Thứ Ba, 19/02/2008 07:35

Ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất

* Nhiều ngân hàng tạm ngừng cho vay

Tình trạng thiếu tiền đồng tại các ngân hàng (NH) thương mại đã trở thành một cuộc khủng hoảng, khi nhiều NH đồng loạt tạm ngừng cho vay mới, tập trung đi thu nợ cũng như tăng lãi suất huy động.

Đồng loạt tạm ngưng cho vay

Mặc dù không công bố công khai nhưng theo khảo sát của Thanh Niên, rất nhiều NH thương mại cả cổ phần lẫn quốc doanh, vào cuối tuần trước đã bắt đầu tạm ngừng giải quyết các khoản cho vay mới. Một số NH cổ phần thậm chí còn hạn chế tối đa các khoản giải ngân, chỉ tập trung vào những khách hàng quan trọng nhất và theo những hợp đồng đã ký từ trước. Công việc quan trọng số 1 của họ là tập trung vào việc thu hồi các khoản nợ cũ để đáp ứng yêu cầu nguồn vốn về dự trữ bắt buộc của NH Nhà nước Việt Nam cũng như nguồn vốn cho việc mua tín phiếu NH Nhà nước Việt Nam bắt buộc theo quyết định vừa mới được ban hành (tổng cộng các NH phải mua 20.300 tỉ đồng).

Tổng giám đốc một NH cổ phần tại Hà Nội than: "Bây giờ chúng tôi còn đang khốn khổ với khả năng thanh toán, chưa đủ yêu cầu về dự trữ bắt buộc thì lấy đâu ra tiền để cho vay mới". Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank, thì cho biết Techcombank vẫn kiểm soát được tình hình nhưng chỉ tập trung vào những dự án mà khách hàng thực sự kinh doanh, có nhu cầu cấp thiết và không có yếu tố đầu cơ.

Nguồn tin riêng của Thanh Niên cho biết, tại một NH rất lớn, Ban lãnh đạo NH này thông báo cho toàn bộ các chi nhánh của mình tạm ngừng việc cho vay mới và chỉ cho vay những khách hàng mới nếu khách hàng đó có hồ sơ vay thực sự tốt, nhưng với lãi suất tối thiểu phải từ 2%/tháng. Tuy nhiên, một chuyên gia NH có thâm niên về kinh doanh tiền tệ cho biết: "Thực chất thì không có NH nào muốn cho vay khách hàng mới, bởi nếu còn vốn dư thì họ đã có thể cho vay trên thị trường liên NH vừa an toàn mà lãi suất lại rất cao - lãi suất qua đêm phổ biến trên 20%/năm, chứ đâu cần phải cho vay khách hàng mới làm gì".

Trước khi nghỉ Tết, lãi suất trên thị trường liên NH đã tăng đến mức chóng mặt, có thời điểm lãi suất cho vay qua đêm đạt 28%/năm nhưng chỉ với khối lượng vay không nhiều. Sau Tết tình trạng được nhiều chuyên gia NH gọi là "có tính thời điểm do thời vụ" không những không giảm mà còn căng thẳng hơn và trên diện rộng.

Một chuyên gia NH đề nghị không nêu tên cho biết, một số NH về mặt nguyên tắc đã bị lâm vào tình trạng mất thanh khoản và phải vay tiền ngắn hạn bằng mọi giá. Ông này còn cho biết thêm, có những NH cũng còn vốn nhưng vẫn không dám cho vay qua đêm trên thị trường liên NH dù lãi suất cực cao vì "sợ cho vay xong, đến hạn NH vay cũng không trả kịp mà lúc đó chưa thu xếp được vốn thì chết dở".

Ồ ạt tăng lãi suất

Cùng với việc thắt chặt các khoản cho vay mới, các NH cũng ồ ạt tăng lãi suất huy động tiền gửi. Chỉ trong ngày 18.2 có ít nhất 4 NH tăng lãi suất huy động tiền đồng. Đó là NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), NH TMCP ngoài quốc doanh (VP Bank), NH TMCP Phương Đông (OCB) và NH TMCP phát triển nhà TP.HCM (HD Bank). Vào cuối tuần trước một số NH như Á Châu (ACB), Đông Á (DongA Bank), Đông Nam Á (SeA Bank)... cũng đã tăng lãi suất huy động tiền đồng. Mức tăng lãi suất huy động của các NH từ 0,6 - 1,3%/năm. Thậm chí lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của VP Bank đã vượt qua mức 10%/năm, lên 10,5%/năm. Một số NH đã điều chỉnh tăng lãi suất lần thứ 2 kể từ đầu năm đến nay như DongA Bank, OCB...

Để tạo niềm tin cho khách hàng gửi tiền, VP Bank đưa ra sản phẩm "Tiết kiệm bù lạm phát". Khách hàng tổ chức và cá nhân gửi tiền đồng kỳ hạn 12 tháng lĩnh lãi cuối kỳ sẽ được VP Bank cam kết bù thêm một phần hoặc toàn bộ chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và tỷ lệ lạm phát thực tế do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố. Ông Lê Đắc Sơn - Tổng giám đốc cho rằng: "Nếu lạm phát (không vượt quá 12%/năm) cao hơn lãi suất của NH thì NH sẽ bù đắp toàn bộ phần chênh lệch lãi suất. Trường hợp lạm phát vượt quá 12%/năm thì khách hàng hưởng lãi suất 12%/năm".

Ban điều hành của các NH đều cho rằng nguyên nhân chính buộc các NH phải tăng lãi suất huy động là nhằm chuẩn bị trong vòng 1 tháng nữa phải mua tín phiếu bắt buộc trong khi tình hình khan hiếm tiền đồng đang ở trong tình trạng "căng như dây đàn".

Tăng lãi suất huy động, tất nhiên các NH phải tăng lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay tiền đồng so với trước đã tăng thêm từ 1,8% - 2,4%/năm, dao động từ 14,4 - 15,6%/năm. Mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay khoảng 5%/năm. Tổng giám đốc một NH TMCP cho rằng lãi suất cho vay tăng cao do phải gánh đồng thời hai khoản  gồm lãi suất huy động tăng và   dự trữ bắt buộc tăng (chưa kể tín phiếu bắt buộc có lãi suất chỉ 7,8%/năm, trong khi lãi suất huy động của các NH từ 9,6 - 10,5%/năm). Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VPBank, cho biết: "Lãi suất trên thị trường sẽ có một mặt bằng mới mà chưa NH nào có thể biết là bao nhiêu. Đây chính là lý do chúng tôi phải điều chỉnh lại lãi suất cho vay đối với khách hàng cũ theo từng hợp đồng và tạm ngưng việc cho vay mới".

Nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh sau khi NH thắt chặt cho vay, trong khi việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán không còn dễ dàng như trước.

Lãi suất huy động tiền đồng đang áp dụng tại một số NH hiện nay

Đvt: %/tháng

NH 1 tháng 3 tháng 6 tháng 12 tháng
ACB
VP Bank
DongA Bank
Eximbank
HD Bank
OCB
SeA Bank

0,64
0,72
0,71
0,65

0,73

0,76
0,8
0,78
0,73
0,8
0,765
0,76
0,77
0,82
0,81
0,75
0,81
0,77
0,77
0,815
0,875
0,85
0,79
0,82
0,8
0,825

tn

Các tin tức khác

>   Bắt đầu hạn chế cho vay bất động sản (19/02/2008)

>   Các ngân hàng họp gấp bàn về vấn đề lãi suất (18/02/2008)

>   SCB tăng lãi suất lần thứ ba liên tiếp trong tháng (18/02/2008)

>   Ngân hàng bị trộm 2,6 tỷ đồng bằng thẻ ATM (18/02/2008)

>   Lãi suất tăng cao và hàng loạt tác động không mong đợi (18/02/2008)

>   Vàng giảm xuống còn 17,58 triệu đồng/lượng, có thể sắp tăng lại (18/02/2008)

>   VPBank áp dụng bù lãi suất tiết kiệm theo lạm phát (18/02/2008)

>   Có thể giảm nhiều loại thuế (18/02/2008)

>   Xe taxi chưa nộp thuế không được cấp tem taxi (18/02/2008)

>   Còn tầng ngầm của lạm phát? (18/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật