Thứ Hai, 18/02/2008 09:34

Dệt may tìm cách chiếm lĩnh 3 thị trường lớn

Theo Bộ Công thương, dệt may là một trong những ngành có đóng góp lớn và ổn định vào mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu (XK) của cả nước.

Năm 2007, dệt may đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong danh mục các mặt hàng XK với kim ngạch đạt 7,7 tỉ USD, vượt qua cả dầu thô. Dự kiến năm nay, XK mặt hàng này sẽ đạt kim ngạch 9,5 tỷ USD với tốc độ tăng 23,4% so với năm ngoái và sẽ là mặt hàng XK có kim ngạch lớn nhất, giải quyết tới 3 triệu lao động. Trong đó, kế hoạch cho các thị trường chính gồm Hoa Kỳ đạt khoảng 5,5 tỉ USD, EU là 1,6-1,8 tỉ USD và thị trường Nhật Bản là 800 triệu USD.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, Bộ Công thương khuyến cáo DN cần thường xuyên cập nhật tin tức, số liệu của phía Hoa Kỳ, kịp thời thông tin định hướng cho DN. Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ làm việc với Bộ Thương mại Hoa Kỳ theo hướng giảm bớt tác động, ảnh hưởng của cơ chế giám sát (giảm bớt diện mặt hàng có khả năng sản xuất ra khỏi danh sách bị giám sát) và minh bạch hoá các tiêu chí điều kiện tự khởi động điều tra chống bán phá giá hàng dệt may Việt Nam (VN) của Hoa Kỳ để các nhà nhập khẩu (NK) nước ngoài và DN yên tâm sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống nối mạng và điều hành hai chiều giữa Bộ Công thương và Hải quan, triển khai hoạt động của Tổ kiểm tra cơ động, đồng thời tổ chức làm việc với các DN sản xuất và XK lớn (đặc biệt là XK những mặt hàng trọng điểm giám sát) để nắm rõ khả năng sản xuất, XK và đưa ra kế hoạch đẩy mạnh XK phù hợp.

Với thị trường Nhật Bản, phía VN sẽ liên kết với Nhật Bản hỗ trợ xây dựng Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu dệt may và Trung tâm đào tạo chất lượng cao và hợp tác quốc tế cho ngành dệt may nhằm cung cấp nguyên phụ liệu và đào tạo cán bộ kỹ thuật tay nghề cao và cán bộ thiết kế, thời trang cho ngành. Bên cạnh đó còn tổ chức xúc tiến thương mại tại Nhật Bản để đẩy mạnh XK sang thị trường này.

Riêng với thị trường EU, 2008 được đánh giá là năm sẽ rất khó khăn với hàng dệt may nước ta tại thị trường này vì Liên minh châu Âu (EU) bãi bỏ hạn ngạch dệt may đối với Trung Quốc, nên các quốc gia XK dệt may sang thị trường này, trong đó có VN, sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn.

Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), việc EU bãi bỏ hạn ngạch đối với hàng dệt may Trung Quốc, đồng thời áp dụng một hệ thống giám sát “kiểm tra kép” để theo dõi việc cấp phép XK hàng dệt may tại Trung Quốc và việc NK mặt hàng này vào EU, sẽ tác động đáng kể đến hàng dệt may VN xuất sang EU, bởi Trung Quốc có năng lực cạnh tranh rất lớn do chủ động được nguyên liệu và có khả năng đáp ứng nhiều loại phẩm cấp hàng hóa. Không chỉ riêng các DN XK dệt may VN, mà các DN của nhiều quốc gia XK dệt may lớn khác như ấn Độ, Bangladesh... cũng lo ngại trước sức cạnh tranh của hàng dệt may Trung Quốc tại thị trường EU năm nay.

Vitas cho rằng, DN cần nghiên cứu tác động của thị trường EU khi Trung Quốc được bãi bỏ hạn ngạch dệt may để có thể định hướng được mặt hàng và nước XK mà hàng dệt may có khả năng cạnh tranh cao. Đây là thị trường có nhu cầu hàng dệt may đa dạng, từ hàng phẩm cấp thấp đến chất lượng cao, nên rất phù hợp với năng lực sản xuất nhiều thành phần của VN. Do vậy, để thâm nhập sâu hơn, DN cần lưu ý nhìn nhận từ góc độ “cầu” của thị trường EU về sức mua, thị hiếu, tính đa dạng cũng như phân khúc thị trường, dân số..., trong đó điều rất quan trọng là nhận thức và khả năng thích ứng. Tham gia XK sang thị trường này, DN phải nhanh chóng thay đổi nhận thức, đó là không buôn bán theo kiểu lẻ, sỉ, mà phải thích ứng theo những tiêu chuẩn mà thị trường đòi hỏi. Đồng thời, DN nên tích cực tiếp cận thông tin, đúc rút kinh nghiệm từ những bài học trong ngành dệt may, cả trong nước và quốc tế, để tổ chức lại sản xuất.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là EU và Mỹ đang có đề xuất dự thảo thỏa thuận quy định về nhãn mác đối với hàng dệt may, giày dép và hàng du lịch trong khuôn khổ WTO. Theo đó, hàng dệt may XK phải có nhãn mác nêu rõ xuất xứ hàng hóa, thành phần vải và hướng dẫn sử dụng. Bởi vậy, khi quy định đó được thực thi, các DN dệt may VN phải thu thập đầy đủ thông tin và chuẩn bị để hàng hóa phù hợp với quy định mới.

hanoinet

Các tin tức khác

>   Vĩnh Long: Kêu gọi đầu tư được hưởng đến 15.000 USD/dự án (18/02/2008)

>   Kiến nghị xây dựng khu kinh tế Nam Phú Yên (18/02/2008)

>   Nhập siêu 2008 có thể đạt kỷ lục mới (18/02/2008)

>   Xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế-văn hóa của vùng Bắc Trung bộ (18/02/2008)

>   Hạ thủy tháp đuốc nặng trên 300 tấn (18/02/2008)

>   Rắc rối chuyện đền bù ở Khu kinh tế Dung Quất (18/02/2008)

>   Đừng để tắc sân bay như tắc đường! (18/02/2008)

>   Chạy thử nghiệm tàu 5 sao tuyến Sài Gòn-Diêu Trì (17/02/2008)

>   Khơi thông môi trường đầu tư phát triển doanh nghiệp (17/02/2008)

>   FAO đánh giá cao VN mở rộng diện tích trồng chè (17/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật