Sẽ “bội thực” cổ phiếu ngân hàng?
Ngay trong tháng 1/2008 đã có 5 ngân hàng thương mại cổ phần được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận về nguyên tắc thành lập và hoạt động, đó là các ngân hàng: Đông Dương Thương Tín, Năng lượng, Ngoại thương châu Á, Bảo Tín và Ngôi sao Việt Nam. Trước đó, trong năm 2007 đã có 4 ngân hàng được chấp thuận trên nguyên tắc là Bảo Việt, Liên Việt, FPT và Dầu khí.
Hầu hết ngân hàng trên đều được sự trợ giúp của các “đại gia” kinh tế, tài chính. Cụ thể, cổ đông sáng lập chủ yếu của Ngân hàng TMCP Năng lượng là các tổng công ty: Than - Khoáng sản Việt Nam, Sông Đà, Lắp máy Việt Nam và Vinaconex; cổ đông của Ngân hàng TMCP Ngoại thương châu Á là Vietcombank, CTCP Đầu tư và Sản xuất giày Thái Bình, Công ty TNHH Thương mại Thiên Đức; cổ đông của Ngân hàng TMCP Ngôi sao Việt Nam là Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, Techcombank, CTCP Công nghiệp Tân Tạo; cổ đông của Ngân hàng TMCP Dầu khí là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam; cổ đông của Ngân hàng FPT là CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ FPT; cổ đông của Ngân hàng Bảo Việt là Tập đoàn Bảo Việt, Vinamilk…
Với một loạt cổ đông vốn là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng và nhu cầu sử dụng vốn lớn (như FPT, Bảo Việt, Vietcombank, Sông Đà…) nên hoạt động của những ngân hàng mới được đánh giá là không quá khó khăn trong những ngày đầu đi vào hoạt động. Chính vì vậy, năm 2008 được dự báo là một năm giao dịch sôi động của cổ phiếu ngân hàng, nhất là khi 4 ngân hàng khác đã có kế hoạch bán tiếp cổ phần cho các tổ chức nước ngoài; bên cạnh đó, hàng loạt ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ, mở rộng chi nhánh, nâng cấp công nghệ…
Một quan chức NHNN cho rằng, việc một loạt tập đoàn tài chính, công nghiệp đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng là một yếu tố tạo sự hấp dẫn cho cổ phiếu ngành này. Ngoài ra, Nhà nước đang chuẩn bị ban hành quy chế quản lý thị trường OTC để thị trường này hoạt động hiệu quả, giá cổ phiếu trên thị trường OTC sẽ biến động gần hơn với thị trường chính thức và tính thanh khoản sẽ cao hơn nhiều so với hiện nay.
Theo các chuyên gia tài chính, thời gian qua, giá cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC sụt giảm, giao dịch ế ẩm nhưng vẫn còn hấp dẫn. Vì ngành ngân hàng là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh, có mức độ quản trị rủi ro chặt chẽ, đang có nhiều cơ hội hợp tác quốc tế… Tuy nhiên, để đầu tư chiến lược thì nên đầu tư vào cổ phần của ngân hàng có độ tin cậy cao. Còn trong ngắn hạn, nhà đầu tư cần lưu ý đến việc các ngân hàng đang tăng vốn mạnh, lượng cung cổ phiếu lớn có thể ảnh hưởng đến độ ổn định giá cổ phiếu trên thị trường. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến lộ trình cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh. Việc cổ phần hóa được chia thành nhiều bước, nên sẽ có tình trạng cứ mỗi lần các ngân hàng này phát hành cổ phiếu mới thì giá cả trên thị trường sẽ biến động.
Một vấn đề khác là đừng để bị lóa mắt vì thương hiệu của những cổ đông góp vốn (tập đoàn kinh tế), mà không xem xét kỹ đến chiến lược kinh doanh của các ngân hàng mới. Vì không phải tập đoàn kinh tế mạnh nào đầu tư sang lĩnh vực khác cũng sẽ thành công.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn, nếu các ngân hàng mới thành lập không có một hướng đi mới và chiến lược kinh doanh khác hẳn các ngân hàng “đàn anh” thì rất khó có thể hấp dẫn nhà đầu tư. “Sẽ là mạo hiểm nếu đầu tư vào cổ phiếu của những ngân hàng mới nhưng vẫn theo một chiến lược cũ. Nếu như vậy, thà mua cổ phần của ngân hàng cũ còn an toàn hơn”, ông Hưng nhận định.
ĐTCK
|