Thứ Hai, 25/02/2008 14:41

Cổ phần hóa, một động lực phát triển ngành dệt may

Ðược thành lập từ cuối năm 2005, Tập đoàn dệt may Việt Nam là một trong những tập đoàn mạnh, làm ăn có hiệu quả. Một trong những động lực thúc đẩy ngành dệt may vươn lên và phát triển bền vững khi nước ta gia nhập WTO là việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhanh chóng và triệt để.

Luồng sinh khí mới

"Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ trương của Ðảng và Nhà nước mà các ngành đang triển khai thực hiện. Ðối với ngành dệt may, CPH còn là một nhu cầu khách quan, bức bách. Vì trong thời kỳ hội nhập WTO, tính cạnh tranh trên thị trường rất cao, nếu không có luồng sinh khí mới thổi vào thì ngành dệt may rất khó đứng vững". Ðó là đánh giá của đồng chí Lê Quốc Ân, Chủ tịch HÐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam.

Trước yêu cầu bức bách để tăng sức mạnh cạnh tranh, ngành dệt may đã thực hiện CPH từ năm 1999, đến năm 2001, một số công ty may đầu tiên đã được CPH như: Bình Minh, Hữu Nghị, Ðồng Nai, Vĩnh Phú... Những năm tiếp theo, việc CPH được thực hiện rộng rãi hơn và nhanh chóng hơn. Tính đến cuối năm 2007, với việc CPH thêm hai DN lớn là: Tổng công ty may Việt Tiến và Tổng công ty dệt may Hà Nội, danh sách các đơn vị đã được CPH trong tập đoàn đã lên tới con số 74, chiếm tỷ lệ hơn 90,2% tổng số DN trong toàn tập đoàn. Hiện nay, quá trình CPH đang được triển khai tại năm DN: Tổng công ty Phong Phú, các công ty: Dệt kim Phương Ðông, Dệt kim Ðông Xuân, Dệt 8-3 và Tài chính dệt may, đến giữa năm 2008, năm DN này sẽ hoàn thành việc CPH.

Cái được lớn nhất của CPH là tạo ra cơ cấu quản lý vốn rõ ràng, minh bạch, phù hợp với mô hình công ty mẹ - công ty con. Người quản lý vốn biết rõ mình đang có trong tay bao nhiêu vốn và làm thế nào để số vốn đó sinh lời, bảo đảm quyền lợi của các cổ đông. Hội đồng quản trị và Ban giám đốc phải tìm mọi biện pháp tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhất. Nhìn chung, hơn 90% số DN sau khi CPH đều làm ăn có hiệu quả. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt trung bình khoảng 20%, đặc biệt có nhiều đơn vị đạt tỷ suất rất cao như: Công ty CP may Hưng Yên 73,9%, Công ty CP may Nhà Bè 62%, Công ty CP may Hồ Gươm 44,8%, Công ty CP may Phương Ðông 38,9%, Công ty CP may Nam Ðịnh 36,1%... Cổ tức chia cho các cổ đông hằng năm đạt bình quân 12%, cá biệt có nơi đạt từ 30% đến 50%. Một số đơn vị như: Dệt Vĩnh Phú, Dệt may Huế, Sợi Trà Lý... trước khi CPH sản xuất, kinh doanh thua lỗ, nhưng sau khi được CPH, việc làm ăn dần dần ổn định và bắt đầu có hiệu quả.

Một số đơn vị từ khi được CPH đã có những chuyển biến tích cực, thoát khỏi tình trạng trì trệ trước đây. Ðiển hình là Công ty cổ phần dệt Việt Thắng với mô hình công ty mẹ - công ty con gồm hai thành viên con là Công ty cổ phần may Việt Thắng và Công ty cổ phần nguyên phụ liệu dệt may Bình An. Năm 2007, chỉ sau một năm CPH, giá trị sản lượng của đơn vị này tăng 20%, doanh thu tăng 26%, lợi nhuận gấp bốn lần từ 12 tỷ lên 52 tỷ đồng. Công ty cổ phần dệt Phước Long cũng là một thí dụ sinh động về luồng sinh khí mới kể từ khi được CPH. Từ tháng 6-2005 về trước, công ty này gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, không đủ vốn để sản xuất, kinh doanh, trong khi đó hàng hóa ứ đọng không bán được. Từ khi được CPH với việc xác định lại vốn rõ ràng, nợ đọng được khoanh lại, công ty như được hồi sinh. Bằng cách quy hoạch lại sản xuất, định hướng đúng các mặt hàng, đầu tư chiều sâu và sắp xếp lại lao động, Công ty cổ phần dệt Phước Long bắt đầu đi lên vững chắc, lợi nhuận năm 2007 tăng gấp tám lần so với năm 2006.

Cái được lớn thứ hai từ việc CPH DN là Nhà nước thu về được một số vốn khá lớn. Chỉ tính riêng trong năm 2006, với việc bán ra gần 41 tỷ đồng cổ phần, Tập đoàn dệt may Việt Nam đã thu được gần 95 tỷ đồng, làm tăng thêm vốn cho Nhà nước hơn 54 tỷ đồng.

Ðiều có ý nghĩa hơn cả khi các DN được CPH là quyền lợi và điều kiện làm việc của người lao động được cải thiện rõ rệt. Người lao động tùy theo năm công tác được mua cổ phiếu theo giá ưu đãi và được sắp xếp làm việc hợp lý hơn trong một mô hình sản xuất, kinh doanh năng động, hiệu quả hơn. Lực lượng lao động đã được tinh giản, bổ sung mới. Hàng chục nghìn cán bộ, công nhân cao tuổi hoặc không phù hợp với công việc đã được nghỉ việc và hưởng chế độ theo Nghị định 41 của Chính phủ. Riêng ở Công ty cổ phần dệt Việt Thắng, hơn 27 tỷ đồng đã được chi ra để trả cho 500 người nghỉ việc, thay vào đó là 500 cán bộ, công nhân trẻ phù hợp với công việc. Công ty cổ phần dệt Phước Long cũng đã chi ra hơn bảy tỷ đồng để giải quyết nghỉ chế độ cho hơn 200 lao động. Hầu hết các trường hợp được nghỉ chế độ đều cảm thấy thỏa đáng khi có được một khoản tiền đáng kể ra làm ăn ở bên ngoài. Trong khi những người được ở lại làm việc có hiệu quả và có thu nhập cao hơn trước. Nhiều nơi thu nhập của người lao động tăng từ 30% đến gần 50%, như Công ty cổ phần dệt Phước Long, Công ty cổ phần may Nhà Bè.

Xây dựng tập đoàn đa sở hữu

Tập đoàn dệt may Việt Nam đưa ra mục tiêu là đến năm 2010 sẽ trở thành tập đoàn đa sở hữu hàng đầu ở Việt Nam cả về quy mô sản xuất, kinh doanh và sức mạnh cạnh tranh sản phẩm trong khu vực Ðông - Nam Á. Ðến thời điểm này, tập đoàn sẽ có nhiều thương hiệu sản phẩm hàng đầu trong nước và khu vực, có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn hai tỷ USD và có mạng lưới bán lẻ rộng khắp cả nước.

Trong năm 2008, sẽ thực hiện CPH xong toàn bộ các DN thành viên. Việc CPH Tập đoàn dệt may Việt Nam cũng sẽ bắt đầu được triển khai bảo đảm được ba yêu cầu: tăng sức mạnh cạnh tranh của tập đoàn trên cả ba lĩnh vực: quy mô đầu tư, tài chính, thị trường; vốn Nhà nước phải tăng lên; tập đoàn giữ vai trò hạt nhân nòng cốt để phát triển ngành dệt may.

Mục tiêu hàng đầu của tập đoàn cũng như các DN thành viên sau khi được CPH là tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Vì thế, việc đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ và thiết bị cũng như việc nghiên cứu thị trường, thị hiếu để chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ đạo từ đẳng cấp trung bình sang đẳng cấp trung-cao đang được các nhà quản lý tập trung nghiên cứu. Các nhà sản xuất sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm vừa có tính thời trang, vừa có nhiều tính năng khác biệt, nâng cao giá trị cho người sử dụng. Việc đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng mở với thị trường thế giới cũng được các DN CPH chú trọng. Khi tất cả các hỗ trợ của Nhà nước cho ngành được bãi bỏ theo Quyết định 55/CP của Chính phủ, sau đó là chương trình giám sát bán phá giá hàng dệt may Việt Nam của Chính phủ Mỹ, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn. Từng DN phải có định hướng thị trường, xác định được chiến lược kinh doanh phù hợp với điều kiện cụ thể, từ đó xây dựng được thương hiệu DN trên thị trường bán buôn xuất khẩu và thương hiệu sản phẩm trên thị trường bán lẻ nội địa.

Các DN, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu giải quyết một số vấn đề nảy sinh sau CPH DN. Ðó là việc có một bộ phận công nhân chưa gắn bó thật sự với công ty cổ phần, chưa sử dụng quyền được mua cổ phiếu ưu đãi để tham gia làm chủ công ty mà thường "bán lúa non" kiếm lời. Vì thế mục tiêu đa sở hữu DN sau CPH trong đó có sự tham gia của tập thể công nhân vẫn là chưa đạt được.

nd

Các tin tức khác

>   VietABank: Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2008 (25/02/2008)

>   VG – PIPE đầu tư 165 tỷ đồng cho 2 dự án lớn (25/02/2008)

>   CTCP Cơ khí và Xây lắp 276 chia cổ tức năm 2007 (23/02/2008)

>   Quỹ đầu tư Mỹ mua 49% cổ phần của VCBF (22/02/2008)

>   “Sẽ cân nhắc thời điểm lên sàn” (22/02/2008)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá của Công ty CP Gentraco (22/02/2008)

>   Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (22/02/2008)

>   Mua bán công ty đến thời (22/02/2008)

>   Chính thức cho phép mua cổ phần bằng ngoại tệ (22/02/2008)

>   HAGL Group: Đại hội Cổ đông thường niên năm 2008 (22/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật