Siêu thị "bất lực" nhìn hàng khan hiếm
Sự mất cân đối về cung cầu là nguyên nhân chính đẩy giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, dịch vụ ăn uống tăng mạnh ngay sau Tết. Các nhà phân phối lớn dự đoán, trong 1, 2 tuần tới giá cả có thể dịu đi nhưng mặt bằng chung sẽ cao hơn thời điểm trước Tết.
Siêu thị cũng “háo” rau xanh!
Bắt đầu mở cửa từ sáng hôm 12/2 nhưng không khí mua sắm tại các hệ thống siêu thị lớn như Intimex, Fivimart lại khá vắng vẻ một phần do thiếu thực phẩm tươi sống và rau xanh.
Tại siêu thị Intimex trên đường Huỳnh Thúc Kháng lúc 14h chiều, lác đác chưa đầy 10 người khách xem, mua hàng. Trong khi lượng hàng thực phẩm khô, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm... tỏ ra không thiếu thì tại các tủ đựng thực phẩm đông lạnh đã vơi hẳn so với dịp trước Tết.
Kế đó, nếu quầy thực phẩm chế biến sẵn chưa phục vụ thì quầy thực phẩm tươi sống cũng trong cảnh trống trơn.
Một nhân viên bán hàng cho hay: đến cuối buổi sáng, lượng rau quả ít ỏi như bắp cải, súp lơ, su hào, đậu đỗ... tại siêu thị đã được bán hết sạch. Một phần do hàng khan hiếm, mặt khác do mới mở cửa, khách chưa đông nên siêu thị chưa mạnh tay nhập nhiều.
Tương tự, tại siêu thị Fivimart trên đường Nguyễn Chí Thanh, khách gần như không tìm thấy bất cứ mặt hàng tươi sống nào trên các quầy, kệ quen thuộc.
Trong khi đó, dù lượng rau quả tươi có phong phú hơn nhưng thông tin từ Big C Thăng Long cho biết, siêu thị cũng trong cảnh rất thiếu các loại rau tươi. Thậm chí có ngày chỉ đầu giờ chiều là đã bán hết.
Lý giải hiện tượng này, đại diện Big C cho biết, do siêu thị đã chốt, cam kết không tăng giá với nhà cung cấp trước Tết 2 tuần nên lúc này nhà cung cấp phản ứng bằng cách đổ cho khan hàng nên chỉ giao với số lượng chừng mực để “giữ chân” mà thôi.
"Bất lực" nhìn hàng tăng giá
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho biết, năm nay, lượng hàng Tết tại các siêu thị tăng nhiều, bán gọn. Xu hướng người tiêu dùng đổ đến các siêu thị sắm Tết khiến nhiều siêu thị năm nay "được mùa". Song, ông Phú thừa nhận, đã qua mấy ngày Tết mà giá các mặt hàng vẫn còn "trên trời". Riêng giá dầu ăn trong năm qua đã tăng đến 4-5 lần.
Theo ông Phú, trên địa bàn Hà Nội hiện có 46 siêu thị nhưng chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu hàng hoá của người dân Thủ đô, còn lại 40% từ các chợ, 45% từ cửa hàng lẻ và bán rong, 5% do các DN sản xuất trực tiếp bán ra.
Các siêu thị năm nay cũng chỉ dự trữ được 50 tỷ đồng hàng Tết mỗi ngày, đủ đáp ứng được 1/4 nhu cầu.
Ví dụ như mặt hàng thịt lợn, cầu ở Hà Nội là 300 tấn/ngày nhưng các siêu thị chỉ "cung" được 243 tấn. Do vậy, trong khi người dân có nhu cầu mạnh về các mặt hàng tươi sống, như rau củ, thịt bò, thịt gà, cá, tôm... thì các siêu thị chưa đáp ứng được, còn các mặt hàng khô như kẹo, mứt, bánh, thuốc lá... thì ở đâu người tiêu dùng cũng có thể mua sắm được.
"Tác động bình ổn giá vì thế hầu như không đáng kể, trừ phi các siêu thị phải đáp ứng được 60-70% nhu cầu hàng hoá của người dân Thủ đô. Kể cả hiệp Hội siêu thị hiện có 21 thành viên cũng trong tình trạng "mua đuổi bán đuổi", hầu như chỉ đáp ứng 5-10% thị phần, không có dự trữ nhiều", ông Phú nói.
Ông Phú cũng nêu một thực trạng tại các siêu thị, các công ty nhà nước, vốn rất ít (chỉ 5-20 tỷ), 70% hàng hóa bán trong siêu thị là hàng ký gửi. Mà ký gửi thì phải phụ thuộc vào giá của DN, lúc nào giá tăng thì doanh nghiệp sẽ tăng lên, còn 30% hàng kia mình mới chủ động được giá. Ngay cả 4 DN phân phối lớn là Hapro, Satra, Saigon Co.op và Tập đoàn Phú Thái cũng thừa nhận điều này.
Giá thực phẩm sau Tết sẽ dừng ở mức cao!
Đã thành quy luật, trong và ngay sau Tết giá thực phẩm thường tăng trung bình từ 10 - 20% do lượng cung thiếu. Nhưng năm nay, các mặt hàng thực phẩm, dịch vụ ăn uống... tại Hà Nội đều có mức tăng giá rất cao, gấp 2, 3 lần trước đó khiến nhiều người lo ngại một mặt bằng giá mới đang được hình thành ngay sau Tết.
Về diễn biến giá cả thời gian tới có giữ ở mức cao hay chỉ là nhất thời lúc này, một số nhà phân phối lớn tỏ ra không chắc chắc trong việc đưa ra nhận định.
“Xu hướng tăng giá của nông sản thực phẩm thế giới được dự đoán vẫn tiếp tục trong năm tới do nhu cầu ngày càng tăng mà thiên tai quá nhiều khiến nguyên liệu thiếu hụt. Còn hiện nay do mất cân đối về cung cầu nên người dân tiêu thụ những ngày này phải chấp nhận. Phải 1 tuần nữa, khi nguồn cung ổn định thì mới có thể nhận định chính xác được” - ông Đình Đoàn - Tổng GĐ Công ty CP Tập đoàn Phú Thái, cho biết.
Dựa trên hàng loạt yếu tố như giá xăng dầu tăng, khan hiếm nguyên liệu đầu vào, việc nâng lương tối thiểu... vừa qua, ông Nguyễn Thái Dũng - Phó TGĐ Big C Thăng Long cho rằng, giá thị trường 1, 2 tuần nữa có thể dịu đi nhưng nhiều khả năng vẫn ở mức cao, không thể về được mức giá thời điểm trước Tết.
Được biết, đoán trước tình hình ra Tết nguồn hàng thường khan hiếm, trước đó Big C đã lên kế hoạch, dự trữ, đặt mua lượng hàng trị giá khoảng 20 tỷ đồng, tập trung vào thực phẩm khô, đông lạnh và tươi sống. Song đến nay siêu thị thừa nhận, riêng mặt hàng tươi sống: thịt, rau xanh, do phần lớn nhà sản xuất là nông dân, họ không dám đảm bảo về số lượng và giá cả nên siêu thị có bỏ tiền ra cũng không thể ký cam kết được với họ.
VNN
|