Thứ Hai, 14/01/2008 09:31

Vì sao chưa có ngân hàng 100% vốn ngoại?

Hỏi chuyện ông Dương Quốc Anh, tân Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo cam kết WTO, từ 1/4/2007, các ngân hàng nước ngoài sẽ được thành lập ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam. Đến thời điểm này vẫn chưa có hồ sơ nào được duyệt. Vì sao có sự chậm trễ này thưa ông?

Về vấn đề này, bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng đã có sự chuẩn bị đón đầu. Ngay từ năm 2006, chúng tôi đã trình và Chính phủ đã ban hành Nghị định 22; tháng 6/2007, đã ban hành thông tư hướng dẫn.

Còn về sự chậm trễ này có thể nói là do vấn đề kỹ thuật, có từ cả hai phía. Đó là từ ngân hàng nước ngoài, khi họ gửi hồ sơ cho chúng tôi, các hồ sơ đó không phải là hoàn thiện và phải bổ sung, làm rõ hơn dẫn đến sự chậm trễ.

Về phía chủ quan chúng tôi, cũng có 3 yếu tố: Thứ nhất là trong cả một thời gian dài không cấp phép cho ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh tại Việt Nam cũng như thành lập các ngân hàng cổ phần. Vừa rồi họ liên tục gửi hồ sơ lên và chúng tôi phải tập trung xử lý số hồ sơ tồn đọng này. Thứ hai là thực sự đội ngũ cán bộ rất là mỏng trong khi phải quản lý hoạt động cả một hệ thống ngân hàng. Thứ ba là yêu cầu về công tác thẩm định đối với trường hợp ngân hàng nước ngoài thành lập ngân hàng con 100% vốn thận trọng hơn.

Liên quan đến yêu cầu phối hợp giám sát giữa các nước có ngân hàng xin cấp phép, hiện chúng tôi đã hoàn thành đàm phán và ký kết với 6 nước, đang chuẩn bị kết thúc đàm phán với 3 nước khác và sẽ có tổng 20 nước trong thời gian tới.

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước trong việc xét duyệt những trường hợp này như thế nào?

Trước hết là yêu cầu phải đảm bảo làm sao khi ngân hàng đó vào hoạt động lành mạnh, vì sự an toàn chung của toàn hệ thống; phải thực hiện đúng các nội dung mà Việt Nam đã cam kết với các tổ chức quốc tế khi gia nhập WTO.

Còn các điều kiện cụ thể thì tất nhiên là khó hơn các điều kiện xin mở chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hay ngân hàng cổ phần trong nước. Ví dụ như điều kiện về tài chính là các ngân hàng mẹ phải có tổng tài sản có trên 10 tỷ USD, rồi các điều kiện phi tài chính như ngân hàng mẹ phải “sạch sẽ”, không vi phạm các quy định của pháp luật nước đó.

Hiện đã có 6 bộ hồ sơ gửi về, trong đó có 5 hồ sơ tương đối hoàn thiện nhưng hiện vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Chúng tôi tiếp tục thẩm định, chưa phải là đã xong. Trường hợp hồ sơ đã hoàn thiện, chúng tôi sẽ trình lên Hội đồng thẩm định, sau khi thẩm định và thấy đảm bảo được các yêu cầu thì sẽ trình Thống đốc xét duyệt. 5 bộ hồ sơ nói trên nếu họ hoàn thiện nhanh thì chúng tôi cũng sẽ thực hiện cấp phép nhanh thôi. Ngân hàng nào hoàn thiện trước thì sẽ được cấp trước.

Liệu có hay không việc Ngân hàng Nhà nước trì hoãn cấp phép vì e ngại sự cạnh tranh lớn từ những ngân hàng này?

Thứ nhất là chúng tôi không có ý định trì hoãn bởi vì Đảng và Chính phủ đã quyết tâm hội nhập, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo xử lý vấn đề này. Khi mà các ngân hàng đó tham gia vào thị trường, sức cạnh tranh của họ trong thời gian qua đã được Chính phủ và chúng tôi cảnh báo các ngân hàng trong nước để họ nhận thức được vấn đề này.

Vậy theo ông, các ngân hàng trong nước đã sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh này chưa?

Tôi nghĩ các ngân hàng trong nước cũng đã có cố gắng nhất định trong việc chuẩn bị trước cho cuộc cạnh tranh này. Về phía Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi cũng cố gắng tạo điều kiện cho các ngân hàng trong nước lớn mạnh lên, như hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện để họ nâng cao năng lực tài chính của mình, cải cách tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực quản lý điều hành.

Trước đây có một số lo ngại là sau một năm gia nhập WTO sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể phá sản, giải thể. Nhưng nay, sau một năm nhìn lại, chúng ta thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh, sản phẩm nhiều lên, có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tôi cũng tin rằng với sự chuẩn bị tích cực và năng động của các ngân hàng Việt Nam, họ sẽ tìm được chỗ đứng của mình, bảo vệ được thị phần.

Tất nhiên, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, có thể nói rằng cạnh tranh trên thị trường ngân hàng sẽ rất khốc liệt. Các ngân hàng nước ngoài có tiềm lực tài chính, công nghệ, năng lực quản lý, kinh nghiệm thương trường tốt hơn. Nhưng chúng ta cần nhìn ở khía cạnh khác. Tức là khi tham gia vào cuộc cạnh tranh này, các ngân hàng sẽ phải tìm ra được phương án kinh doanh tốt nhất với bản thân mình, họ phải đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động…

Về mặt thị trường thì các ngân hàng sẽ tìm cách cung cấp những sản phẩm tài chính, dịch vụ ngân hàng tốt hơn, như vậy sẽ tốt hơn cho nền kinh tế, cho cộng đồng. Tôi nghĩ rằng đây cũng là mục tiêu mà Đảng và Chính phủ nhắm đến trong mở cửa hội nhập.

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Gần 1,73 triệu đồng một chỉ vàng (14/01/2008)

>   Vay 200 triệu USD của ADB (14/01/2008)

>   Sang Lào thành lập công ty bảo hiểm (14/01/2008)

>   Bộ Tài chính ký Hiệp định vay vốn với Quỹ Phát triển Kinh tế Ả Rập Cô Oét (13/01/2008)

>   Tin đấu giá cổ phần (13/01/2008)

>   Ngân hàng tìm cách siết cho vay mua bất động sản (12/01/2008)

>   Thế giới trở lại giữ vàng? (12/01/2008)

>   ABBANK tăng lãi suất tiền gửi VND (11/01/2008)

>   10% dân số dùng thẻ ngân hàng (11/01/2008)

>   Ngân hàng của Xinhgapo mở rộng hợp tác tại VN (11/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật