Thứ Sáu, 25/01/2008 07:32

Tổ chức và quản lý thị trường OTC như thế nào?

Đó là nội dung thảo luận chính của ngày làm việc thứ hai (24.1) tại Hội nghị về thị trường vốn và tài chính do Bộ Tài chính và EuroEvents tổ chức.

Dự kiến trong năm nay, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HaSTC) sẽ đưa thị trường các cổ phiếu (CP) chưa niêm yết (OTC) vào quản lý. Giám đốc HaSTC, ông Trần Văn Dũng cho biết, điểm khác biệt lớn nhất giữa thị trường OTC có tổ chức là tất cả các giao dịch được thực hiện tại các công ty chứng khoán (CTCK) vào bất kỳ thời điểm nào.

Cuối ngày, CTCK gửi báo cáo về HaSTC để tổng hợp, trong đó có khối lượng dư mua, dư bán của các loại (CP). HaSTC sẽ tạo cơ chế để tất cả các CTCK thực hiện giao dịch cho khách hàng. Việc thanh toán được thực hiện qua ngân hàng, tương tự như các CP đã niêm yết.

Ông Nguyễn Thế Thọ, Trưởng ban Quản lý phát hành (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), cho rằng: "Mọi doanh nghiệp (DN) đã đăng ký công ty đại chúng nhưng chưa niêm yết đều có quyền tham gia vào thị trường OTC. Tôi cho rằng, công ty nào đã đăng ký công ty đại chúng cũng đều muốn tham gia vào thị trường này, DN nào chẳng muốn cổ phiếu của mình có tính thanh khoản cao". Theo Luật Chứng khoán, tất cả các DN đã đăng ký là công ty đại chúng đều phải thực hiện các nghĩa vụ như công bố công khai minh bạch thông tin (báo cáo tài chính năm có kiểm toán, thông tin bất thường...), quản trị công ty... Phó giám đốc CTCK Bảo Việt Phạm Quang Huy nhận định: "Thị trường OTC được tổ chức, chắc chắn những rủi ro về làm giá sẽ được hạn chế, quyền lợi của nhà đầu tư (NĐT) được đảm bảo".

Điều này sẽ tạo thêm hưng phấn cho NĐT tham gia thị trường. Hiện tại có 850 DN đăng ký là công ty đại chúng, từ nay cho đến năm 2010 sẽ có thêm  1.500 DN cổ phần hóa. Ông Nguyễn Thế Thọ nhận xét: "Thị trường OTC sẽ có quy mô lớn, là mảnh đất màu mỡ, là cơ hội lớn cho các NĐT”. Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại một thực tế là, có những DN đã trở thành công ty đại chúng nhưng vẫn không đăng ký với cơ quan quản lý. Họ ngại công bố, minh bạch thông tin. Với những trường hợp này, các cổ đông nhỏ bị thiệt thòi rất nhiều. Tuy vậy, ông Thọ cũng cho biết: "Tình trạng này sẽ được khắc phục, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và tiếp tục xử phạt mạnh đối với các trường hợp vi phạm". Mới đây, để tăng cường hơn nữa việc giám sát, Ủy ban Chứng khoán đã chính thức thành lập thêm Ban Kiểm tra, giám sát thị trường.

Về vấn đề NĐT nước ngoài tham gia thị trường OTC, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho hay: "Có ba khả năng mà cơ quan quản lý đang tính toán đến, một là để tỷ lệ vốn của NĐT nước ngoài tham gia vào các công ty ở mức 30%, hai là 49% và thứ ba là có thể phân nhóm, có những nhóm công ty mà NĐT nước ngoài có thể tham gia ở mức 100%".

Tất nhiên, cũng có những khó khăn khi HaSTC tổ chức thị trường OTC, trong đó "khó khăn nhất là việc các CTCK phải đủ năng lực nhận định, phân tích, đánh giá để xác định được giá bán, giá mua của các loại CP, việc này liên quan đến tính thanh khoản", Phó giám đốc BVSC Phạm Quang Huy nhấn mạnh. Một NĐT nước ngoài lo lắng: "Giao dịch OTC như thế, các CTCK sẽ có nhiều quyền lực, vì NĐT thực hiện giao dịch tại các CTCK, sau đó các công ty này chỉ báo giá giao dịch về cho HaSTC. Việc giao dịch và báo giá được giám sát như thế nào? Hệ thống mà HaSTC đề xuất dễ dẫn đến việc làm giá của các CTCK". Băn khoăn này được Giám đốc HaSTC Trần Văn Dũng giải tỏa: "Hệ thống này nó vừa có dáng dấp của thị trường OTC, vừa có dáng dấp của thị trường niêm yết. Giao dịch thực hiện ở các CTCK nhưng hằng ngày công ty này phải có báo cáo giá mua, giá bán và khối lượng dư mua, dư bán về HaSTC.

Dữ liệu này được HaSTC tổng hợp để đưa ra một mức giá mua, giá bán chung cho thị trường. Các thông số này được chuyển trực tiếp về cho các công ty, công ty chuyển tới NĐT và hiển thị trên bảng điện tử của HaSTC. NĐT sẽ so sánh với giá chung của thị trường, nếu làm giá họ sẽ biết ngay". Ông Dũng khẳng định: "Với cơ chế xác định giá như vậy, khả năng làm giá, giấu giá của các CTCK sẽ được hạn chế". Hơn nữa, với tư cách là người tổ chức thị trường, HaSTC phải có hệ thống phân tích, theo dõi để kiểm soát. Về các công ty thì đã có quy định để xử phạt khi sai phạm, nhất là hình ảnh của họ sẽ bị ảnh hưởng lớn khi nhà đầu tư phát hiện sai phạm.

TN

Các tin tức khác

>   Hơn 470 tỷ đồng xây nhà máy xi măng tại Quảng Bình (24/01/2008)

>   Xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP viễn thông FPT (24/01/2008)

>   Xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Licogi 12 (24/01/2008)

>   Xử phạt vi phạm hành chính đối với CTCP Thương mại và vận tải Sông Đà (24/01/2008)

>   Xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần MT Gas (24/01/2008)

>   SCB Đại hội cổ đông thường niên năm 2007 (24/01/2008)

>   CTCP Dầu thực vật Tân Bình: Thông báo chốt danh sách cổ đông (24/01/2008)

>   Tập Đoàn Hoa Sen: TB chốt danh sách cổ đông và tổ chức hội nghị Đại hội đồng cổ đông thường niêm năm 2008 (24/01/2008)

>   Cổ phần hoá: Nhiều doanh nghiệp “công toi” (24/01/2008)

>   Phải lùi thêm bước nữa (24/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật