Nhập siêu 2008 có thể đạt kỷ lục mới
Nhập siêu năm 2007 đã lên đến 12,443 tỉ USD, cao nhất từ trước tới nay; tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu lên đến 25,7%, cao nhất trong 10 năm qua. Năm nay, nhập siêu có thể xác lập kỷ lục mới.
Theo tính toán và dự báo của Bộ Công thương thì nhập siêu năm 2008 có thể lên đến trên 17 tỉ USD; còn theo các chuyên gia kinh tế thì mức nhập siêu không những đạt kỷ lục mới mà còn có thể cao gấp rưỡi năm trước, tức là lên tới 18-19 tỉ USD! Trên thực tế, mới tháng 1 năm 2008 đã nhập siêu 1 tỉ USD, cao gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Những dự báo trên xuất phát từ nhiều yếu tố.
Trước hết là do hiệu quả và sức cạnh tranh của sản xuất trong nước còn thấp, hoặc là hậu quả của việc bảo hộ cao trong nhiều năm qua. Những hạn chế, bất cập đó vốn đã có từ trước, nhưng khi chúng ta ra biển lớn - gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - thì mới "hé lộ" ra. Tuy nhiên, năm qua mới chỉ là năm đầu tiên của lộ trình mở cửa, việc cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu cũng chỉ thực hiện trên ít loại hàng hóa và dịch vụ, với mức cắt giảm còn thấp. Năm nay là năm thứ hai, việc mở cửa hội nhập sẽ sâu rộng hơn theo cam kết, số loại hàng hóa, dịch vụ được cắt giảm thuế suất sẽ tăng lên, mức cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu sẽ còn cao hơn nhiều, càng làm cho hạn chế, bất cập trên bộc lộ mạnh hơn.
Vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Sản xuất trong nước có những lợi thế mà hàng nhập khẩu khó sánh được như giá nhân công rẻ, tốn ít chi phí vận chuyển khi sản xuất cũng như khi tiêu thụ, có khách hàng quen, có thu nhập và sức mua còn thấp nhưng đã tăng nhanh. Hàng nông sản thực phẩm do nông dân làm ra về cơ bản chỉ là lấy công làm lãi. Các ngành công nghiệp gia công thì chi phí tiền lương rất thấp. Các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, nhất là clinke, xi măng thì nguồn đá vôi sẵn có, chi phí vận chuyển nguyên vật liệu cho sản xuất và sản phẩm tiêu thụ chắc chắn ít hơn nhiều so với nhập khẩu,... Thế nhưng nghịch lý là giá bán trong nước vẫn cao hơn hàng nhập khẩu.
Vậy cái gì đã làm cho sản xuất trong nước không cạnh tranh được với hàng ngoại nhập? Đó chính là do thiết bị, kỹ thuật - công nghệ còn lạc hậu, tiêu hao điện năng, xăng dầu, nguyên vật liệu tính trên một đơn vị sản phẩm còn lớn, năng suất lao động thấp; đó là do những chi phí xã hội (phi kinh tế) còn cao, nhất là các chi phí "bôi trơn" ở hầu hết các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, vận chuyển,... Đó chính là do các chi phí về vay vốn (lãi suất ngân hàng), chi phí thuê mua bất động sản còn rất cao, chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm và chi phí lưu thông. Điều đó giải thích tại sao các doanh nghiệp lớn không tập trung vào lĩnh vực chuyên môn của mình mà muốn mở rộng và thu lãi ở đầu tư tài chính (thành lập công ty tài chính, công ty chứng khoán, ngân hàng), đầu tư vào bất động sản. Đó là tình trạng ách tắc giao thông, làm chậm quá trình vận chuyển, tăng chi phí vận chuyển,...
Kinh tế Mỹ đang phải vật lộn với nguy cơ suy thoái, đồng USD sẽ tiếp tục giảm giá, trong khi xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ hiện lên tới 10,3 tỉ USD, chiếm tới 21,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nên tốc độ tăng xuất khẩu vào Mỹ nếu không bị giảm thì sẽ không tăng cao như trước. Mặt khác, hàng hóa của các nước nhất là Trung Quốc, các nước trong khu vực xuất khẩu vào Mỹ nếu gặp khó khăn sẽ tràn vào nước ta, cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa sản xuất trong nước.
Công nghiệp phụ trợ, công tác nội địa hóa đã được đề ra từ lâu, nhưng chậm phát triển. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển biến vẫn còn chậm. Mặt hàng có kim ngạch lớn nhất (dầu thô) và các mặt hàng có kim ngạch lớn khác (than) là nguyên liệu thô khai thác; việc xuất khẩu mặt hàng này sẽ ngày một giảm theo chủ trương tiết kiệm tài nguyên. Các mặt hàng có kim ngạch lớn thứ hai, thứ ba (dệt may, giày dép) và một số khác như gỗ và sản phẩm gỗ, điện tử máy tính, sản phẩm nhựa,... lại là hàng gia công, có giá trị tăng thấp, thực thu ngoại tệ ít. Những mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, thủy sản, cao su, hạt điều, rau quả,... hầu hết chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế; thường phải bán qua trung gian, nên giá bán thấp hơn sản phẩm cùng loại, cùng phẩm cấp của nước khác; khối lượng xuất khẩu cũng không còn tăng được như cũ, thậm chí có mặt hàng còn giảm. Vấn đề đặt ra là phát triển ngay công nghiệp phụ trợ, khẩn trương nội địa hóa những sản phẩm trong nước sản xuất được để giảm tính gia công; phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu mới, tăng giá trị chế biến hàng xuất khẩu.
Trong một bộ phận dân cư có thu nhập cao đã xuất hiện tâm lý chuộng hàng ngoại, thích dùng hàng hiệu nhập khẩu từ nước ngoài. Khi tâm lý này trở thành phổ biến, đối với nhiều người, giá cả không còn là vấn đề lớn, thì hàng ngoại sẽ càng tràn vào, nhất là những hàng cao cấp, giá trị cao.
Nhà nước sẽ còn cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hơn nữa để tăng cung, giảm chi phí đầu vào, nhằm kiềm chế lạm phát ở trong nước, cũng như thực hiện cam kết khi gia nhập WTO.
Một số nhà hoạch định chính sách vĩ mô, quản lý chuyên ngành coi việc nhập siêu nếu để phục vụ sản xuất ở trong nước thì không có vấn đề gì. Trên thế giới, những nước nhập siêu lớn là những nước phát triển như Mỹ: hơn 800 tỉ USD, Anh 412 tỉ USD, Tây Ban Nha 96 tỉ USD, Pháp 43 tỉ USD,... Còn những nước đang phát triển lại xuất siêu lớn (châu Phi 41 tỉ USD, châu Á trên 110 tỉ USD, riêng Trung Đông 350 tỉ USD,...). Thực tế, các nước phát triển nhập siêu vì đang chuyển việc sản xuất sang các nước khác (thông qua đầu tư trực tiếp) để khai thác giá nhân công rẻ, thị trường tiêu thụ rộng lớn, giảm ô nhiễm ở nước mình,...; còn xuất siêu dịch vụ (thông qua đầu tư gián tiếp,...). Tuy Việt Nam nhập khẩu chủ yếu vẫn là tư liệu sản xuất, nhưng hàng tiêu dùng rất khó tách ra là nguyên liệu phục vụ sản xuất hay hàng hóa tiêu dùng (như xăng dầu, vải, điện tử máy tính,...). Ngay tư liệu sản xuất cũng không hoàn toàn là loại kỹ thuật - công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn mà nếu không xem xét cẩn thận khi nhập khẩu thì Việt Nam sẽ trở thành bãi rác thải công nghệ của thế giới.
Cần thấy rõ việc nhập siêu lớn và gia tăng là lợi bất cập hại, có chuyên gia còn coi nhập siêu trong một số trường hợp là "kẻ thù của doanh nghiệp". Về nguyên nhân nhập siêu, có người cho rằng do tỷ giá VND/USD đứng hoặc giảm, nên tìm cách để giảm giá đồng nội tệ, trong khi về thực chất tỷ giá VND/các đồng nội tệ của những nước mà chúng ta nhập siêu lớn vẫn tăng mạnh, trong khi USD đã mất giá tới 40% so với năm 2001; không thấy được những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế để tìm cách khắc phục, nâng hiệu quả và sức cạnh tranh...
tn
|