Thứ Ba, 12/02/2008 12:06

Quản trị doanh nghiệp “ăn xổi”

Cánh phóng viên chúng tôi mỗi khi bối rối trong việc phân định đúng sai một vấn đề gì đó liên quan đến Luật Doanh nghiệp lại tìm đến ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và một cách ngẫu nhiên, ông được tặng danh hiệu “từ điển sống” trong lĩnh vực này. Năm qua, nhiều nhà đầu tư (NĐT) gọi điện cho tôi thắc mắc “các chuyên gia cứ nói cổ phiếu tốt nếu doanh nghiệp có khả năng quản trị tốt, vậy nhờ nhà báo diễn giải dùm”. Lần lữa hẹn bạn đọc, một chiều cuối năm tôi đem câu hỏi đến nhờ chuyên gia.

Chào ông Cung, nhờ ông định nghĩa nôm na để bạn đọc hiểu một chút về quản trị doanh nghiệp?

Quản trị được nhìn nhận như một hệ thống thể chế, quy tắc phân bổ và thực thi quyền lực, giám sát trong công ty để đảm bảo lợi ích tối đa, hợp pháp của cổ đông và các bên có liên quan. Hệ thống quản trị có hai loại: quản trị nội bộ và quản trị bên ngoài (với doanh nghiệp niêm yết, quản trị bên ngoài có thể là cơ quan giám sát UBCK). Với quản trị nội bộ, doanh nghiệp được coi là quản trị tốt nếu như họ vận hành đem lại niềm tin cho NĐT để người ta tin tưởng rằng, đem tiền hay bỏ vốn thiết lập giao dịch với doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Khi anh có hệ thống quản trị tốt, tạo được lòng tin thì người ta tiếp tục đầu tư, doanh nghiệp có cơ hội huy động vốn rẻ hơn, quy mô phát triển mạnh hơn. Ngược lại, quản trị kém, không tạo được niềm tin khiến người trong bỏ cuộc, người ngoài lánh xa.

Năm 2007, NĐT nghe nhiều hơn đến từ quản trị doanh nghiệp. Vậy ở đây, họ nên nhìn nhận thế nào về quản trị nội bộ?

Quản trị nội bộ gồm nhiều phạm trù nhưng quan trọng và dễ thấy nhất là ở khâu phân chia quyền lực từ HĐQT, ban kiểm soát, ban điều hành. Về mặt pháp lý, người ta quy định tương đối rạch ròi nhưng thực tế, nhiều khi những chức danh này lại tập trung về một người. Và thói thường, một người nắm quá nhiều quyền lực thì hay lạm dụng quyền lực và kết quả là không tách bạch được quản lý với giám sát và điều hành. Trên lý thuyết, HĐQT phục vụ lợi ích cổ đông, nhưng thành viên HĐQT lại đồng thời là cổ đông lớn nên họ thiên về mình, bỏ qua quyền lợi cổ đông nhỏ. Năm qua, nhìn vào diễn biến trên TTCK cho thấy, tình trạng nhiều cổ đông rất muốn HĐQT đem đến lợi ích ngay trước mắt cho mình (lợi ích ngắn hạn).

Ông nói cổ đông Việt Nam chạy theo lợi ích ngắn hạn nghĩa là sao?

Đúng là khi nói về quản trị doanh nghiệp, tôi muốn đề cập đến câu chuyện cổ đông. Trước hết, Luật Doanh nghiệp quy định, tỷ lệ để họp hành, biểu quyết là 65 - 75% cổ đông, quy định như vậy có hàm ý bảo vệ lợi ích của cổ đông thiểu số, tạo cơ hội để họ tham gia và có ảnh hưởng tới việc ra quyết định quan trọng của công ty, khuyến khích họ tham gia hoạt động Đại hội đồng cổ đông, tăng giám sát nội bộ với những người thực thi quyền lực.

Tuy nhiên, trên thực tế, cổ đông của ta có những biểu hiện không lành mạnh. Biểu hiện thứ nhất là đối với công ty cổ phần mới thành lập, có cổ đông đăng ký góp vốn mà không góp làm hại bên thứ ba. Dạng thứ hai là góp một ít, giá cổ phiếu lên thì lập tức nhóm họp lại quyết định phát hành huy động vốn. Như vậy, đáng lẽ họ góp đủ thì công ty có khả năng tích tụ vốn phát triển, đằng này phát hành thêm cổ phần, cổ đông bán ra lấy được tiền nhưng công ty mất cơ hội phát triển bền vững và trong trường hợp này, cổ đông đã cố ý chiếm đoạt tài sản của công ty. Ngoài ra, còn có dạng cổ đông đăng ký một đằng, góp vốn một nẻo làm cho phân chia quyền lực trong công ty không rõ, gây mâu thuẫn tranh chấp quyền lực, tạo ra mâu thuẫn nội bộ khiến công ty không thể phát triển.

Trên TTCK, sự thiếu lành mạnh của cổ đông biểu hiện thế nào?

Nhiều cổ đông lại là các nhà đầu cơ, thiên về lợi ích ngắn hạn, biểu hiện ở việc nhiều công ty thực hiện phát hành cổ phiếu bán ra thị trường giá “5 chấm” nhưng bán nội bộ có “1 chấm”. Nếu như công ty thực hiện phương án hài hòa hơn, số vốn thu về nhiều hơn và tạo cơ hội phát triển tốt hơn, còn kiểu phát hành này dường như người ta tước đoạt cơ hội của doanh nghiệp từ trong trứng nước, khiến NĐT đến sau không tin (vì lợi ích ban đầu các ông chia nhau cả rồi).

Một biểu hiện nữa là áp lực chia cổ tức bằng cổ phiếu, điều này đồng nghĩa với việc chia tài sản hiện có của công ty cho mình làm loãng giá trị cổ phiếu. Đáng lẽ công ty phải tập trung tích tụ được vốn phát triển, gia tăng năng lực cạnh tranh thì giá cổ phiếu sẽ lên, đằng này lại phát hành như vậy, về cơ bản giá trị công ty không tăng, còn chịu áp lực tạo ra lợi nhuận trên mỗi cổ phần. Tại nhiều công ty, người ta phát hành tràn lan cổ phiếu ưu đãi cho người lao động, thưởng ưu đãi thành viên HĐQT, ưu đãi đối tác chiến lược... Cách làm như vậy bắn ra tín hiệu rất không hay là ai cũng muốn lấy đi lợi ích công ty, tìm cách chia chác ngay mà không quan tâm đến việc công ty giảm cơ hội, khả năng phát triển. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân làm giá cổ phiếu giảm mạnh trong thời gian qua.

Vậy còn HĐQT, ban điều hành, thực trạng ở Việt Nam hiện nay có điều gì đáng cảnh báo?

HĐQT ở Việt Nam hoạt động theo cơ chế tập quyền, có nghĩa đa số thành viên HĐQT vẫn là người điều hành. Bộ phận giám sát lại chính là cấp dưới, quyền lợi phụ thuộc vào ông chủ tịch HĐQT nên tính độc lập không có. Xét về lý thuyết, chế độ tập quyền có nhiều ưu điểm, tiền của ông hơn ai hết ông phải lo lắng, tôi là cổ đông nhỏ sẽ chẳng cần giám sát và như vậy chi phí giám sát ít đi. Nhưng để có ưu điểm đó, thành viên HĐQT phải là những người vì mục tiêu phát triển dài hạn của công ty. Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu giai đoạn đầu phát triển, mô hình HĐQT tập quyền rất phổ biến và có ưu thế nhờ mấy yếu tố. Thứ nhất, họ đều xuất thân ở dòng họ có truyền thống kinh doanh, thành lập công ty mà kinh doanh thất bại thì xấu mặt gia đình, vì vậy họ phải cố gắng thành công. Thứ hai, tầng lớp doanh nhân có đạo đức kinh doanh, làm tồi, uy tín danh dự của họ bị huỷ hoại, tất yếu họ sẽ cố gắng làm cho tốt. Ngoài ra, tại những nước đó, họ có thế lực giám sát bên ngoài, anh làm không tốt sẽ bị đẩy ra.

Ở Việt Nam hiện nay thì sao?

Chúng ta không có dòng họ kinh doanh, chưa có đội ngũ doanh nhân sống vì nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh cũng mới vừa hình thành, khuôn khổ pháp luật yếu... Những điểm yếu như vậy khiến HĐQT tập quyền thiên về điều hành. Do chức năng Đại hội đồng cổ đông, HĐQT, ban điều hành thu về một tay nên HĐQT thiên về lợi ích trước mắt, thiên về điều hành nên thiếu tập trung cho định hướng, chiến lược, thời gian qua có những công ty huy động vốn mà không biết làm gì. Do thiếu giám sát nên khả năng lạm dụng quyền lực lớn, không hài hòa được lợi ích cổ đông lớn và nhỏ, cổ đông và công ty, những người trong HĐQT và không ở HĐQT, những người trực tiếp điều hành và không điều hành. Ngoài ra, chế độ tập quyền còn làm cho nguy cơ tranh chấp quyền điều hành rất gay gắt, nhiều khi một mất một còn. Như vậy, khó NĐT nào có thể tin tưởng gửi vốn dài hạn.

Ở góc độ NĐT, cổ đông, người ta có thể làm gì để góp phần làm cho doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt?

Cổ đông phải tác động lại doanh nghiệp, người quản lý, thúc đẩy họ áp dụng chế độ quản trị tốt để tạo ra niềm tin cho giới đầu tư. Điều này có nghĩa là anh cần sử dụng quyền của mình tại Đại hội đồng cổ đông một cách thông minh, đúng pháp luật nhằm giám sát, tác động tới ban lãnh đạo doanh nghiệp để họ đưa ra quyết định. Ngoài ra, cổ đông cần nhóm lại với nhau, hợp sức với các chuyên gia tư vấn hoặc ngay trong bản thân cổ đông cũng có những người là chuyên gia tư vấn. Ở nước ngoài, khi doanh nghiệp quản trị kém, thành viên HĐQT không trung thành với công ty, cổ đông thường hành động bằng cách bán tháo cổ phiếu, HĐQT khi đó sẽ thay đổi và người khác thay thế có thể tạo ra sự khác biệt trong doanh nghiệp.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   May Sài Gòn: Doanh thu bất động sản chiếm 50% (11/02/2008)

>   Đằng sau báo cáo tài chính của các công ty đa ngành (09/02/2008)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu cho CTCP Sông Đà 1.01 (06/02/2008)

>   Xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Xây dựng và Kinh doanh vật tư (06/02/2008)

>   Eco Park, đô thị vệ tinh 6 tỷ đô la của Thủ đô (04/02/2008)

>   Tổng công ty Cao su sẽ có 1 triệu ha cây cao su (01/02/2008)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu cho CTCP Xuyên Thái Bình (01/02/2008)

>   Chấp thuận nguyên tắc chào bán cổ phiếu của CTCP Ống sợi thuỷ tinh Vinaconex (01/02/2008)

>   SCIC sẽ thoái đầu tư tại 70 doanh nghiệp quy mô nhỏ (01/02/2008)

>   28/2, CMC bán đấu giá gần 900.000 cổ phần (01/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật