khai thác hiệu quả và tái chế.

- Phân bổ vốn đầu tư giữa đô thị và nông thôn chưa cân đối.

- Cơ cấu kinh tế của vùng quá tập trung vào công nghiệp, phụ thuộc nhiều vào vốn từ nước ngoài, các ngành này lại nặng về khai thác tài nguyên dự trữ quốc gia.

- Các khu công nghiệp có tính chất giống nhau, thiếu tính chuyên ngành, chưa gắn với nguồn nhiên liệu, sự phân bổ các khu công nghiệp chưa gắn đồng bộ với kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật.

- Các dự án hạ tầng lớn, cấp vùng đã được triển khai nhưng thiếu cơ chế phối hợp và quản lý cấp vùng dẫn đến sự không đồng bộ.

- Việc quản lý phát triển theo địa bàn hành chính của từng địa phương tạo ra những nguy cơ về môi trường, tài nguyên, cảnh quan… gây lãng phí và hạn chế sự phát triển chung của vùng.

- Thiếu một  cơ chế cho sự liên kết, cân đối về phát triển kinh tế toàn vùng làm hạn chế cơ hội và sức mạnh chung của vùng.

(Nguồn: Viện Quy hoạch đô thị - nông thôn - Phân viện Quy hoạch đô thị -

nông thôn miền Nam - Bộ Xây dựng)

sggp

Các tin tức khác

>   Siêu thị "bất lực" nhìn hàng khan hiếm (13/02/2008)

>   Xuất khẩu năm 2008: Con cá tra sẽ mang về 1,2 tỉ USD (13/02/2008)

>   Khi giá nhà đất tăng phi mã... (13/02/2008)

>   Cienco 5 đầu tư nâng cấp quốc lộ 1A (13/02/2008)

>   Kế hoạch giảm 36.000 tàu cá sẽ chậm (13/02/2008)

>   Pacific Airlines mở 5 đường bay nội địa mới (13/02/2008)

>   Không tiết giảm điện trong tháng 2 (12/02/2008)

>   Country State đề nghị đầu tư dự án 1 tỷ USD tại Tiền Giang (12/02/2008)

>   Rolls-Royce muốn mở đại lý tại Việt Nam (12/02/2008)

>   Khởi công đóng mới hai tàu côngtenơ 260 TEU (12/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật