Thứ Ba, 29/01/2008 17:45

Phú Yên:

Thất hứa hay "bẫy" nhà đầu tư?

Ngay trước giờ Cty cổ phần Sơn Dũng Bảo làm lễ khởi công xây dựng khu du lịch sinh thái (resort) Bãi Môn - Mũi Điện (xã Hoà Tâm, huyện Đông Hoà) tức ngày 24.12.2007, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên bất ngờ ra quyết định thu hồi khu đất đã cấp cho Cty này.

Quyết định này không cần biết đến hậu quả sẽ đẩy Cty đến bờ vực phá sản, làm xấu đi môi trường đầu tư của tỉnh nhà. Đây không phải là lần đầu UBND tỉnh Phú Yên hành xử "thô bạo" với DN đến đầu tư ở tỉnh này.

"Chết" trước giờ khởi công

Theo lời kêu gọi đầu tư của UBND tỉnh Phú Yên, từ năm 2005 Cty CP Sơn Dũng Bảo đến tỉnh này tìm cơ hội đầu tư. Sau quá trình khảo sát, ngày 11.8.2005, Cty gửi văn bản tới UBND tỉnh Phú Yên xin chủ trương và địa điểm đầu tư khu du lịch sinh thái biển. Khi đã hội đủ điều kiện, ngày 6.10.2005, Cty lập văn bản gửi UBND tỉnh xin được đầu tư khu resort tại Bãi Môn - Mũi Điện.

Đáp ứng nguyện vọng này, ngày 12.12.2005 bằng thông báo số 1235/TB-UBND, UBND tỉnh Phú Yên cho phép Cty lập thủ tục đầu tư dự án, và trong thông báo số 74/TB-UBND, ngày 26.1.2006 lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã thỏa thuận địa điểm cho Cty này đầu tư xây khu resort Bãi Môn - Mũi Điện.

Do thủ tục hành chính vô cùng rườm rà, đến tận ngày 7.9.2007 Cty mới hoàn thành các thủ tục pháp lý để nộp tiền một lần mua quyền sử dụng đất cho dự án. Đến 20.9.2007, Cty đã chính thức được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc đầu tư vào Phú Yên của Cty đến đây tưởng đã thuận lợi. Ngày 10.10.2007, Cty ra thông báo số 65 gửi các cấp lãnh đạo tỉnh Phú Yên thông báo về việc đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, xin phép được tập kết vật tư, thiết bị nhân lực và triển khai công tác chuẩn bị công trường từ ngày 15.10.2007, để khởi công xây dựng dự án vào đầu tháng 11.2007.

Đáp ứng yêu cầu này, ngày 15.10.2007, UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức buổi họp cùng các ban ngành trong tỉnh nghe Cty báo cáo về tổng mức đầu tư dự án, quy mô xây dựng dự án...

Tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bá Lộc còn phát biểu chỉ đạo: "Đề nghị trong thời gian tới, nhà đầu tư cần tích cực hơn nữa trong công tác triển khai xây dựng dự án...".

Mọi việc cứ như đã xong thì bất ngờ ngày 7.12.2007, UBND tỉnh Phú Yên mời Cty Sơn Dũng Bảo đến thông báo: "Dừng triển khai dự án khu du lịch Bãi Môn - Mũi Điện, thống nhất trả lại toàn bộ số tiền thu sử dụng đất mà Cty CP Sơn Dũng Bảo đã đóng một lần tại kho bạc, kể cả lãi suất ngân hàng kể từ khi Cty nộp vào ngân sách nhà nước cho đến nay...".

Đồng thời, ông Phó Chủ tịch Nguyễn Bá Lộc yêu cầu các sở ngành liên quan thực hiện mệnh lệnh này. Vậy là sau hơn 2 năm đầu tư dự án resort Bãi Môn - Mũi Điện, bao nhiêu công sức tiền bạc của Cty này phút chốc... tan tành.

Dự án đè... dự án

Nguyên nhân của việc "lật kèo" nêu trên là bởi ngày 22.10.2007, tại văn bản số 1568/TTg-DK, Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô - có tổng diện tích sử dụng 410ha, dự án này có ảnh hưởng đến dự án du lịch Bãi Môn - Mũi Điện của Cty Dũng Bảo Sơn.

Phía UBND tỉnh không cần biết việc thu hồi như vừa nêu sẽ gây thiệt hại cho Cty như thế nào, cũng chẳng xem xét hỗ trợ nhà đầu tư tìm phương án khắc phục thiệt hại, lựa chọn phương án đầu tư mới... mà ra ngay Quyết định 2466/QĐ-UBND (ngày 24.12.2007) thu hồi đất đã cấp cho Cty CP Dũng Bảo Sơn, bỏ mặc lời "can ngăn" của các cấp tham mưu - mà điển hình là công văn 148/BC-SXD (ngày 23.11.2007) của Sở Xây dựng tỉnh, nêu rất rõ: "... nếu tỉnh quyết định dừng dự án lại thì việc bồi hoàn thiệt hại rất phức tạp, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư của tỉnh...".

Được biết, việc lựa chọn địa điểm xây dựng Nhà máy lọc dầu Vũng Rô vẫn còn trong quá trình... thỏa thuận, và nếu dự án có đặt ở đây thì dự kiến phải đến sau năm 2020, nhà máy lọc dầu này mới ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ môi trường và dự án resort Bãi Môn - Mũi Điện, nhưng lãnh đạo tỉnh này vẫn... đuổi nhà đầu tư.

Điều rất đáng quan tâm là ngay từ khi nghiên cứu dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên phải biết trên vùng đất này đang có dự án resort Bãi Môn - Mũi Điện - đã được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận cho đầu tư từ tháng 9.2005. Phải chăng những người có trách nhiệm ở tỉnh này đã không thèm "để mắt" đến "nhà đầu tư nhỏ", nên mới xảy ra cảnh "dự án đè dự án" như thế(?).

Dư luận cho rằng, nếu biết có dự án resort Bãi Môn - Mũi Điện ở đây mà lãnh đạo tỉnh này vẫn cho dự án sau "đè" dự án trước, thì đó là việc làm coi thường nhà đầu tư đến làm ăn ở tỉnh này.

Được biết, đây không phải lần đầu ở Phú Yên xảy ra chuyện "đẩy" nhà đầu tư vào "chỗ chết" thế này. Trước đó, UBND tỉnh Phú Yên đã cấp giấy phép Cty TNHH rượu Vạn Phát đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây nhà máy đường, nhà máy sản xuất cồn, rượu, CO2, đường kết tinh, phân vi sinh... và cho Cty được mua gom nguyên liệu rỉ mật, mía đường, đầu tư vùng nguyên liệu mía...; nhưng khi dự án đi vào họat động, chính quyền địa phương "cấm" nông dân bán mía cho nhà máy(?) nên đang làm dự án bị tê liệt.

Với cách hành xử với nhà đầu tư như những trường hợp vừa nêu thì liệu còn ai dám đến Phú Yên bỏ vốn làm ăn?

Các tin tức khác

>   TCty UDIC sẽ xây dựng 170.000m2 nhà ở (29/01/2008)

>   Cổ phần hoá bệnh viện, trường học công lập: Siết phanh! (29/01/2008)

>   Bài toán IPO thiếu lời giải đúng (29/01/2008)

>   Giá trúng thầu Sabeco chỉ bằng mức khởi điểm (29/01/2008)

>   Vinamotor tham gia đầu tư 4 dự án tại nước ngoài (29/01/2008)

>   SABECO: Kết quả đấu giá bán cổ phần (29/01/2008)

>   Ra mắt Công ty Cổ phần Dệt may (29/01/2008)

>   Công ty cổ phần Điện Quang gia nhập “Câu lạc bộ 1.000 tỷ” (29/01/2008)

>   ĐHĐCĐ sáng lập CTCP thể thao cao su Phú Riềng (28/01/2008)

>   CTCP XNK Bình Tây tăng vốn điều lệ và thay đổi người đại diện theo pháp luật (28/01/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật