Mọi vị trí phải tốt để có một tập thể tốt
Năm 2002, ông Phạm Huy Hùng được giao nhiệm vụ tổng giám đốc Ngân hàng Công thương VN (Incombank). Qua rất nhiều vị trí công tác, ông Hùng luôn là người năng động sáng tạo trong công việc quản lý và điều hành. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hoặc ứng dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao trong kinh doanh. Incombank hiện được coi là một trong tứ trụ của ngành ngân hàng VN.
Qua 19 năm xây dựng và phát triển, với biết bao khó khăn và thử thách trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường, đến nay ngân hàng công thương VN đã có bước phát triển toàn diện về mọi mặt, giữ vững vai trò là ngân hàng chủ đạo, chủ lực trong việc huy động vốn, cho vay và đầu tư phát triển, cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các ngành kinh tế trọng điểm ở VN.
Ra đời năm 1988, Incombank được biết đến như một ngân hàng đi đầu trong việc cho vay 5 thành phần kinh tế. Cũng chính từ việc đi đầu này, vào những năm 1997-1998, nhiều rủi ro cộng với khủng hoảng tài chính khu vực đã khiến Incombank rơi vào hoàn cảnh không ít khó khăn. Tuy vậy kể từ năm 2002, với việc cơ cấu lại toàn diện hoạt động ngân hàng, đặc biệt là việc tập trung xử lý dứt điểm nợ tồn đọng từ năm 2002 trở về trước đồng thời củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực quản lý và năng lực cạnh tranh, Incombank đã có những bước tiến mạnh mẽ. Mức tăng trưởng nguồn vốn trong những năm qua đạt 22,19% (toàn ngành là 22,6% năm). Dư nợ cho vay nền kinh tế tăng trưởng bình quân 25,4% (toàn ngành 25% năm).
NHCT VN cũng đã hoàn thành giai đoạn I và giai đoạn II hiện đại hoá ngân hàng, hoàn thành việc chuyển đổi toàn hệ thống hạch toán và xử lý dữ liệu tập trung, phát triển nhiều dịch vụ tiện ích, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giao quyền và trách nhiệm cho các đơn vị cơ sở, đồng thời tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Chú trọng các công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ, đảm bảo công tác trong tiến trình hội nhập.
Có thể nói, trong 3 năm 2005, 2006 và 6 tháng đầu năm 2007 tốc độ tăng trưởng bình quân của NHCT VN về mọi mặt đều tăng đáng kể, điển hình vốn đầu tư từ 110.766.131 triệu đồng VN năm 2005, 129.756.004 triệu đồng VN năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007 đạt 148.171.238 triệu đồng VN tăng 117,5%, lợi nhuận trước thuế đạt 587.640 triệu đông VN tăng 147,5%, lợi nhuận sau thuế đạt 480.110 triệu đồng VN tăng 152%. Tổng doanh thu năm 2005 là 12.610.177 triệu đồng VN, năm 2006 là 17.101.565 triệu đồng VN, 6 tháng 2007 đạt 10.173.078 triệu đồng VN tăng 117%.
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi về những bước đi của Incombank, ông Phạm Huy Hùng luôn nhấn mạnh công tác đào tạo, đổi mới công nghệ và sự sáng tạo, mạnh dạn đi trước trong kinh doanh. Đây cũng là những đức tính mà mỗi cán bộ công nhân viên của Incombank thường nói khi được dịp phát biểu về tổng giám đốc của mình.
- Incombank được đánh giá là ngân hàng VN đi đầu trong việc cung ứng rất nhiều dịch vụ tiện ích cho xã hội. Bản thân ông cũng thường được nhắc tới với hình ảnh là người Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hoặc ứng dụng công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao trong kinh doanh và dịch vụ ngân hàng như đưa các dịch vụ thẻ ATM, Mastercard … vào kinh doanh. Xin ông cho biết suy nghĩ của mình về những điều này?
Tôi nghĩ rằng mỗi người khi ở vị trí công tác nào thì quan trọng nhất là hãy làm cho tốt công việc của mình. Nếu mọi người ở mọi vị trí đều làm việc của mình một cách tốt nhất thì không có lý do gì để DN không phát triển và vững mạnh. Cũng chính từ những suy nghĩ này, tôi luôn cố gắng và được mọi người gọi là sáng tạo rồi dám làm, dám nghĩ… Incombank là một trong các ngân hàng đi đầu trong rất nhiều dịch vụ tiện ích cung ứng cho xã hội. Năm 2001, Incombank là một trong những ngân hàng thương mại đầu tiên giới thiệu thẻ ATM ra thị trường. Từ chỗ chỉ có 33 máy ATM năm 2002, đến nay Ngân hàng Công thương Việt Nam đã có hơn 500 máy ATM hoạt động 24/24h và 137 cơ sở chấp nhận thẻ cùng với 99 điểm rút tiền mặt.
Số dư thanh toán bình quân qua thẻ ATM là 50 tỷ đồng/ngày. Tính đến 30/6/2007 tổng số thẻ phát hành của Ngân hàng Công thương Việt Nam lên tới 812.000 thẻ, chiếm thị phần 14% trên toàn thị trường; tăng 803.930 thẻ so với năm 2002 (năm đầu tiên phát hành). Năm 2003 Ngân hàng Công thương Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức Thẻ VISA MASTER CARD, toàn hệ thống đến nay đã phát hành được 3.700 thẻ tín dụng quốc tế. Phát hành một số thẻ đa chức năng được đưa ra thị trường, triển khai phát hành thẻ VISA trả trước - BOPO.
- Vào những năm 1997 -1998, nợ xấu lên cả nghìn tỷ, biện pháp nào đã giúp NHCT thoát khỏi những khó khăn đó và tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng hiện là bao nhiêu?
Đúng là đã có lúc nợ xấu lên tới gần 30%. Tuy nhiên nhờ cơ cấu lại toàn bộ hoạt động của ngân hàng nên tới năm 2006, những khoản nợ xấu chỉ còn 2% và hiện nay tỷ lệ này chỉ còn chưa tới 1%.
Vào thời kỳ khó khăn nhất, tôi được giao nhiệm vụ phó tổng giám đốc ngân hàng, phụ trách kinh doanh. Lúc đó chúng tôi đã phải trăn trở rất nhiều, tìm hướng đi vừa củng cố lại hoạt động, vừa đảm bảo tăng trưởng, giữ thị phần và định hướng lại hoạt động để đảm bảo an toàn, hiệu quả và bền vững. Lấy hiệu quả kinh doanh để trang trải những thiệt hại từ rủi ro trước đây. Tới nay có thể nói, những khó khăn tưởng như không qua khỏi đã lùi xa, năm 2007, NHCT được đánh giá là ngân hàng cho vay lành mạnh nhất VN.
- Ông có thể cho biết cụ thể hơn những biên pháp đã được thực hiện khi ông giữ cương vị phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh không?
Lúc đó chúng tôi đã tiến hành phân tích từng khoản nợ, cùng với khách hàng xử lý sâu sát từng việc cụ thể để làm sao có thể nhanh nhất thu hồi nợ và giảm thấp nhất thiệt hại. Suốt nhiều năm chúng tôi đã thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng để nhanh chóng lành mạnh hoá nền tài chính DN, thoát khỏi khó khăn. Cũng phải nhìn nhận rằng, với chính sách cho phép phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro (cơ chế ra đời từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn làm phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước), đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc ra khỏi khủng hoảng và phát triển được như ngày hôm nay để trở thành một “trụ” mạnh trong “tứ trụ” của ngành Ngân hàng VN.
- NHCT VN được đánh giá là một ngân hàng đầu tư rất bài bản cho việc hiện đại hoá và áp dụng các công nghệ mới trong kinh doanh và vận hành hệ thống quản lý. Xin ông cho biết cụ thể nội dung này và mạng lưới hoạt động của Ngân hàng đang được triển khai như thế nào?
Tháng 6/2006 NHCT VN đã hoàn thành giai đoạn 1 Dự án Hiện đại hóa ngân hàng, xây dựng hoàn thiện hệ thống ngân hàng cốt lõi, kết nối trực tuyến từ Trụ sở chính đến 137 chi nhánh, 145 phòng giao dịch, 435 điểm giao dịch, quỹ tiết kiệm trên toàn quốc. Hệ thống INCAS cho phép Trụ sở chính có thể giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình nghiệp vụ tại từng chi nhánh. Đến nay, NHCT VN tiếp tục triển khai giai đoạn II, phát triển thêm một số Module nghiệp vụ mới, chỉnh sửa nâng cấp các Module hiện có, tìm kiếm đầu tư thêm các chương trình quản lý rủi ro. Trong đó tập trung nâng cao năng lực quản trị điều hành, kiểm tra kiểm soát, quản trị rủi ro, bảo mật và an ninh dữ liệu.
Chúng tôi luôn cập nhật những công nghệ mới nhất của khu vực và thế giới. Liên tục cải tiến các sản phẩm cho phù hợp với đòi hỏi của thị trường và đảm bảo các lợi thế cạnh tranh với các ngân hàng hoạt động trên lãnh thổ VN. Nghiên cứu phát triển các sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng của công nghệ hiện đại, phù hợp với xu thế thương mại điện tử và nền kinh tế tri thức, chuẩn bị điều kiện và khả năng hội nhập được với thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng khu vực và quốc tế. Ngoài ra NHCT VN còn thành lập các Cty liên doanh và Cty trực thuộc như: Cty chứng khoán NHCT, Cty quản lý nợ và khai thác tài sản, Cty cho thuê tài chính NHCT, Cty liên doanh bảo hiểm châu Á NHCT, Cty liên doanh cho thuê tài chính quốc tế (VILC), liên doanh ngân hàng Indovina, Cty chuyển mạch tài chính quốc VN, để đáp ứng tốt nhu cầu dịch vụ tài chính đa dạng của khách hàng. Do vậy danh mục các sản phẩm dịch vụ đã được phát triển hoàn thiện hơn, nhiều sản phẩm mới đã mang lại nhiều tiện ích và giá trị gia tăng cho khách hàng. Để các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến được với khách hàng một cách thuận tiện nhất, NHCT đã quan tâm đặc biệt tới việc mở rộng và phát triển thị trường trong, ngoài nước. Đến nay, với thị trường trong nước NHCT đã có mạng lưới kinh doanh phát triển rộng khắp gồm: 2 sở giao dịch, 137 chi nhánh, 158 phòng giao dịch, 144 điểm giao dịch, 287 quỹ tiết kiệm, hơn 500 ngân hàng giao dịch tự động (ATM), 1 trung tâm đào tạo và trung tâm công nghệ thông tin. Có quan hệ ngân hàng đại lý với 735 ngân hàng trên khác toàn cầu và có thể đi bằng điện SWIFT có gắn mã khoá tới 11.915 ngân hàng và chi nhánh trên toàn cầu. Hoạt động kiều hối đạt được nhiều kết quả khả quan, lượng chuyển tiền kiều hối qua Ngân hàng Công thương Việt Nam ngày càng tăng. Doanh số chi trả kiều hối năm 2006 đạt 450 triệu USD tăng 66% so với 5 năm trước đây (năm 2002). Mạng lưới chi trả được mở rộng nhiều điểm chi trả kiều hối Western Union, nâng tổng số điểm chi trả kiều hối của toàn hệ thống lên 414 điểm.
Chúng tôi đang tiếp tục tập trung nguồn lực và trí tuệ để nâng cấp hệ thống thanh toán chuyển tiền, triển khai các sản phẩm mới như Telephone banking, Internet banking, tăng tiện ích cho khách hàng. Hệ thống thanh toán chuyển tiền của NHCT VN đã được nhận giải thưởng “Cúp vàng Sản phẩm uy tín chất lượng” và “Cúp vàng Topten Thương hiệu Việt Nam” của Cục sở hữu Công nghiệp Việt Nam do khách hàng bình chọn và Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam.
- Không ít người đã nói rằng ông là một trong những lãnh đạo đã rất coi trọng công tác đào tạo nhân lực. Ông có thể cho biết những đánh giá của mình liên quan tới nguồn nhân lực trong sự phát triển của DN và công tác đào tạo ở NHCT VN đã được thực hiện như thế nào?
NHCT VN phát triển được như ngày nay, theo tôi một phần rất lớn kết quả đến từ việc chúng tôi đã rất chú trong tới phát triển nguồn nhân lực. Lúc mới thành lập chỉ có 30% có trình độ đại học thì năm 2000 là 40% và nay là 65%. Trung cấp, cao đẳng chỉ còn dưới 30% và số người có trình độ trên đại học trong 14 nghìn cán bộ công nhân viên của ngân hàng khoảng hơn 500 người. Công tác đào tạo cũng giúp chuyển biến mạnh nhận thức của mỗi thành viên trong ngân hàng, thấm sâu ý thức ngân hàng là phục vụ, khách hàng là người trả lương chứ không phải như trước đây. Chúng tôi vẫn nói với nhau, cái thời như trong bài hát “em đi làm tín dụng” – Sương đêm chưa tan, em mang tiền Chính phủ, cho bản làng vay đủ… nuôi đàn lợn béo… Hiện nay tiền là của dân, huy động tới 95% từ dân do đó phải kinh doanh sao cho hiệu quả, thời bao cấp “cho bản làng vay đủ thì thôi” đã qua rất lâu rồi.
- Nếu nói về yếu tố khác biệt so với các Ngân hàng khác của NHCT VN, theo ông đó là gì?
Chúng tôi đáp ứng cho vay tới tất cả các thành phần, các ngành kinh tế, đặc biệt tập trung vào các ngành trọng điểm như Điện, Bưu chính viễn thông, Xi măng, Than, Dầu khí, các DN nhỏ và vừa... Tăng tỷ trọng cho vay trung và dài hạn là một trong những định hướng phát triển tín dụng của NHCT VN nhằm giúp các DN có điều kiện đầu tư chiều sâu, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu. Đó là tiền đề của công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Chúng tôi cũng tập trung mạnh vào các nghiệp vụ đầu tư kinh doanh phát triển trên thị trường trái phiếu, tín phiếu kho bạc, thị trường liên ngân hàng. Bằng hoạt động trên thị trường này, NHCT VN đã góp phần không nhỏ vào các công trình xây dựng trọng điểm của nhà nước đầu tư phát triển trong các ngành kinh tế xã hội, nhất là ngành giáo dục đào tạo.
- Cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, theo ông hiện nay tại VN những ngân hàng nào có thể là đối thủ của NHCT VN?
Có thể nói, tới nay NHCT VN đã có một vị trí mạnh. Nếu nói về đối thủ cạnh tranh, mối quan tâm cơ bản của chúng tôi là các ngân hàng nước ngoài sẽ vào VN. Để các ngân hàng VN có thể đứng vững và phát triển thì mỗi ngân hàng phải nhanh chóng tự hoàn thiện mình tất nhiên sự hợp tác gắn kết giữa các ngân hàng cũng là vô cùng quan trọng.
Một DN muốn phát triển tốt không thể thiếu người đứng đầu đủ năng lực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm... Đó cũng là những đức tính mà cán bộ công nhân viên NHCT VN thường nói về Tổng Giám đốc Phạm Huy Hùng. NHCT VN đã vượt qua khó khăn và gặt hái thành công nhờ những người đi đầu đã đi đúng hướng và mỗi người, mỗi vị trí luôn biết hoàn thành tốt nhất công việc của mình.
Ông Phạm Huy Hùng tốt nghiệp đại học Tài chính năm 1974. Trong những năm 1980-1988 công tác tại Bộ Tài Chính. Năm 1988 sau khi chuyển đổi ngân hàng 2 cấp, sáp nhập vụ Tín dụng Công nghiệp và tín dụng Thương nghiệp ra đời Ngân hàng Công Thương VN (Incombank), ông Hùng lần lượt đảm nhiệm các chức vụ phó văn phòng, phó phòng tín dụng, trưởng phòng kho quỹ. Năm 1993 được đề bạt phó giám đốc chi nhánh Ba Đình rồi giám đốc chi nhánh năm 1996. Năm 1997 ông Hùng tiếp tục được giao nhiệm vụ phó tổng giám đốc và tổng giám đốc Incombank năm 2002. Ông đã dành được nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước, Huân chương lao động hạng ba, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sĩ thi đua ngành Ngân hàng, Bằng khen Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Năm 2007 ông Hùng vinh dự được trao danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.
dđdn
|