Đằng sau báo cáo tài chính của các công ty đa ngành
Sự sôi động của mảng đầu tư tài chính và bất động sản vào cuối năm 2006, đầu năm 2007 đã khiến nhiều DN lớn chuyển mình theo xu hướng phát triển đa ngành. Với nhà đầu tư, làm thế nào để đánh giá tình hình tài chính của một công ty đa ngành; Đâu là hiệu quả thực của một DN dành cho cổ đông... là những câu hỏi mà ĐTCK-online đặt hàng cho tác giả bài viết này.
Phát triển đa ngành hay chuyên ngành?
Các công ty lớn chuyên ngành thường có lợi thế cạnh tranh do khả năng tiết kiệm từ quy mô lớn (economy of scale), tức có thể hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh. Khi một công ty chuyên ngành đủ lớn sẽ thường phát triển ra các ngành liên quan để có thể hỗ trợ cho ngành chính. Dần dần sẽ phát triển thành công ty lớn đa ngành. Tuy nhiên, các công ty đa ngành chỉ thực sự hiệu quả khi các ngành hoạt động có mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau. Các công ty lớn thường được nhà đầu tư đánh giá là rủi ro thấp hơn so với công ty vừa và nhỏ. Đó là lý do tại sao trên thế giới cũng như ở Việt Nam giá cổ phiếu của công ty lớn thường cao hơn so với công ty có quy mô nhỏ. Điều đó thể hiện ở chỉ số P/E của công ty lớn thường cao hơn P/E của công ty nhỏ.
P/E (Price/Earning per share) là chỉ số đo lường nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận trả bao nhiêu cho mỗi đồng lãi của công ty dành cho cổ đông. Bởi vậy để gia tăng giá trị cho các cổ đông, cũng như để tăng quyền lực của nhà quản lý, các công ty thường cố gắng tăng quy mô của mình. Hiện nay hầu hết công ty Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thường thiếu vốn cho việc mở rộng hoạt động. Sự phát triển của TTCK đã tạo điều kiện tuyệt vời để khối CTCP dễ dàng tăng vốn. Bởi vậy, hoạt động phát hành cổ phiếu tăng vốn để phát triển mảng kinh doanh cốt lõi có lợi thế cạnh tranh của DN là điều rất đáng được khuyến khích. Tuy nhiên, vừa qua rất nhiều CTCP đã phát hành cổ phiếu tăng vốn, nhưng thực tế lại dùng một phần không nhỏ cho các hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư đan chéo lẫn nhau, hay đầu tư vào lĩnh vực khác như bất động sản, mặc dù không có nhiều kinh nghiệm về các hoạt động này. Trong điều kiện giá cổ phiếu đi lên như cuối năm 2006 và đầu 2007, những DN có hoạt động đầu tư cổ phiếu không chuyên nghiệp cũng có thể kiếm được lời rất tốt. Nhưng khi thị trường đi xuống như cuối năm 2007 và những ngày đầu năm 2008, rất nhiều DN có hoạt động đầu tư tài chính không chuyên này bị lỗ nặng nề. Các cụ ngày xưa có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. DN chuyên về nghề gì, có kinh nghiệm và lợi thế cạnh tranh mảng gì thì nên tập trung làm nghề đó. Nếu có mở rộng nghề, thì nên làm các nghề có liên quan, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Ở TTCK các nước, khi một công ty mở rộng sang lĩnh vực mới thường bị nhà đầu tư đánh giá là rủi ro cao và giá cổ phiếu thường có xu hướng giảm cho đến khi dự án mới chứng minh được tính hiệu quả. Tuy nhiên, nếu mở rộng quy mô của ngành hàng đang sản xuất kinh doanh thì rủi ro thường ít hơn. Nhiều quỹ đầu tư chuyên nghiệp không thích những công ty phát triển đa ngành trong điều kiện công ty/thị trường thiếu hụt trầm trọng nguồn lực để phát triển. Họ thích công ty chuyên ngành nằm trong top dẫn đầu (từ 1-3) của ngành hơn là công ty đa ngành nhưng chẳng có ngành nào nằm trong top dẫn đầu.
Làm thế nào để đánh giá tình hình tài chính của công ty đa ngành?
Hoạt động của các công ty đa ngành và/hoặc công ty có các hoạt động đầu tư đan chéo lẫn nhau làm cho báo cáo tài chính của loại công ty này rất phức tạp, khó hiểu, nhất là với nhà đầu tư không chuyên. Khi đọc báo cáo tài chính của một công ty đa ngành, bạn nên lưu ý các điểm sau:
1. Tính đúng lãi trên mỗi cổ phiếu (EPS): Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế, EPS được tính như sau: EPS = Tổng số lãi dành cho các cổ đông phổ thông/Số bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông lưu hành trong kỳ
Tuy nhiên, hướng dẫn chuẩn mực kế toán Việt Nam lại chưa rõ ràng và do vậy, tất cả các công ty hiện đang tính EPS không đúng bản chất công thức nêu trên và khác với chuẩn mực quốc tế. Theo hướng dẫn của Kế toán Việt Nam hiện hành, tổng số lãi dành cho các cổ đông chỉ thuần túy là lãi thuần sau thuế trừ đi cổ tức của cổ phiếu ưu đãi mà không trừ đi các khoản lãi không dành cho cổ đông phổ thông như khoản trích Quỹ khen thưởng khách hàng, Quỹ thưởng HĐQT, và đặc biệt là Quỹ khen thưởng phúc lợi. Thông thường sau 1 năm hoạt động có lãi, DN dành khoảng 10-15%, thậm chí 20% tổng số lãi thuần sau thuế để chia cho nhân viên dưới hình thức trích Quỹ khen thưởng, phúc lợi. Chẳng hạn tại Công ty Chứng khoán S, nếu năm 2007 lãi sau thuế đạt 1.000 tỷ đồng thì theo Quyết định của ĐHĐCĐ, Công ty được trích 20% số lãi sau thuế vào Quỹ khen thưởng, phúc lợi. Điều này đồng nghĩa với việc lãi thực dành cho cổ đông chỉ còn 800 tỷ đồng.
Hiện nay, Quỹ khen thưởng, phúc lợi hay các quỹ khác không phải của các cổ đông vẫn không được trừ khỏi khoản lãi dành cho cổ đông để tính EPS, do vậy nhiều công ty sẵn sàng chi cho các quỹ này rất lớn. Nếu khoản trích vào các quỹ này được loại khỏi khoản lãi dành cho cổ đông thường khi tính EPS, thì nhà quản lý sẽ phải thận trọng hơn trong việc trích quỹ. Bởi khi tăng khoản trích quỹ không dành cho cổ đông, đồng nghĩa với việc giảm lãi dành cho các cổ đông, giảm EPS và do vậy làm tăng P/E, tức làm giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu công ty, thậm chí có thể làm giảm giá cổ phiếu, điều mà không nhà quản lý nào muốn cả.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, thiết nghĩ, Bộ Tài chính, UBCK, Sở GDCK TP. HCM và Trung tâm GDCK Hà Nội cần sớm có hướng dẫn rõ ràng cách tính EPS, phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Báo cáo tài chính hàng quý cũng cần phải loại trừ các khoản lãi không thuộc cổ đông như Quỹ khen thưởng phúc lợi ra khỏi lãi để tính EPS. Việc tính đúng EPS cần được làm trong các báo cáo tài chính hàng quý chứ không đợi đến cuối năm. Đầu năm, ĐHCĐ thường phải đưa ra kế hoạch phân phối lãi cho năm (mặc dù chưa chính thức). Ví dụ công ty S đưa ra nguyên tắc trích 10% lợi nhuận sau thuế cho Quỹ khen thưởng phúc lợi. Nếu trong quý I, công ty S có lãi sau thuế 100 tỷ đồng, thì nên trình bày thêm một dòng: “Lãi không dành cho cổ đông” hoặc cụ thể hơn là “Lãi dành cho Quỹ khen thưởng phúc lợi”, ước tính 10% x 100 = 10 tỷ đồng. Như vậy, lãi dành cho cổ đông (để tính EPS) là 90 tỷ đồng thay vì 100 tỷ đồng như cách báo cáo hiện nay.
2. Hoạt động chính có mang lại doanh thu và lợi nhuận tốt không? Để trả lời câu hỏi này, bạn nên xem trong phần giải thích của báo cáo tài chính. Nếu một công ty mà lãi chủ yếu là từ các hoạt động đầu tư tài chính hay hoạt động bất thường, còn hoạt động chính không có lãi bao nhiêu thì tương đương với việc lãi của công ty đó không bền vững. Nhìn chung, các khoản lãi đầu tư tài chính đều mang tính nhất thời, nó có thể có ở kỳ này (tháng, quý, năm) nhưng cũng có thể không tiếp tục ở kỳ sau, chứ không bền vững như là các khoản lãi kinh doanh thông thường. Bởi vậy để tính EPS cho các kỳ tương lai, người ta thường chỉ có thể ước tính từ những khoản lãi kinh doanh thông thường. Những khoản lãi tài chính, lãi bất thường chỉ có thể ước tính khi DN có kế hoạch rõ ràng trong kỳ đó.
3. Làm gì khi DN tăng vốn quá nhanh? Khi một DN tăng vốn nhanh, lợi nhuận không tăng tương ứng do việc tăng vốn do các dự án cần có thời gian để tạo ra lợi nhuận. Nói cách khác, tăng vốn quá nhanh thường làm loãng hay giảm EPS, tức làm cho cổ phiếu của DN kém hấp dẫn hơn khi tính chỉ số P/E. Trong trường hợp này, nếu muốn biết chính xác EPS của công ty, bạn cần tính EPS cho dự án hiện hữu và EPS cho dự án mới khi dự án đi vào hoạt động bình thường.
4. Các khoản đầu tư dưới 20% vốn cổ phần vào công ty khác: Kế toán Việt Nam ghi theo giá gốc (trừ các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán được ghi theo giá thị trường) mà không ghi theo giá thị trường như chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Điều này làm cho lãi của những DN có khoản đầu tư tài chính lớn sẽ có sự chênh lệch lớn so với cách tính lãi theo chuẩn mực quốc tế, và nó không phản ánh đúng giá trị tài sản của công ty.
5. Lãi của các khoản đầu tư trên 20% vốn góp vào công ty khác: Do việc không rõ ràng trong hướng dẫn chế độ kế toán Việt Nam, nên đa phần các công ty ghi lãi ở thời điểm nhận cổ tức và theo số tiền cổ tức thực nhận (kế toán trên cơ sở tiền mặt, không trên cơ sở dồn tích-Accural). Theo chuẩn mực kế toán quốc tế, thì khoản này sẽ ghi vào kỳ có phát sinh lãi của công ty nhận vốn góp và số lãi được tính theo tỷ lệ vốn góp vào công ty, nhân với tổng số lãi dành cho các cổ đông, bất kể công ty đã nhận được cổ tức hay chưa.
đtck
|