Thúc đẩy thị trường để hỗ trợ cổ phần hoá
TTCK đang có những dấu hiệu bất thường khi chỉ số VN-Index và HASTC-Index liên tục phá các ngưỡng hỗ trợ mạnh, lượng đặt mua cũng như khối lượng và giá trị giao dịch thành công giảm mạnh. Mặc dù TTCK thế giới đã có những phiên phục hồi sau khi FED quyết định cắt giảm thêm 75 điểm phần trăm lãi suất, TTCK Việt Nam vẫn khá mong manh. Xu thế hiện nay nếu không được cải thiện sẽ tác động đến quá trình cổ phần hoá DNNN và sự phát triển chung của nền kinh tế.
Kể từ cuối tháng 5 năm 2007, ngay trước thời điểm IPO Bảo Việt và Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị 03 về khống chế cho vay cầm cố chứng khoán, sự suy giảm trở nên mạnh mẽ hơn. Tháng 9/2007, thị trường có dấu hiệu phục hồi. Nhưng vào thời điểm cuối tháng 9, phương án cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam được phê duyệt để tiến hành IPO cuối năm 2007. Như một diễn biến đã được tính toán trước, từ trung tuần tháng 10, thị trường lại tiếp tục giảm mạnh.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2010 sẽ có nhiều DNNN lớn trong những ngành “xương sống” của nền kinh tế được cổ phần hoá. Đương nhiên, hầu hết các tổ chức đầu tư lớn và các “đại gia” đón chờ từ lâu cơ hội được tham gia mua cổ phần những doanh nghiệp này với giá càng thấp càng tốt. Trong một thị trường mới nổi như TTCK Việt Nam hiện nay, không ít tổ chức đầu tư trong khối này sẵn sàng và có thể sử dụng các “mánh khóe” để đạt mục tiêu. Minh chứng cụ thể là, gần đây, một quan chức UBCK cho biết, cơ quan này đã phát hiện những dấu hiệu ghìm giá của một số tổ chức, trong đó có cả tổ chức nước ngoài. Đối với công chúng đầu tư, điều này không có gì ngạc nhiên, bởi từ lâu, nhiều cảnh báo dạng này đã được đưa ra. Nhưng chưa nói đến thực thi hiệu quả việc thanh tra, giám sát và xử phạt mà những chế tài cho hoạt động này cũng chưa được ban hành đầy đủ.
Rõ ràng, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự thành công, cũng như hiệu quả của chương trình cổ phần hóa, tăng sức cạnh tranh của khối DNNN. Nhân đây, xin được trích dẫn khuyến cáo của một số giáo sư trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ) trong dịp sang thăm và làm việc tại Việt Nam vừa qua, rằng quá trình cổ phần hóa các DNNN của Việt Nam có thể bị một số cá nhân và nhóm có thế lực trục lợi, nguy cơ cổ phần hoá biến thành tư nhân hoá cần phải được xem xét trong việc hoạch định các chính sách liên quan đến quá trình chuyển đổi sở hữu khối DNNN.
Trở lại với đà suy giảm của TTCK Việt Nam, nhiều lý do đã được đưa ra, nhiều biện pháp tình thế cũng như lâu dài được tính đến. Nhưng dù biện pháp nào thì cũng phải tính đến đặc thù còn khá nhỏ bé và non trẻ của TTCK Việt Nam (và kinh nghiệm cùng nền tảng tài chính của các định chế tài chính đã và sẽ vào thị trường này); thì mới có thể phát triển thị trường một cách bền vững, hỗ trợ hiệu quả cho tiến trình cổ phần hoá, hướng đến mục tiêu tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
ĐTCK
|